Gần như, mỗi người trong khu nhà này đều tìm thấy sự sẻ chia từ người bên cạnh, phòng bên cạnh. Đó là khu nhà trọ ở P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM và chủ khu nhà là chị Bùi Thị Hường, thành viên của Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ trực thuộc Hội Phụ nữ phường.
Nói đến khu nhà trọ dành cho công nhân và sinh viên, không ít người sẽ nghĩ đến những căn phòng ẩm thấp và nóng bức, chật chội với những tiếng ồn ào, cãi vã. Thế nhưng, khu nhà trọ của chị Bùi Thị Hường thì ngược lại.
Phía sau cánh cổng ra vào là một sự êm ả đến bất ngờ với những căn phòng nhỏ nhưng thoáng đãng, trần cao, lối đi chung sạch sẽ. Không gian yên bình ấy khiến khu nhà trọ như tách biệt hẳn với thế giới ồn ào đầy vất vả ngoài kia, trở thành mái nhà thật sự của những người đang cư ngụ.
Chị Hường nói, chị muốn bất kỳ ai khi đến sống trong khu nhà trọ này đều tìm thấy cảm giác thân thuộc. Có thể họ - những công nhân có ngày tăng ca đến hơn 10 tiếng đồng hồ, sinh viên với mớ rau lùa vội để kịp giờ học và giờ làm thêm - đang thiếu vắng người thân, nhưng họ chắc chắn sẽ cảm nhận được một điều ấm áp khác: sự đùm bọc.
Buổi sáng, chị Hường mở cửa hông nhà (khu nhà trọ nối liền với nhà chị ở phía bên hông), bước qua nhặt vội những chiếc dép mà ai đó chưa kịp để gọn vì quá vội, xếp nó cho ngay ngắn trước cửa phòng.
|
Chị Hường luôn giữ gìn sự ấm áp cho khu nhà trọ của mình |
Mỗi khi gió thốc hay trời có dấu hiệu chuyển mưa, chị lại vội vàng tung cửa để “lấy đồ vô cho tụi nó, chứ không trời mưa ướt, tối tụi nó không có để mặc”. Nếu như với những chủ nhà trọ khác, thời gian “để mắt” đến khu nhà trọ là nhằm đảm bảo những cư dân trong vòng quản lý của mình đừng vi phạm nội quy thì với chị Hường, sự “để mắt” ấy là cốt để khu nhà êm đềm nhất có thể, sạch sẽ, gọn gàng nhất có thể.
Nhiều người hỏi chị Hường vì sao lại nhọc công khi những người xa lạ ấy cũng chỉ đến và đi trong một đoạn đường đời. Câu trả lời của chị rất đơn giản: vì chị từng như họ.
Nhiều năm về trước, cô gái Bùi Thị Hường rời làng quê Thái Bình vào Nam làm công nhân may, nhiều năm liền cô không hề biết đến hai chữ “giải trí” là gì. Chị sống trong căn phòng trọ tồi tàn, nóng bức. Chị từng bật khóc khi nghĩ về những ngày phía trước mịt mù, từng nhớ quê nhà đến quay quắt mà không có tiền mua vé xe về.
Ngày đó, những khi nhận may thêm tại nhà, chị phải ra ngồi ngoài hẻm trước nhà mà may, chỉ để tìm kiếm chút xíu gió trời vì phòng trọ như một lò hơi. Ngày ấy, mỗi khi tan ca, chị và chồng lại đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ, phía trước là bó rau muống héo vừa mua, phía sau là thùng cơm thừa canh cặn mà anh chị xin từ nhà ăn. Rau muống là để anh chị qua bữa, còn cơm cặn kia là để nuôi heo.
Khu nhà trọ của chị khi ấy còn hoang vắng, đất rộng người thưa, chị tận dụng đặt vài viên gạch làm chuồng nuôi heo. “Tôi may ngày may đêm, làm ngày làm đêm, hôm nào cũng đến khuya mới đi ngủ”, chị kể. Làm, làm, làm và làm. Được bao nhiêu tiền, anh chị đều dành dụm, không dám tiêu pha, ngay cả đến việc mua vé xe về thăm quê mỗi dịp tết cũng phải đắn đo rất nhiều.
Và, thành quả của mấy năm trời như thế là một miếng đất, khi ấy còn là đất ruộng, để anh chị cất căn nhà đầu tiên của mình, là căn nhà chỉ có mái, bốn vách và cánh cửa.
Thời cơ cực đó đã khiến chị lưu tâm đến cái góc bếp, để sao “cho chúng nó nấu ăn thoải mái”; đến cái toilet sao cho tiện lợi sinh hoạt; cái trần nhà cao bao nhiêu để thoáng khí… khi đặt những viên gạch đầu tiên xây dãy phòng trọ cho thuê bằng tiền vay từ ngân hàng.
Câu chuyện đời của chị trở thành nguồn động viên cho bao nhiêu người đến với khu nhà trọ của chị. Mỗi khi có ai đó định bỏ cuộc, mỗi khi có người bật khóc vì cám cảnh kiếp tha hương, chị lại đến, ngồi xuống và kể về đời mình. Chị bảo: “Cứ nhìn cô đi. Bây giờ tụi con không khổ bằng cô hồi đó đâu, nhưng cô đã làm được”.
Chị tìm cách truyền cảm hứng, truyền ngọn lửa quyết tâm đến từng người. Từng trải qua thời tha hương cơ cực nên chị hiểu, cái khó nhất với mỗi người là giai đoạn đầu tiên: xa quê, xa gia đình nên cô đơn và nhớ nhà. Đó là điều khó vượt qua nhất, chưa kể thu nhập của công nhân lại không nhiều, có người tăng ca miệt mài cả năm nhưng đến tết, chỉ sau một chuyến về thăm nhà lại trở thành kẻ trắng tay vì chi phí tàu xe, quà bánh quá đắt đỏ. “Vượt qua giai đoạn đầu tiên được thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn”, chị nói, và đó cũng là những điều chị chia sẻ khi có người nản chí.
Khi có công nhân nào tích cóp được tiền nhưng vẫn thiếu một ít để mua chiếc xe mới, một vật dụng nào đó, hay cần tiền khẩn cấp cho gia đình, chị lại chìa tay. Ai giỏi kiếm tiền thì trả lại một lần, ai kiếm ít thì trả từ từ, nhưng đa phần đều trả góp từng tháng.
Chị còn để sẵn một kệ sách nhỏ bên nhà, với những cuốn sách dạy làm người, dạy kỹ năng sống… và các tờ báo mới mỗi ngày. Bất cứ công nhân nào cũng có thể đến đọc, nếu muốn. Chị bảo, trong khả năng nho nhỏ của mình, chị hy vọng kệ sách báo ấy có thể góp phần đáp ứng được nhu cầu giải trí, hay ít nhất là cung cấp được những kiến thức cơ bản nhất về cuộc sống, về chính sách của Nhà nước… cho mỗi người ở trọ.
Rồi, mỗi khi tết đến, chị lại tổ chức nấu bánh tét; những đòn bánh tét ấy là món quà ngày tết, nhưng quan trọng hơn, chị muốn lưu giữ nét văn hóa dân tộc cho những người trẻ này. Chị cũng là cầu nối để những tâm tư, nguyện vọng của công nhân đến được với lãnh đạo quận, thành phố, góp phần giúp thành phố có chính sách phù hợp hơn.
Ngược lại, sự phấn đấu của những người có xuất phát điểm thấp kia cũng trở thành nguồn động lực cho hai đứa con của chị - một tốt nghiệp ĐH Luật và một tốt nghiệp ĐH Ngân hàng - vươn lên.
Nhà trọ, về ngữ nghĩa, chỉ là nơi ở tạm. Thế nhưng, ở khu nhà trọ của chị Hường đã có người ở cùng chị hơn 10 năm; có người lấy nhau rồi sinh con, chị như thành một người bà; có người cứ ở trọ mãi, cho đến khi mua được nhà riêng. Sự gắn bó đó là vì chị đã mang đến cho họ điều mà họ không tìm thấy được ở nơi khác: một gia đình lớn.
Năm 2014, được Hội Phụ nữ giới thiệu, chị đã vinh dự trở thành đảng viên.
Võ Hà