Bà Đỗ Duy Liên: Một cuộc đời sáng trong như ngọc

01/05/2023 - 07:18

PNO - Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Đỗ Duy Liên trải qua nhiều trọng trách, dù giữ cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc và nhất là được cộng sự tin cậy, học tập ở bà nhiều mặt trong công tác.

“Mẹ yêu quý thành phố này vô cùng, vì chính trên đường phố mẹ đã giác ngộ cách mạng, biết yêu nước và ba mẹ đã thật sự đổ máu, góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng và xây dựng thành phố. Mẹ gắn bó với thành phố gần hết cuộc đời, nay cả ba và mẹ mất đi, các con tiếp nối mà bảo vệ, xây dựng thành phố. Đó là mệnh lệnh”. Đây là những dòng chữ chan chứa yêu thương dặn dò con cháu của bà Đỗ Duy Liên - một nữ cán bộ lão thành, sinh năm 1927 - khi gần thượng thọ 100 tuổi.

Với ai khác, có thể phải cần thêm nhiều thông tin ta mới hình dung ra chân dung lẫn sự nghiệp, còn với bà Tư Duy Liên, tôi nghĩ không cần thiết. Khi đọc tập sách Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ (Nhà xuất bản Trẻ, 2023), tôi tin rằng, những ai dù quen biết hoặc mới chỉ đọc về bà đều lập tức dậy lên bao cảm xúc.

Bà Đỗ Duy Liên
Bà Đỗ Duy Liên

Phẩm chất đạo đức của một cán bộ nữ 

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND TPHCM - kể lại: “Cô Tư - tức bà Đỗ Duy Liên - gắn bó với con người, công việc bởi lý tưởng cao đẹp và cái tâm trong sáng. Thời buổi khó khăn, gia đình cô cũng nuôi heo, gà, chim cút, cá rô phi… Cô không bao giờ tư lợi hoặc màng đến các danh hiệu khen thưởng nhà nước, luôn tiết kiệm cho việc chung. Có câu chuyện đáng nhớ là năm 1976, sau khi đi dự hội nghị chống ma túy ở Hồng Kông, cô đã trả lại tiền công tác phí cho Bộ Tài chính”.

Không phải ngẫu nhiên ông Nguyễn Thọ Chân - người hoạt động cùng thời với luật sư Nguyễn Hữu Thọ - đánh giá: “Chị Duy Liên là một cán bộ rất năng nổ, làm việc có trách nhiệm cao và đặc biệt rất chặt chẽ trong quản lý, chi tiêu tiền và tài sản công”. Sự liêm khiết, trong sáng của bà được nhiều người biết đến. Vì thế, ngay sau ngày thống nhất đất nước, bà nhận nhiệm vụ phải tổ chức cho ra đời tờ Phụ nữ Sài Gòn (nay là Phụ nữ TPHCM). Nhưng tiền đâu?
Chuyện này, ông Nguyễn Văn An - nguyên cán bộ Sở Thương binh và Xã hội TPHCM - kể lại: “Tôi vốn là bạn chí cốt của anh Lê Duy Nhuận (Tư Ốm), chồng của chị Tư Duy Liên, trong kháng chiến. Tôi hiểu rõ tính anh chị: không bao giờ mưu cầu cái gì riêng cho mình nên khi chị lên tiếng, tôi biết đó phải là việc lớn. Tối đó, tôi về bàn với vợ bán 10 cây vàng để lấy tiền làm vốn cho báo”. Tờ báo đã ra đời đúng vào ngày 19/5/1975 như kế hoạch do kịp thời xoay xở được tài chính là chính từ uy tín cá nhân của bà.

Bà Đỗ Duy Liên  và con trai út  Duy Hiệp, ảnh chụp năm 1966
Bà Đỗ Duy Liên và con trai út Duy Hiệp, ảnh chụp năm 1966

Yêu thương những phụ nữ thất thế 

Một trong nhiều điều khiến tôi ngưỡng mộ là quan điểm của bà về thân phận phụ nữ trong nghịch cảnh. Có cả vấn đề mà nay vẫn còn mang ý nghĩa thời sự: hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ngay từ sau ngày thống nhất đất nước, bà đã hết sức cởi mở, chan chứa tình cảm nồng ấm của nghĩa tình người trong một nước. 

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh - nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM - kể lại thời gian làm “lính” của bà: “Có lần, khoảng giữa năm 1976, bà gọi tôi đến nhà và hỏi: “Khi đi viết về các nhân vật người tốt việc tốt, con có đi tìm gặp những người là vợ sĩ quan chế độ cũ có chồng đi học tập cải tạo không?”. Tôi thưa dạ chưa, ban biên tập chỉ đạo ưu tiên viết trước gương công nhân, nông dân sản xuất tốt, thành phần đó để sau. “Vì sao lại để sau?”. Thấy tôi im lặng, không trả lời được câu hỏi, bà Tư đã nói với tôi thật nhẹ nhàng: “Để Tư nói con nghe, viết gương lao động tốt của công nhân, nông dân là đúng rồi. Nhưng ưu tiên viết trước là chưa đúng đâu. Bởi vì, các sĩ quan chế độ cũ khi phải đi học tập cải tạo do hoàn cảnh chính trị hiện tại đã để lại cho vợ con họ nỗi khổ gấp đôi những người không cùng hoàn cảnh. Vừa phải chịu đựng khó khăn chung về kinh tế hậu chiến như bao gia đình, vừa chịu đựng cảnh xa cách vợ chồng ngay trong hòa bình với nỗi phập phồng lo sợ cho sự an toàn của người thân, lại vừa chịu đựng sự định kiến “vợ sĩ quan chế độ cũ”, tuy không phải là tất cả nhưng rõ ràng là một thực tế nặng nề không tránh khỏi. 

“Cuộc đời Duy Liên là một tấm gương của người phụ nữ đã kiên cường vượt qua bao thách thức, gian khó của cuộc kháng chiến, những bỡ ngỡ ban đầu thời hậu chiến và trên hết là những mất mát không thể nói nên lời - của người mẹ xa con trong thời gian dài, của người vợ có chồng hy sinh khi còn khá trẻ - để làm tốt nhất nghĩa vụ với đất nước, với gia đình”.

Bà Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thế nhưng phần lớn trong số họ vẫn cố gắng phấn đấu xoay xở kiếm sống, nuôi dạy con cái đàng hoàng và chấp hành pháp luật thay vì có những phản ứng tiêu cực. Những phụ nữ ấy có xứng đáng để nhà báo cùng lúc viết về họ như những người tốt là công nhân, nông dân trong giai đoạn hiện nay không? Con à, người ta có thể chấp nhận sự thiếu ăn, thiếu mặc do xã hội vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, nhưng khó có thể chấp nhận sự thiếu công bằng trong ứng xử. Đã đành sự định kiến có nguồn gốc từ cuộc chiến tranh lâu dài và phức tạp trên đất nước ta. Nhưng nhận thức mới là quan trọng, nhận thức phải vượt lên sự phức tạp đó. Xã hội sẽ khó có ổn định lâu bền, dân tộc khó có sức mạnh phát triển khi để cho sự định kiến ấy cứ kéo dài. Con có đồng ý với Tư không?”. Thay cho câu trả lời, tôi đã rời chỗ ngồi tới ôm bà Tư thật chặt. Những lời bà nói tuy nhẹ nhàng mà như một tia sáng rọi vào tư duy hạn hẹp của tôi”.

Bức hình duy nhất của bà Đỗ Duy Liên cùng chồng là ông Lê Duy Nhuận và 2 con Liên Hoa - Thái Hỷ  chụp ở Campuchia năm 1960
Bức hình duy nhất của bà Đỗ Duy Liên cùng chồng là ông Lê Duy Nhuận và 2 con Liên Hoan - Thái Hỷ chụp ở Campuchia năm 1960

Năm 1987, khi giữ cương vị Phó chủ tịch UBND TPHCM, bà đã tham dự hội nghị bàn về biện pháp giải quyết tệ nạn mại dâm, có nhiều ý kiến đề nghị: “Mại dâm cấm không được thì nên thành lập một khu vực đưa vào tập trung để quản lý như ở Thái Lan, để chăm sóc chữa bệnh, không để phát triển tràn lan làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và chế độ của ta”. Bà Lê Thị Thu - nguyên Chủ tịch Hội LHPN TPHCM; nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em - kể lại: “Lúc ấy, dì Tư nói: “Đâu phải cấm không được thì cho hành nghề, như bao đời nay ta cấm trộm cướp cũng không được, ta có cho họ hành nghề không?”. Tôi cho đây là câu nói nổi tiếng của dì và cũng tỏ rõ quan điểm của người lãnh đạo thành phố với thái độ rất cương quyết. Dì nói: “Phụ nữ không phải là một món hàng hóa để mua bán, để những người có tiền chà đạp lên nhân phẩm của phụ nữ”. Điều này, đã cho thấy không chỉ bản lĩnh chính trị của một lãnh đạo mà còn là tấm lòng nữa”.

Gần gũi, hết lòng vì mọi người 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Đỗ Duy Liên trải qua nhiều trọng trách, dù giữ cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc và nhất là được cộng sự tin cậy, học tập ở bà nhiều mặt trong công tác. Khi làm chung ở Báo Phụ nữ TPHCM với bà Tư Duy Liên, bà Nguyễn Thị Tuyết - nguyên Phó tổng biên tập của báo - nhắc lại bài học khó quên: “Tôi còn nhớ hoài, lần nào chị Tư cũng nhắc anh em viết bài nên rõ ràng, tránh trừu tượng để người dân đọc ai cũng hiểu ý mình muốn nói gì. Nhất là những bài phản biện, chị luôn nhắc chúng tôi thật kỹ càng từng câu chữ sao cho bài viết không “đi nước đôi” mà quan điểm phải cụ thể, rõ ràng”.

Còn bà Lê Thị Thu, sau khi chuyển công tác từ hội phụ nữ sang Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, bà Tư Duy Liên nhắn nhủ: “Phụ nữ làm lãnh đạo rất khó con ạ. Trong phát ngôn phải hết sức bình tĩnh, thận trọng, lắng nghe. Cũng một câu nói, nhưng nam giới nói người ta không để ý, mà phụ nữ nói người ta hay để ý, bắt bẻ, có khi phản ứng. Nên con góp ý phải hết sức nhẹ nhàng, có tính thuyết phục để đạt được mục tiêu là tâm phục, khẩu phục mới thành công”.
Những ai đã từng làm việc chung với bà đều bày tỏ sự trân trọng, biết ơn. Thư ký của bà là bà Nguyễn Ngọc Cúc kể: “Cô Tư dạy tôi: “Sống là để cái đức cho đời sau”. Cô đã sống rất độ lượng, gần gũi, trải lòng với mọi người, hết lòng vì người dân và do đó, cô Tư rất giàu bạn bè - trẻ già, nam nữ, nữ tu, sư cô, cấp cao, cấp thấp…”. 

Có thể nói, cuộc đời của bà Đỗ Duy Liên trọn vẹn lý tưởng sống và chiến đấu vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của mọi người với tâm thế sáng trong như viên ngọc không tì vết. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI