Bà đỡ "bao đồng" ở bản Lạ

02/08/2024 - 09:48

PNO - Hàng chục năm qua, dù không được trả lương, vậy nhưng chỉ cần người dân bản gõ cửa, bà Lương Thị May (63 tuổi) trú bản Lạ, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An lại tức tốc lên đường đi đỡ đẻ.

Nhẩm đếm số lượng các bà bầu ở bản, bà nói, đời sống người dân ngày càng nâng cao, đường sá đi lại thuận tiện hơn nên việc của bà cũng ít lại. Dù vậy, bà vẫn lập danh sách phụ nữ có thai.

Bà May và cháu nội - Ảnh: Phan Ngọc
Bà May và cháu nội - Ảnh: Phan Ngọc

Mỗi tháng, bà đến từng nhà kiểm tra, tư vấn kiến thức sinh sản, vận động bà bầu đến bệnh viện hoặc trạm y tế xã khám. Bà cũng chỉ ra những tác hại của thuốc lá, rượu để khuyên thai phụ hạn chế trong thai kỳ, để sinh con an toàn, khỏe mạnh. “Y học ngày càng phát triển, đường sá đi lại thuận tiện hơn nên tôi khuyên bà con đến bệnh viện sinh con cho an toàn. Chỉ khi bất đắc dĩ mình mới giúp đỡ đẻ thôi” - bà May nói.

Bà kể, sau khi hoàn thành khóa hộ sinh 2 năm ở trường trung cấp y tế, bà về làm việc tại trạm y tế xã ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Năm 1986, bà lập gia đình rồi xin nghỉ việc, chuyển về xã Lượng Minh làm cộng tác viên dân số cho bản Lạ.

1 năm sau, bà trở thành "bà đỡ bất đắc dĩ" cho chị dâu của mình.

“Hôm đó chị dâu trở dạ, nhưng trời đang mưa, đường trơn trượt rất khó để ra bệnh viện nên buộc phải sinh ở nhà. Tôi đã học rồi nhưng đó là lần đầu tiên đỡ đẻ, cũng may chị sinh dễ nên mọi việc thuận lợi” - bà May kể.

Nhiều năm trước, do địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn nên người dân ở xã Lượng Minh chủ yếu sinh con tại nhà - Ảnh: Phan Ngọc
Nhiều năm trước, do địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn nên người dân ở xã Lượng Minh chủ yếu sinh con tại nhà - Ảnh: Phan Ngọc

Tiếng lành đồn xa, bà May dần trở thành cô đỡ đẻ của cả vùng. Theo bà, khoảng hơn chục năm về trước, phần vì điều kiện kinh tế khó khăn, phần vì giao thông cách trở nên hầu như phụ nữ nơi đây đều sinh con tại nhà. Hiểu được khó khăn đó, hễ ai đến gõ cửa nhờ cậy, bà đều lên đường bất chấp thời gian, thời tiết.

Đến nay bà không nhớ đã giúp bao nhiêu bà mẹ vượt cạn thành công, vì quá nhiều. Bà áng chừng mỗi năm đỡ đẻ cho 20-30 người. “Có nhiều ca khó, tôi chỉ dám hứa với người chồng sẽ cố hết sức” - bà kể. Đó là một đêm mưa gió tháng 9/1995. Bà đang ngủ thì 1 người đàn ông ở bản Chẳm Puông (xã Lượng Minh) đến đập cửa, nói gấp: “Nguy rồi, chị qua cứu vợ em với!”.

Lấy balo đồ nghề gọn nhẹ đã để sẵn với con dao cắt rốn và ít đôi găng tay cao su, bà May nhanh chóng lên xe đạp đi cùng người đàn ông. Bà kể, đây là ca sinh non, ngôi thai ngược, khi bà đến nơi thì chân của đứa trẻ đã thò ra ngoài. Chồng sản phụ lo lắng, đi đi lại lại quanh nhà, nói: “Chị cố gắng cứu mẹ hoặc con cũng được”. “Lúc đó tôi trấn an người vợ, bảo gắng hít thật sâu để rặn” - bà kể. Gần 3 tiếng sau, bà đỡ đẻ thành công, cả hai mẹ con đều an toàn. Khi bà về đến nhà thì trời đã sáng.

Bà nói, làm việc này xuất phát từ tâm, không hề nghĩ đến tiền công. Sau khi sản phụ “mẹ tròn con vuông”, hầu hết các gia đình đều đến nhà tặng cho bà con gà hoặc bao gạo để “làm vía”. Có khi bà nhận để họ vui, song gặp gia đình khó khăn thì bà trả lại, bảo “tặng lại để bồi bổ cho mẹ con”.

Dụng cụ đỡ đẻ của bà May chỉ có chiếc dao và ít đôi găng tay cao su - Ảnh: Phan Ngọc
Mỗi năm bà May giúp 20-30 em bé chào đời - Ảnh: Phan Ngọc

Nhiều em bé từng được bà May đỡ đẻ nay đã trưởng thành, xem bà như người thân, những khi đi làm ăn xa về thường đến hỏi thăm sức khỏe của bà. Bà nói đó là món quà ý nghĩa và động lực lớn nhất để bà tiếp tục công việc này. Những năm gần đây, bà không khuyến khích phụ nữ sinh con tại nhà, song hễ ai gọi vì “đã lỡ chuyển dạ” bà sẵn lòng tới hỗ trợ.

Ông Trần Văn Công - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương - cho biết, hiện những cô đỡ yêu nghề như bà May không còn nhiều ở huyện Tương Dương. “Ở Tương Dương chỉ còn một số ít cô đỡ kiêm nhiệm y tế thôn bản. Gần đây, cơ bản đời sống người dân được nâng cao nên hầu như không còn ai sinh con ở nhà. Nhiệm vụ của cô đỡ vì thế cũng khác, họ chủ yếu đến tư vấn cho bà bầu đi khám, tư vấn viêm vắc xin hay tư vấn về chế độ ăn để đảm bảo dinh dưỡng” - ông Công nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI