Ba đón con sớm nhé!

07/01/2016 - 07:23

PNO - Tôi hiểu câu “Ba đón con sớm nha!” là một sự trông đợi cũng là một chút nũng nịu. Vì chuyện nọ chuyện kia mà tôi quên mất cảm xúc của con.

Tôi thường nói vui với bạn bè, mỗi người ở đời có ba nơi khó mà hài hòa nhau được: nhà, chỗ làm và chỗ con học; nên thường người ta cố gắng được hai chỗ gần nhau là quý rồi. Gia đình tôi cũng như thế.

Nhà tôi ở ngoại thành, đi làm ở nội thành, cách nhà khoảng mười lăm cây số. Hồi các con còn học mẫu giáo, tôi cố gắng xin cho con học ở gần cơ quan, nhưng từ khi con vào tiểu học thì vì không muốn xin xỏ học trái tuyến, tôi chọn trường gần nhà. Cả hai con đều ở tình cảnh như vậy.

Thế nên, buổi sáng phải đưa con đến sớm, con tôi là một trong những trò đến lớp sớm nhất, nhưng chiều thì luôn về trễ. Trường học của các con tan trước giờ tan sở của tôi khoảng nửa tiếng, thời gian từ cơ quan chạy đến trường khoảng nửa tiếng, nếu không bị kẹt xe.

Vì vậy, nếu đi nhanh nhất cũng trễ khoảng một tiếng, nhưng thường phải trễ bảy, tám mươi phút. Những ngày đầu đi học, con tôi phải ngồi chóc ngóc ở ghế đá sân trường hoặc ở nhà chờ mà xem hoạt hình hoặc xem các bạn chơi. Sau quen rồi thì các con cũng nhập bọn với các bạn.

Có bữa kẹt họp hành, tôi về khi đã mờ mờ tối, cổng trường cũng đã đóng, sân trường chỉ còn vài đứa. Thấy ba, con bé mừng rỡ chạy ào ra, không mếu khóc nhưng hỏi có ý trách: “Sao ba đón con trễ vậy?”…

Ba don con som nhe!
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Con gái lớn năm nay học lớp 5, đã quen với việc được đón trễ nên luôn biết “tận dụng” thời gian trống đó. Nhiều bữa con ở trên lớp, xuống sân rất muộn (vì biết có xuống sớm thì cũng chưa về được) để phụ cô làm mấy việc lặt vặt, như vô điểm, dò sổ, chấm bài… Được giúp cô (nên thường được cô khen và cho kẹo) đã vui mà lại không phải chờ đợi ba quá lâu, với con tôi lợi cả đôi đường.

Bữa nào không có việc của cô thì xuống sân chơi, lò cò, ăn ô quan, đuổi bắt… Tôi tự an ủi là thời gian đó cho con vận động, cũng là cách rèn luyện sức khỏe và tạo mối quan hệ với các bạn. Và cũng vì vậy tôi đỡ cảm thấy nóng ruột khi để con chờ đợi.

Vậy mà một bữa, trước giờ đi học, con gái nhỏ ôm cổ ba thủ thỉ: “Hôm nay ba đón con sớm nha!”. Tôi hơi bất ngờ và cảm thấy có lỗi với con. Hóa ra dù không tỏ vẻ buồn nhưng con vẫn mong được đón sớm.

Được một bữa nghỉ phép, tôi đến trường vào đúng lúc trống tan học vừa vang lên. Cổng trường vừa mở, rất nhiều phụ huynh ùa vào, mắt nhìn quanh tìm con, thì bên trong, bầy trẻ cũng dáo dác tìm ba mẹ mình. Trong ánh mắt của cả người lớn và trẻ nhỏ đều rộn lên niềm vui khi nhận ra nhau.

Con gái tôi cũng vậy, nó chạy vội ra, kêu tiếng “chào ba” rất phấn khởi như trông đợi phút này từ lâu lắm rồi vậy. Tôi hỏi: “Đi học có nhớ ba không?”, con bé trả lời rất nhanh: “Dạ có!”. Tôi lại hỏi: “Thế nhớ ba rồi có khóc không?”, cô nàng cũng đáp ngay: “Con lớn rồi mà khóc gì!”… Cứ thế, con gái lại huyên thuyên chuyện ở lớp với bài học, với các bạn…

Tôi hiểu câu “Ba đón con sớm nha!” là một sự trông đợi mà cũng là một chút nũng nịu. Đã học gần hết cấp I nhưng con vẫn còn rất bé bỏng. Vậy mà tôi, vì công việc, vì chuyện nọ chuyện kia mà quên mất cảm xúc của con. Thôi thì ba sẽ thu xếp dành nhiều thời gian hơn cho con để gần con hơn, hiểu con hơn, để được làm bạn tốt của con, nhé con gái!

Nguyễn Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI