'Bà đỡ' cho hàng Việt ra thế giới

25/10/2018 - 14:00

PNO - Saigon Co.op và các hệ thống siêu thị Big C, LOTTE Mart... đang hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá vào hệ thống bán lẻ của các đơn vị này trên toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, trong 3 năm liên tục từ 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, Saigon Co.op thông qua đối tác NTUC Singapore đã xuất khẩu sang đảo quốc sư tử một lượng lớn hàng hóa giúp thu về cho nông sản Việt Nam hơn 6 triệu USD.

Những sản phẩm Saigon Co.op xuất khẩu gồm thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, khoai lang vàng, khoai lang tím, ớt chuông, bưởi 5 roi, tôm sú hữu cơ, cá ba sa hữu cơ và hơn 10 mặt hàng sản phẩm thực phẩm công nghệ hữu cơ và đồ gia dụng cơ bản như ghế xếp, thùng rác,..

'Ba do' cho hang Viet ra the gioi
Nhiều sản phẩm của VN được xuất khẩu thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại

Các hệ thống siêu thị Big C, LOTTE Mart, Aeon... cũng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đưa hàng hóa sản xuất trong nước vào hệ thống phân phối, đồng thời xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ của các đơn vị này trên toàn cầu với tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hàng năm lên đến hàng tỷ USD, tập trung vào nhóm chế biến ngành nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng...

Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngày 10/10 vừa qua, Bộ Công thương đã kết thúc chuyến sang Nhật Bản để đàm phán với tập đoàn Aeon của Nhật Bản về việc tập đoàn này sẽ đưa hàng hóa của Việt Nam qua hệ thống phân phối của họ không chỉ tại Nhật mà còn tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác mà tập đoàn Aeon có hệ thống siêu thị. Lãnh đạo Aeon cam kết, đến năm 2020, mỗi năm hệ thống của tập đoàn Aeon sẽ tiêu thụ khoảng 500 triệu USD hàng hóa VN và đến năm 2025 sẽ tiêu thụ khoảng 1 tỷ USD.

Đại diện Big C cho biết đã “săn” được một số đặc sản nấm linh chi, nấm dược liệu (Linh Chi Vina), sản phẩm từ bưởi và dừa sáp (Long Thuận), trà và đặc sản Đà Lạt (Ngọc Thảo), tinh chất hồng đảng sâm (Kon Tum), gà nướng Bản Mòng Chẩm Chéo (đặc sản Bản Mường, Sơn La), ...

Ngoài ra, đơn vị này còn trực tiếp trao đổi thông tin cần thiết với nhà cung cấp để cải tiến mẫu mã phù hợp hơn với kênh bán lẻ hiện đại, cũng như điều chỉnh lại hương vị sản phẩm phù hợp hơn để vào hệ thống phân phối và hướng đến xuất khẩu.

Không chỉ Aeon, Bộ Công thương cũng đang xúc tiến việc ký kết tiêu thụ hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối của Tập đoàn Central Group – Thái Lan đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.

“Singapore được xem như là biểu tượng của hàng hóa chất lượng, an toàn và tính nhân văn cao. Bởi cơ quan quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y (AVA) trực thuộc Bộ Phát triển Quốc gia của Singapore quản lý an toàn thực phẩm rất khắt khe từ sản xuất đến bán lẻ. AVA áp dụng phương pháp khoa học phân tích rủi ro và phương pháp quản lý tiếp cận dựa theo tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá và đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Đức chia sẻ.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: qua 6 năm tổ chức chương trình “kết nối cung - cầu”, hiện đã có hơn 2.700 DN đến từ 40 tỉnh, thành trên cả nước tham gia và tổng cộng đã có 2.283 hợp đồng được ký kết.

“Qua các hoạt động kết nối cung cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các vùng miền đã được đưa vào các hệ thống phân phối lớn tại TP.HCM. Không chỉ phân phối nội địa, nhiều hệ thống còn lựa chọn các mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu ra nước ngoài. Như, Saigon Co.op xuất khẩu vải, bưởi da xanh... qua Singapore thông qua hệ thống đại siêu thị Co.op Extra; LOTTE Mart xuất khẩu hàng chục mặt hàng tiêu dùng, đặc sản của khu vực thông qua hệ thống siêu thị LOTTE Mart tại Hàn Quốc; Big C xuất khẩu sang Thái Lan...”, bà Trang thông tin.

Được biết, để có nguồn hàng chất lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn của các hệ thống phân phối yêu cầu, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, những năm qua TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, liên kết đầu tư sản xuất, phát triển hệ thống phân phối... giúp các nhà sản xuất trong nước và các đơn vị phân phối lớn của Việt Nam và FDI được gặp trực tiếp tiến hành giao thương.

Để tiếp tục thực hiện đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài”, theo Bộ Công thương, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến hỗ trợ DN tham gia chuỗi cung ứng trong và ngoài nước như xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhu cầu hàng hóa; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài; thúc đẩy DN FDI tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối tham gia đầu tư sản xuất để xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống phân phối của họ tại nước ngoài; nâng cao năng lực các DN sản xuất, xuất khẩu VN đáp ứng được các yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài

Nguyễn Cẩm

.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI