Bà “công bình” ở ngã ba yêu đời

14/07/2021 - 12:00

PNO - “Đây là ngã ba yêu đời con nhé!”, cô Thiện dừng chân ở đầu con hẻm 174 Phan Văn Hân nối với khu phố 1, khu phố 3 và nói với chúng tôi hẻm được lắp đặt tám mắt camera.

“Ngã ba bụi đời” chỉ còn trong ký ức

Cô Nguyễn Thị Thiện - Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 4, P.17, Q.Bình Thạnh - đưa tay chỉ các vị trí lắp đặt camera rồi tự hào, từ năm ngoái, camera an ninh đã phủ kín 20 tổ dân phố và các tuyến đường trong khu phố. Lúc trước, máy chủ đặt ở trụ sở công an phường, nhưng sau đó ban điều hành khu phố đã đề nghị cấp mật mã cho các hộ dân để tất cả người dân cùng giám sát. Nhờ vào tai mắt của nhân dân mà nhiều vụ buôn bán, tàng trữ ma túy được phát hiện và triệt phá trong những năm gần đây.

Cô Nguyễn Thị Thiện (thứ hai từ trái sang) cùng người dân khu phố 4 dọn vệ sinh, làm sạch môi trường sống - ảnh: T.L.
Cô Nguyễn Thị Thiện (thứ hai từ trái sang) cùng người dân khu phố 4 dọn vệ sinh, làm sạch môi trường sống - ảnh: T.L.

Thấy cuộc sống nền nếp, yên bình trong từng xóm ngõ, ít ai ngờ nơi đây từng là một trong những địa bàn “nóng” nhất thành phố. Cô Thiện kể, trong một đêm chốt chặn đột xuất tại hẻm 174, Công an P.17, Q.Bình Thạnh đếm được 292 lượt người ra vào hẻm, gần như toàn bộ là dân tạm trú, vãng lai. Đưa về phường sàng lọc, lực lượng chức năng phát hiện, hơn 30 người dương tính với ma túy. Nhưng đó là câu chuyện của năm 2016, khi tệ nạn ở con hẻm nổi tiếng đã… giảm đi rất nhiều. Trước đó, tình hình còn căng hơn. Hẻm 174 là hẻm cụt, biệt lập nên nó có biệt danh là “ốc đảo Ma Cau”, “ngã ba bụi đời” - là nơi các thành phần bất hảo, tù tội, không công ăn việc làm hội tụ để hút chích, cờ bạc. Cô Trương Bích Hợp, một người dân khu phố 4 kể, năm 2001, cô mua nhà và chuyển về đây ở. Khi biết nơi cô dọn về ở, bạn bè thốt lên: “Bộ hết chỗ ở hay sao mà về đó?”. “Lúc đó, tôi không hiểu lắm. Nhưng về ở rồi tôi mới biết, cứ 19 - 20 giờ là ai nấy đều đóng cửa, không dám ra khỏi nhà vì sợ tai bay vạ gió”, cô Hợp nhớ lại.

Tuy nhiên, qua thời gian, cái “ốc đảo Ma Cau” hay “ngã ba bụi đời” giờ đã trở thành “ngã ba yêu đời”, ai cũng thường trực nụ cười chào nhau mỗi buổi sáng mở cửa cũng như khi gặp gỡ. Những biệt danh cũ chỉ còn trong ký ức. Sự thay đổi đó, với người dân khu phố 4, là nhờ vào công sức của cô Nguyễn Thị Thiện - Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố.

Dùng tình cảm để chuyển hóa

Năm nay cô Thiện đã 70 tuổi. Năm 1978, sau khi rời Trường Đào tạo cán bộ các dân tộc Tây Bắc, cô chuyển công tác về Trường Sư phạm Mẫu giáo TP.HCM, chuyển sang cửa hàng ăn uống H.Nhà Bè rồi về phòng tổ chức chính quyền huyện này. Với bốn đứa con đang tuổi ăn học, cuối năm 1993, cô quyết định nghỉ hưu. 

Ngôi nhà ở Q.1 quá nhỏ cho sáu thành viên gia đình, nên cô Thiện chuyển về ở tại khu phố 4, P.17, Q.Bình Thạnh để có không gian sống rộng rãi hơn. Thế nhưng, khi đến nơi ở mới, cô lại phải đối mặt với nỗi lo ngại vì môi trường sống phức tạp. “Với mong muốn có một môi trường an ninh cho con mình lớn lên, tôi đã tham gia cùng chính quyền để chuyển hóa khu phố”, cô Thiện nhớ. 

Với quyết tâm đó, không biết bao nhiêu lần cô đã có mặt tại những điểm nóng để khuyên can hàng xóm đánh chửi nhau, bạo hành nhau… Nghe tin, trong khu phố có đối tượng dính vào ma túy là cô lân la tìm hiểu ngay. Vì “nhiều chuyện” mà ngày đó, không ít lần cô bị các đối tượng ném trứng thối vào nhà. 

Đến nay, đã gần 30 năm trải qua các cương vị ở địa bàn khu phố, cô Thiện trở thành khắc tinh của tội phạm. Toàn bộ hệ thống camera lắp đặt phủ khắp khu phố đều do cô vận động kinh phí từ các hộ dân. Với niềm tin vào nhân dân, cô đã xây dựng được một lực lượng nòng cốt trong dân để cùng nhau phòng, chống tội phạm. Như trường hợp của anh N.V.C., sau sáu năm đi tù vì tội chém người trở về, cô Thiện đã lui tới, lắng nghe nguyện vọng rồi đề nghị phường tạo điều kiện để anh buôn bán, ổn định cuộc sống. Anh C. đã nhiều lần phát hiện những dấu hiệu phạm tội và thông báo với chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời.

Cô Thiện (ngồi giữa) tìm hiểu phong tục tập quán của từng dân tộc để có sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời - Ảnh: T.L.
Cô Thiện (ngồi giữa) tìm hiểu phong tục tập quán của từng dân tộc để có sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời - Ảnh: T.L.

“Mưa dầm thấm lâu, dùng tình cảm để cảm hóa, xoay chuyển” là cách mà cô Thiện tin sẽ mang lại kết quả. Với nhiệm vụ của bí thư chi bộ khu phố, cô luôn gần dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của họ để giải quyết kịp thời. Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, khu phố 4 không xảy ra chuyện khiếu kiện. Những gia đình có người thất nghiệp, hồi gia được cô Thiện quan tâm, giúp học nghề, bố trí việc làm, hỗ trợ vay vốn nhằm ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Đặc biệt, là địa bàn cửa ngõ với nhiều cộng đồng dân tộc (Chăm, Hoa, Khmer, Thái, Mường, K’Ho) sinh sống, cô Thiện đã tìm hiểu phong tục tập quán của từng dân tộc để hiểu, gần gũi, cảm thông, chia sẻ, động viên kịp thời với từng hoàn cảnh. “Người Kinh hay người Chăm, hễ có mâu thuẫn gì là dân khu phố 4 lại đi gọi chị Thiện. Mà hễ chị tới là mọi chuyện được giải quyết rất êm xuôi” - cô Hợp nói về người “thuyền trưởng” của khu phố. 

Cô Thiện được bà con khu phố 4 tin yêu, gọi là “bà công bình”. Nhờ vào cái sự công bình mà cô Thiện không chỉ tạo được lòng tin yêu mà còn góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI