Bà cục trưởng cực hài đến khó đỡ!

01/07/2019 - 05:42

PNO - Cái khủng khiếp nhất ở đây lại là tự ban phát mọi đúng sai, tự ban hành lệnh cấm, phạt lên cả cộng đồng - nơi mà ngôn ngữ là một tín hiệu đặc biệt đã được thỏa thuận, công nhận, phổ biến.

Dưng không, Coca-Cola Việt Nam được hưởng cú quảng cáo tưng bừng không mất tiền.

Dưng không, dân tình Việt Nam có chuyện giễu nhại hứng khởi miễn phí.

Ấy là nhờ bà Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương có vẻ là người cực hài.

Ba cuc truong cuc hai den kho do!
Chiến dịch quảng bá mẫu bao bì mới vốn rất bình thường của tập đoàn đồ uống lại bị nhà quản lý tự suy diễn rồi cấm đoán

Bà cục trưởng cho rằng, trong cụm từ “Mở lon Việt Nam”, chữ “lon” gắn với Việt Nam là thiếu trang trọng. Bà cũng chiết tự chữ “lon” đứng một mình, không gắn với Coca-Cola hay bia có thể được hiểu theo nhiều nghĩa là rất phản cảm và thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ. “Giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào từ đó… Vì vậy, nó rất là khủng khiếp nếu chữ đó nó chềnh ềnh ra trên biển quảng cáo ngoài trời” - lời của bà cục trưởng.

Hú hồn! May là nữ sĩ Hồ Xuân Hương lọt lòng từ hơn ba thế kỷ trước, chứ không, dễ gì những trước tác của Bà chúa thơ Nôm lại lọt khỏi tầm ngắm của thứ tư duy “mở lon” của bà cục trưởng.

Nhưng rủi cho dân tình xứ Việt, bởi người quyền chức nắm trong tay “văn hóa cơ sở” Việt lại tự đắc phô bày cái lệch lạc, hỏng hóc của cơ sở văn hóa trong ngôn ngữ Việt.

Trong chiến dịch quảng bá của tập đoàn kinh doanh đồ uống toàn cầu này, trong đó có Việt Nam, là thông tin “Bừng hứng khởi đón sự kiện ra mắt bộ lon” đi kèm thông điệp “Việt Nam tôi yêu - Coca-Cola tôi yêu”, cùng hình họa của các cặp nam thanh nữ tú; những gương mặt mang tinh thần “U23 Việt Nam”. Và “Mở lon Việt Nam” được “chạy” trong chuỗi chiến dịch quảng bá ấy. Đơn giản là vậy, cả trong ngôn bản - viết hay nói thì nội dung “mở nắp lon Coca-Cola Việt Nam” cũng dễ dàng được tiếp nhận và hiểu theo đúng nguyên nghĩa.

Vậy mà, trên nền ngữ cảnh chung ấy, trong tính liên kết sự kiện - thông tin ấy - vốn là một thuộc tính của ngôn ngữ, hà cớ gì bà cục trưởng lại bóc tách cụm từ “Mở lon Việt Nam” để suy diễn từ, ngữ, nghĩa một cách thô kệch, lố bịch? Nói trắng ra, chỉ có sự tăm tối, bày vẽ chiết tự tùy tiện, không căn bản, vô căn cứ mới tự thêm dấu, thêm mũ cho một danh từ vốn có tính độc lập, được hiểu theo nguyên nghĩa phổ biến nhất (lon, trong trường hợp này là chỉ một vật để đựng, bao bì).

Rõ ràng, trong biên độ phân tích ngữ nghĩa rộng và đa dạng của một ngôn ngữ vốn có tính đơn lập điển hình nhất, tiếng Việt, qua não trạng của bà cục trưởng đã cho thấy khả năng “biến hình” ngôn ngữ phải nói là vô thiên lủng. Hoặc không, chỉ có thể hiểu là bà cục trưởng đang tập đánh vần từ vựng theo các dấu. Xui cho mẩu quảng cáo của Coca-Cola rơi vào cái chữ “lon” mà bà cục trưởng đang méo mồm méo miệng tập đánh vần, võ vẽ bỏ dấu. Bởi không thể tự dưng xé toạc từng chữ ra khỏi văn cảnh, rồi tự ghép các dấu vào, tự miệt thị ngôn ngữ như thế.

Cái khủng khiếp nhất ở đây lại là tự ban phát mọi đúng sai, tự ban hành lệnh cấm, phạt lên cả cộng đồng - nơi mà ngôn ngữ là một tín hiệu đặc biệt đã được thỏa thuận, công nhận, phổ biến.

Tiếng nói của một dân tộc luôn gắn liền, luôn phản ánh văn hóa của dân tộc ấy. Người nắm “văn hóa cơ sở” của một bộ văn hóa với chừng ấy lớp lang “văn hóa ngôn ngữ” thì sẽ nói lên tiếng nói văn hóa gì cho chính họ, cho công việc mà họ đong đếm trong tay, cho một phần khuôn mặt mà họ công kênh đại diện?

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI