Bà Đỗ Duy Liên - người quan tâm đặc biệt đến công tác báo chí và các nhà báo nữ

29/05/2024 - 05:57

PNO - Bà Tư là người được giao nhiệm vụ sáng lập Báo Phụ nữ Sài Gòn chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày (từ 17/5 đến 19/5/1975) với sự giúp công, giúp của rất tận tâm và rất hiệu quả của nhà tư sản Nguyễn Văn An - cũng là bạn của chồng bà Tư. Vậy nhưng, chưa bao giờ tôi nghe bà Tư Duy Liên kể lể công tích của mình hoặc đòi hỏi sự ưu đãi của tờ báo.

Bà Đỗ Duy Liên (thứ hai từ trái sang) tháp tùng Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (bìa trái) đến thăm tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM tại số 188 Lý Chính Thắng, quận 3 (năm 1993) - ẢNH: PHÙNG HUY
Bà Đỗ Duy Liên (thứ hai từ trái sang) tháp tùng Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (bìa trái) đến thăm tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM tại số 188 Lý Chính Thắng, quận 3 (năm 1993) - Ảnh: Phùng Huy

1. Tôi gặp dì Tư Duy Liên (sau đây xin được gọi là bà) lần đầu tiên cách đây 48 năm, trong một cuộc họp giao ban của Hội LHPN TP Sài Gòn, khoảng tháng 10/1975 ở số 192 đường Yên Đổ, nay là đường Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Khi đó, Sài Gòn vừa trải qua cuộc chuyển giao cũ - mới được 6 tháng. Cán bộ phụ nữ đến họp mặc trang phục na ná nhau, khó phân biệt được ai từ chiến khu ra, ai từ miền Bắc vào và ai là dân hoạt động nội thành.

Trong những người na ná nhau ấy, tôi bỗng thấy nổi bật lên một phụ nữ duyên dáng, lịch lãm, gương mặt trái xoan, đôi mắt thông minh và nụ cười đẹp hồn hậu.

Qua cách bà chào hỏi, có vẻ như bà quen biết gần hết những người dự họp đến từ các quận và các cơ quan của thành phố. Tôi hỏi thì được biết đó là bà Đỗ Duy Liên - thường được gọi là Tư Duy Liên, là một trong các phó chủ tịch của Hội LHPN thành phố khi đó.

Khi đi qua chỗ tôi ngồi ở cuối phòng họp, bà dừng một chút, nhìn tôi giây lát rồi hỏi với vẻ dịu dàng: “Dân Hà Nội về phải không?”. Bà bảo tôi: “Họp xong ở lại dì nói chuyện chút nghen”.

Tôi dạ mà hồi hộp không biết dì Tư sẽ nói chuyện gì. Hóa ra, câu chuyện mà người lãnh đạo có tác phong gần gũi ấy nói với tôi hôm đó là khuyên tôi nên thường xuyên đọc báo Phụ nữ Sài Gòn (mới ra đời trước đó 5 tháng), rồi từ thực tế đi các quận mà viết tin, bài cộng tác với báo:

“Trước mắt, với vốn ngoại ngữ được đào tạo ở đại học, nên tập dịch các mẩu chuyện ngắn. Cứ mạnh dạn dịch và viết, các anh chị trong ban biên tập sẽ sửa cho, từ đó có kinh nghiệm, viết tốt hơn. Dì Tư cũng từng làm báo trong chiến khu và nội thành, có gì khó cứ hỏi, dì sẽ hướng dẫn”.

Rồi bà viết vào cuốn sổ tay của tôi địa chỉ nơi ở và số điện thoại nhà bà. Tôi đã làm theo lời khuyên của bà, được các dì lãnh đạo tờ báo cùng các chị đi trước động viên, giúp đỡ trong những ngày đầu chập chững làm quen với công việc viết báo.

Tôi và các đồng nghiệp trên dưới 20 tuổi ngày ấy thật may mắn được làm việc với những người luôn tin cậy, dám giao việc cho lớp trẻ.

Với riêng tôi, trước khi được đi học các lớp đào tạo ngắn hạn về báo chí ở trong và ngoài nước, bà Tư Duy Liên chính là người thầy đầu tiên dẫn dắt tôi vào nghề báo. Năm đó, tôi mới 22 tuổi.

2. Những năm đầu sau ngày 30/4/1975, cán bộ, phóng viên chúng tôi sống theo kiểu bán thoát ly, ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Công việc khiến chúng tôi được gần gũi với các vị cán bộ lãnh đạo hội phụ nữ, để nhận các chỉ đạo, để trợ giúp công việc cho các dì, các chị.

Thời đó, các vị nữ lãnh đạo đều thường xuyên viết các bài xã luận, bình luận cho tờ Phụ nữ Sài Gòn thời kỳ đầu, chữ viết của ai cũng đẹp, đúng chính tả và câu văn thật mạch lạc. Tôi và các đồng nghiệp của mình đã nhận được từ các dì, các chị - đặc biệt là bà Tư Duy Liên - nhiều bài học trong công việc, trong cuộc sống.

Bà Tư là người được giao nhiệm vụ sáng lập Báo Phụ nữ Sài Gòn chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày (từ 17/5 đến 19/5/1975) với sự giúp công, giúp của rất tận tâm và rất hiệu quả của nhà tư sản Nguyễn Văn An - cũng là bạn của chồng bà Tư. Vậy nhưng, chưa bao giờ tôi nghe bà Tư Duy Liên kể lể công tích của mình hoặc đòi hỏi sự ưu đãi của tờ báo.

Dù rất bận công việc, khi còn là lãnh đạo Hội LHPN cũng như khi làm giám đốc đầu tiên của Sở Thương binh và Xã hội, rồi trở thành người nữ đầu tiên làm Phó chủ tịch UBND thành phố, bà Tư luôn năng nổ có mặt ở những mũi nhọn trong lĩnh vực bà phụ trách và đặc biệt là luôn tìm thì giờ để viết bài cho báo.

Bản thảo của bà Tư thường được viết tay trên giấy một mặt, nét chữ rõ ràng, ít chỗ gạch xóa, chừa lề rộng để tiện cho công tác biên tập. Bà thường nói, bản thảo viết rõ, viết sạch và chừa lề đủ cho việc sửa chữa là thể hiện sự tôn trọng của mình đối với những người làm nhiệm vụ duyệt bài, sửa bài. Đó là văn hóa ứng xử.

Khi thỉnh thoảng do quá bận, phải giao việc soạn bài phát biểu của mình cho một cán bộ dưới quyền, thái độ của bà Tư khi nhận kết quả công việc từ cán bộ bao giờ cũng rất nghiêm túc. Bà đọc kỹ và khi có những chỗ cần sửa, bà luôn cho cán bộ biết vì sao nên sửa để họ có thể hiểu và tự rút kinh nghiệm cho lần sau.

Tác phong đó của người lãnh đạo vừa thể hiện sự tôn trọng sức lao động của người giúp việc, vừa là cách đào tạo, rèn luyện họ.

Bà Đỗ Duy Liên (thứ hai từ phải sang) tại buổi họp mặt kỷ niệm 20 năm  ngày phát hành số Báo Phụ nữ TPHCM đầu tiên vào năm 1995 - ẢNH: PHÙNG HUY
Bà Đỗ Duy Liên (thứ hai từ phải sang) tại buổi họp mặt kỷ niệm 20 năm ngày phát hành số Báo Phụ nữ TPHCM đầu tiên vào năm 1995 - Ảnh: Phùng Huy

Ngay cả khi đã là Phó chủ tịch UBND TPHCM, tủ áo quần của bà vẫn rất đơn giản. Khi phát triển phong trào “nhà nhà nuôi heo” để khắc phục tình trạng thiếu thốn lương thực, thực phẩm, bà Tư cũng nuôi heo. Sau giờ làm, bà tự mình rửa chuồng, tắm heo, cho heo ăn như bao nữ chủ gia đình thời ấy.

3. Là một nhà báo, từng phụ trách Tiểu ban Báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và từng làm Tổng biên tập Báo Cờ Giải Phóng của Khu Sài Gòn - Gia Định vào các năm 1964-1965, bà Tư có sự quan tâm đặc biệt đến công tác báo chí và các nhà báo nữ.

Sự quan tâm của bà bao giờ cũng rất sâu sát, cụ thể như gợi ý cách các báo ở TPHCM xoay xở để có đủ giấy in trong điều kiện hạn mức được mua quá ít, hay tác động để ngành thương mại thực hiện chính sách bán xe máy giá rẻ cho các nhà báo nữ để họ đỡ vất vả khi vừa công tác, vừa đưa đón con.

Khi nghe tin tôi - lúc đó là Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - bị cấp trên kiểm điểm gay gắt (chủ yếu là vì sự khác biệt trong nhìn nhận những vấn đề mang tính báo chí) và có thể sẽ phải thuyên chuyển công tác, bà Tư đã viết thư cho ông Hà Đăng - lúc đó là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương - để ông hiểu rõ hơn về đội ngũ cán bộ báo chí ở TPHCM.

Khi mọi chuyện diễn ra như dự cảm mà bà từng nói với tôi, bà gọi tôi đến nhà và nói: “Tư biết con buồn vì không được trực tiếp làm báo nữa. Nhưng con à, vẫn còn nhiều việc có ích khác để làm với tinh thần một nhà báo.

Tư cũng có chuyện buồn, buồn lâu lắm vì bị hiểu lầm trong giai đoạn chiến tranh. Nhưng buồn không có nghĩa là không tiếp tục làm việc, không tiếp tục cống hiến cho dân, cho nước. Mình mới là người hiểu rõ mình nhất. Con nhớ vậy nghen”.

Từ sau ngày 5/6/1996 - ngày tôi chính thức rời vị trí công tác ở Báo Phụ nữ TPHCM - tôi đã trải qua nhiều công việc. Làm việc gì, tôi cũng ghi nhớ lời dặn của bà Tư năm 1996.

Cả khi tôi vào nghề báo 48 năm trước và cả khi tôi làm những công việc không thuộc nghề báo, bà Tư luôn là người thầy của tôi, dẫn dắt tôi đi qua những bước đường khác nhau của cuộc đời với tinh thần một nhà báo. Bà là người mà tôi luôn yêu kính và luôn thấy đẹp cả về cốt cách, tâm hồn.

Dì Tư, con cảm ơn và thương Tư nhiều lắm.

Nguyễn Thế Thanh

Nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI