Ba chồng

29/07/2014 - 16:13

PNO - PN - Nhớ lần đầu gặp mặt ba chồng, tôi có thiện cảm ngay vì tính ông xởi lởi, lạc quan. Má chồng tôi bán cà phê tại nhà, kiêm luôn đại lý gạo. Ngày Chủ nhật, tôi nghỉ làm nên cũng ra phụ bán.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi có nhiệm vụ xúc gạo để lên cân, buộc miệng bao, còn việc vác ra xe thì ba giành làm. Ba nói con yếu đuối, đừng cố ráng. Có khách hàng khó tính, lựa hết gạo này gạo nọ, chê õng chê eo, cân gạo xong rồi lại đổi ý, đòi cân lại loại khác khiến tôi nổi quạu. Ba biết ý, nói để đó cho ba. Ba vui vẻ đổ gạo ra, cân lại cho khách. Khách về, ba nói với tôi: “Thời buổi bây giờ khách hàng là thượng đế”. Ba kể có lần ba chở gạo tới nhà, bà khách ngồi gác chân lên sô pha xem ti vi, tỉnh bơ bảo: “Anh vác luôn vô bếp đổ vô thùng giùm tui. Cái thùng ở trong tủ bếp cạnh bình gas. Còn ít gạo cũ, anh nhớ đổ ra, sẵn tiện anh lau qua cái thùng luôn, để vậy mà đổ gạo mới vô nó mốc…”. Ba cũng vui vẻ làm theo "chỉ thị". “Mình bán hàng là phải chiều khách tới bến. Lần sau họ mới nhớ đến mình…”. Nghe ba kể, tôi phục sát đất. Tôi nói gặp khách kiểu đó, con quẳng luôn bao gạo vô người bả rồi bái bai luôn. Ba cười, con bán vậy là đuổi khách, ba bữa thì nhà mình dẹp tiệm...

Ba bán cà phê, khách quen ba đều rành gu của họ, rành luôn gia cảnh. Khách tới không cần gọi, ba châm cà phê mang ra, không quên hỏi cháu nội anh bữa nay đi nhà trẻ hết khóc chưa? Bài thuốc mất ngủ tôi chỉ anh hôm nọ có dùng thử không? Anh đi du lịch chuyến này có gì vui không?... Khách hàng quý ba, nể ba nên thường tới ủng hộ. Hôm tôi làm bảng kế hoạch trình sếp, bị sếp bắt sửa lại, còn giũa te tua. Thấy tôi buồn bực, ba hỏi sự tình rồi động viên: “Làm sai thì phải sửa chớ con. Sếp rầy là sếp còn thương, ổng không nói gì mà lẳng lặng đuổi việc mới đáng lo”.

Ba chong

Lúc tôi mới về làm dâu, do chưa quen việc bếp núc nên hay bị má chồng rầy. Má chê tôi nấu ăn dở, quét nhà không sạch… Tôi chỉ biết khóc. Chồng tôi an ủi: “Em ráng chiều má, làm gì cũng phải cẩn thận, đừng để má la”. Thấy mẹ chồng nàng dâu lục đục, ba can má hoài nhưng tính má vẫn hay nói. Một hôm, bỗng dưng ba kể đêm qua ba mơ thấy con Út lấy chồng. Má liền hỏi ngay: “Ông thấy chồng nó thế nào, có giàu không?”. Ba nói: “Giàu lắm, chồng nó làm kỹ sư hẳn hoi, nhưng tôi mơ thấy nó khóc đòi ly hôn vì má chồng khó tính, không ở nổi”. Má ngẫm nghĩ, không biết ba nói thật hay giả, nhưng cũng từ đó má không còn xét nét tôi như trước. Ba khều tôi: “Con thấy giấc mơ của ba hiệu nghiệm ghê chưa!”. Tôi bật cười, lòng thật ấm áp.

Nhớ lần tôi sinh bé Sóc. Dù có chồng và má chồng đi theo nhưng mới đến bệnh viện một lát, đã thấy ba tới. Ba nói ngồi nhà không yên tâm, vào đây xem có giúp được gì không. Có ba bên cạnh, tôi thấy yên tâm hẳn. Lúc tôi đau bụng, ruột gan quặn lên như có ai chặt từng khúc. Tôi quằn mình, khóc gọi chồng. Lúc đó, ba vừa mang vô cho tôi ly sữa. Nghe tôi gào, ba khều nhẹ: “Con uống đi cho khỏe, con đừng để ý đến cơn đau, hãy tưởng tượng ra thiên thần nhỏ của con sắp chào đời, con của con sẽ xinh xắn, dễ thương… Con ráng nhịn, đừng nói bậy nói bạ, thiên hạ cười kìa”. Tôi nhìn quanh, lúc đó mới nhận ra những thân nhân khác ai cũng nhìn tôi, cười tủm tỉm… Chồng tôi đứng ngay bên cạnh, luýnh quýnh thấy thương. Tôi nghe lời ba, nghĩ tới đứa con sắp ra đời, cơn đau như dịu hẳn.

Điều tôi mừng nhất là mặt mũi bé Sóc giống ông nội y chang, nhất là cái miệng rất hay cười. Khi Sóc lớn lên, tôi mong Sóc giống tính ông nội. Tôi cũng mong ba luôn sống vui, sống khỏe mạnh, để cả nhà tựa vào ba, để mỗi ngày tôi trở về nhà, mọi muộn phiền đều rơi ngoài cửa khi nghe tiếng ba đang cười đùa với bé Sóc.

 LIÊN TRÍ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI