Bà đổ bệnh vì ghen tuông khi ông chơi Facebook

21/08/2020 - 11:34

PNO - Ai bảo chỉ có bọn trẻ mới ghen, người già cũng ghen rất “ra gì và này nọ” như cách nói vui của đám cư dân mạng.

 

Hơn 60 tuổi, bố chồng tôi tập tễnh chơi Facebook. Ông chủ yếu đọc tin tức, đăng hình cháu cho vui chứ chẳng thể hiện tâm trạng gì vì ông không rành công nghệ, tài khoản Facebook cũng do đứa cháu nội tạo cho.

Nghe tụi nhỏ kể bố chồng có Facebook, mẹ chồng tôi cũng loay hoay nhờ bọn nhỏ tạo cho mình "một cái Phây", vì chẳng biết bà nghe ở đâu rằng trên đó trai gái kết bạn yêu đương lung tung, chát chít loạn xạ, bất phân tuổi tác.

Nói thế chứ bọn tôi biết tỏng, tính bà ghen rất dữ, từ trẻ đã nhiều phen bà ghen lên bờ xuống ruộng vì ông vốn hào hoa, lại dẻo miệng, trên 60 tuổi vẫn mặc quần jean áo thun, khoẻ khoắn phong độ, vô tư yêu đời; trong khi mẹ chồng tôi bị đủ thứ bệnh nên yếu và trông già hơn ông.

Facebook giúp những người lớn tuổi giải khuây nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu họ sử dụng không đúng cách (ảnh minh hoạ)
Facebook giúp những người lớn tuổi giải khuây, nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu họ sử dụng không đúng cách (ảnh minh hoạ)

Lần đó, cả nhà hú hồn khi bà bệnh mấy ngày liền không dậy nổi, cứ u sầu héo hon không rõ chuyện gì. Rồi bà gắt gỏng đá thúng đụng nia xiên xỏ ông già “không nên nết”, khiến mấy chị em bán tín bán nghi.

Dò hỏi mãi bà mới tiết lộ về những gì bà xem được trên Facebook của ông khiến bà mất ăn mất ngủ (bà chỉ ngầm theo dõi chứ không kết bạn với ông trên Facebook).

Hoá ra, trước đó ít hôm, ông đăng hình một phụ nữ không còn trẻ nhưng nhìn là biết cũng thuộc dạng có nhan sắc. Bấy nhiêu chưa đủ nguy hiểm, bên dưới ông còn “còm” thêm vài câu bông đùa trêu ghẹo đúng kiểu bọn trẻ gọi là “thả thính”, có cả lời hẹn sẽ gặp lại ở quán X. nào đấy.

Có thế thôi mà bà dỗi, thuốc đến cữ không uống, cơm, cháo con cái nấu bà không ăn, chả thèm chơi với lũ cháu như mọi hôm. Cả ngày nằm xoay mặt vào tường đúng kiểu quay lưng với cả thế giới, trong khi ông thì không hiểu sự tình, tưởng bà bị bệnh gì.

Bọn con cái thấy bà làm nư kéo dài như thế thì hoảng, hội ý nhau làm sao để bà đừng ghen nữa. Suy cho cùng thì chỉ có thể xử lý nguyên nhân từ gốc là ông. 

Anh cả được giao giải quyết việc này. Anh rủ ông đi uống cà phê rồi thì thầm to nhỏ việc bà nổi giận vì bức ảnh vô tội vạ cùng những câu “còm” thiếu đứng đắn của ông và khuyên ông nên xoá đi để xoa dịu bà.

Ông cũng hết hồn, không ngờ sự việc nghiêm trọng đến vậy. Người phụ nữ kia là chủ quán cà phê ông hay ghé uống cùng mấy ông bạn già sau khi tập thể dục mỗi sáng. Ông cũng chỉ “còm” cho vui chứ không có ý gì.

Nhân tiện, anh cả hướng dẫn ông cách chơi Facebook sao cho an toàn, chỉ ông cách ẩn bớt thông tin không cần thiết hoặc giới hạn đối tượng xem để tránh “tai nạn” như vừa rồi.

Cứ tưởng về già là đã được yên, biết đâu có ngày facebook lại gợi cơn sóng gió (ảnh minh hoạ)
Cứ tưởng về già là đã được yên, biết đâu có ngày lửa ghen lại tạo cơn sóng gió (ảnh minh hoạ)

Bà giúp việc nhà tôi xin nghỉ hơn tháng nay. Cứ nghĩ sức khoẻ bà kém như lời bà giải thích qua điện thoại. Hôm rồi, gặp bà đi chợ, tôi mới biết, hoá ra bà bị ông ghen. Gần sáu 60 tuổi, con cái đã lớn nhưng đứa nào cũng nghèo nên bà vẫn tranh thủ giúp việc theo giờ cho các gia đình để kiếm chút thu nhập. Vậy mà vì ghen, ông không muốn bà đi làm nữa vì nhà nào cũng có đàn ông. 

Lý do ghen xuất phát từ lần bà đem về mấy chậu kiểng của một ông chủ lớn tuổi biếu bà. Hôm ấy, ông nổi giận đập tan tành mấy chậu kiểng, còn mắng bà già mà còn đưa đẩy thế nào mới được chủ nhà tặng quà.

Từ đó trở đi, dù không ghen với một "tình địch" cụ thể nào nhưng ông cứ hằn học, hạch hỏi bà "diện cho ai ngắm" mỗi khi bà có cái áo mới hay bà về trễ hơn bình thường. Ông đòi đưa đón bà tận nơi để dằn mặt gã nào muốn “léo hánh”. Bà nhún nhường, nín nhịn cho xong nhưng cũng không yên. Ông hay miệt thị, xúc xiểm bà bằng những câu rất khó nghe. Quá mệt mỏi, phần xấu hổ với các chủ nhà, phần sợ đến tai dâu, rể, bà xin nghỉ hẳn.

Ai bảo chỉ có tuổi trẻ mới ghen, người già cũng ghen rất “ra gì và này nọ” như cách nói vui của đám cư dân mạng. “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, nhưng ghen kiểu người trẻ hay người già xem ra chẳng cái nào ít khó chịu hơn cái nào. Ai đó cho rằng người già không còn xốc nổi, hơi sức đâu nữa mà ghen, nhưng có chứng kiến mới thấy, người già ghen không ầm ĩ, đáng sợ nhưng sức tàn phá chẳng thua kém người trẻ.

Ghen mà không có lý do, đối tượng cụ thể, đó chỉ còn là biểu hiện của bệnh lý khi người già ngoài yếu tố tuổi tác, họ còn chịu đựng sự xuống cấp của ngoại hình, tâm trí kém minh mẫn, tự ti về bản thân, phần do sự suy giảm nội tiết tố khiến tâm sinh lý thay đổi.

Bệnh ghen ở người già càng nghiêm trọng khi người bị ghen có “tiền sử” lăng nhăng hoặc lỗi lầm nào đó khi còn trẻ. Trừ khi “có lửa mới có khói”, nếu biết kiềm chế cảm xúc, cân nhắc thiệt hơn, lấy tình nghĩa, niềm vui bên con cháu, sức khoẻ của bản thân làm mục đích sống, bệnh ghen sẽ không có chỗ phát triển khi mà tầm tuổi này, ngay cả khi một trong hai người “léng phéng” thật, thì chuyện ấy cũng chẳng thể lâu dài hoặc đi tới đâu.

Thay vì ghen, hãy xem mọi sự như gió thoảng mây trôi, gắng sống vui vì quãng đời còn lại có bao lâu mà phí hoài vào chuyện ghen tuông cho hao tâm tổn sức!

Kha Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI