Bà dâu trưởng đặc biệt

01/04/2025 - 14:03

PNO - Có bà mẹ chồng hiện đại, tiến bộ, tôi thấy mình vô cùng may mắn.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngày về làm dâu, tôi không hiểu bằng cách nào mẹ chồng tôi - một người đàn bà xuề xòa trong tính cách, thẳng thắn trong ăn nói, vụng về trong bếp núc - lại có thể làm tròn vai dâu trưởng của cả dòng họ ở miền Bắc. Càng sống gần bà, tôi càng nhận ra bí quyết nằm ở bản lĩnh đối mặt cũng như sự ủng hộ hết mình của người bạn đời.

Ông là con trưởng, phía sau còn cả bầy em. Bà nhỏ hơn ông gần con giáp, so về tuổi tác còn trẻ hơn em chồng, vậy mà phải làm dâu trưởng. Ai cũng ái ngại giùm bà, dự đoán một cuộc đời làm dâu nhiều gian truân. Bà sinh con gái đầu lòng cùng lúc mấy cô em bên chồng sinh con. Nhìn cảnh mẹ chồng khó xử trong chuyện chăm cháu nội, cháu ngoại, bà đem con về gửi bên ngoại. Đến khi sinh con trai thứ, bà bàn với ông dọn ra khu tập thể của trường.

Quyết định đó của ông bà tựa như một cuộc cách mạng chốn làng quê ngày ấy, bởi chẳng nàng dâu trưởng nào lại dám làm việc “tày đình” như vậy. Khỏi phải nói, các em chồng, rồi họ hàng, láng giềng… mặc sức xì xào. Bà bỏ ngoài tai mọi lời gièm pha. Cứ mỗi cuối tuần, ông lại đạp xe chở vợ con về bên ngoại thăm con gái lớn, nhận đồ tiếp tế của bà ngoại.

Tuần nào không về ngoại, vợ chồng con cái lại chở nhau về thăm nội. Đó là những năm tháng còn chiến tranh, đời sống khó khăn, suy nghĩ của người quê cũng còn rất cổ hủ. Nhưng mẹ chồng tôi, bằng sự kiên định, đã tâm sự thẳng thắn với bà nội chồng tôi rằng: “Chúng con là giáo viên, lại có con nhỏ, mẹ ở nhà còn các cháu ngoại nên con đến trường ở cho tiện công tác, có thể chăm sóc cháu mà khỏi nhờ đến mẹ. Cuối tuần rảnh, con đưa cháu về thăm. Tính con hơi vụng, ở nhà cũng không phụ gì được cho mẹ, lại còn khiến mẹ phiền lòng”. Vậy là đời làm dâu của mẹ chồng tôi chỉ kéo dài vỏn vẹn chưa đầy 2 năm - một kỷ lục ở quê thời đó.

Sau thời gian ở tập thể, ba mẹ chồng tôi cất nhà ở riêng, sinh thêm 3 người con, trong đó có chồng tôi. Việc mua đất, cất nhà cũng khiến ông bà phải mượn nợ, vất vả nhiều năm. Có thời gian, mẹ chồng tôi sáng dạy ở trường, chiều chạy chợ bán hàng. Ba chồng tôi thì ngoài giờ lên lớp còn nhận hàng gia công về làm. Khó khăn mấy, mẹ chồng tôi cũng quyết không về sống chung với đại gia đình chồng.

Kể lại chuyện đó, bà bày tỏ quan điểm: “Ba con là con trưởng, gia đình nội lại là nhánh chính của dòng họ. Theo lệ, đương nhiên ba con sẽ hưởng quyền thừa kế gian nhà lớn. Vậy nhưng mẹ không quan tâm của cải, ba mẹ chọn sống gần chứ không sống chung với anh em để hạn chế những va chạm làm mất tình cảm. Thời gian bận tâm vì những đụng chạm trong cuộc sống, mình dành để làm việc kiếm tiền, nuôi dạy con… còn có ích hơn”.

Sau khi ông bà nội mất, ba mẹ chồng tôi vẫn không dọn về sống trong gian nhà lớn mà bỏ tiền sửa lại nơi này làm nhà thờ họ. Đây cũng là nơi cho bà cô bên chồng có hoàn cảnh khó khăn tá túc. Mỗi năm đến ngày giỗ, mẹ chồng tôi vẫn làm tròn vai con dâu trưởng khi lo toan chuyện cúng bái. Chỉ khác là bà không trực tiếp vào bếp mà tìm chỗ ngon, uy tín để đặt tiệc.

Anh chị em, họ hàng, con cháu về dự chỉ quây quần ăn uống, trò chuyện chứ không phải quần quật trong bếp. Họ hàng ở xa về, bà chỉ chỗ đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn ngủ cho thoải mái, không cần phải đùm túm ngủ lại nhà thờ vừa tù túng, nóng nực lại mệt mỏi. Tư tưởng hiện đại của bà ban đầu cũng bị phản đối nhưng bà được ông ủng hộ, nên cứ thế mà làm. Dần dần, mọi người lại thấy thoải mái, nhẹ nhàng vì ai cũng đỡ vất vả. Uy tín của ông bà trong dòng họ cũng ngày một lớn khi các con đều thành đạt, các cháu học giỏi.

Có bà mẹ chồng hiện đại, tiến bộ, tôi thấy mình vô cùng may mắn. Bà luôn tự nhận mình không khéo léo, không biết dạy gì cho con dâu nhưng tự đáy lòng, tôi học được ở bà ý chí mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám sống thật với chính mình và quyết liệt hành động với những điều bà cho là đúng. Tố chất đó, phụ nữ thời nào cũng cần phải có.

Thanh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI