Bà chị chồng ưa 'quét hốt'

05/10/2019 - 05:00

PNO - Chị qua chơi, thấy mấy đồ trang trí xinh xắn em bày trên kệ, chị kêu đẹp quá, cho chị một cái, cứ vậy là lấy bỏ vô túi. Có mấy chậu lan bạn em mừng nhà mới, chị bưng luôn chậu đẹp nhất...

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Cuộc sống của vợ chồng em ở nhà mới cũng phải cân đối chặt chẽ thì mới có thể đủ chi tiêu.

Chồng em có một bà chị, cũng đã lập gia đình và ở riêng nhưng rất hay về nhà ba mẹ chồng em, hay về nhà mới của em, nói là về thăm chơi nhưng thực tế em thấy chị về để vơ vét thì đúng hơn.

Khi em còn ở chung với ba mẹ, mỗi lần chị về nhà, có món gì mẹ nấu mà ngon, thế nào chị cũng sớt một phần vô cà-mèn đem về nhà chị. Mẹ chồng em thương con gái nên coi đó là chuyện bình thường nhưng em thấy nhiều bữa có nồi cá kho, chị sớt về gần hết, bữa cơm nhà chẳng còn gì trên bàn, em phải làm thêm trứng chiên ăn tạm, vậy mà chị cũng không có vẻ áy náy. 

Ba chi chong ua 'quet hot'
Ảnh minh họa

Nay thì tới lượt nhà em. Chị qua chơi, thấy mấy đồ trang trí xinh xắn em bày trên kệ, chị kêu đẹp quá, cho chị một cái, cứ vậy là lấy bỏ vô túi mình. Có mấy chậu lan bạn em mừng nhà mới, chị nói ở đây nhiều quá, chị lấy bớt một chậu nha, rồi chị bưng luôn chậu đẹp nhất. 

Nấu ăn cũng vậy, chị nói phụ em làm, đồ ăn em mua cho cả tuần để trong tủ lạnh, chị nói nấu cái này nấu cái kia, em thấy chị nấu một nồi bự chảng là hiểu liền, nấu xong chị nói đem bớt về bên nhà, chị về khỏi phải nấu ăn nữa.

Từ hộp khăn giấy đến thùng sữa em mua cho con, cái gì tiện tay vừa mắt là chị “xin”, cứ như người quét nhà, cầm chổi gom vô một chỗ rồi hốt sạch. Mà nhà chị có thiếu thốn gì đâu, anh chị đều lương cao, con cái anh chị cũng không dùng tới mấy thứ chị gom về, nhiều bữa chị đem đồ ăn về để tủ lạnh, hư rồi bỏ. Em không biết đối phó sao với cái tính “quét hốt” của chị, nói ra mất lòng, mà không nói thì mất đồ…

Kiều Liên (TP.HCM)

Em Kiều Liên thân mến, 

Vụ “quét hốt” này hơi khó sửa, vì đã thành thói quen, tính cách rồi. Bây giờ mình nói ra, thế nào cũng tới chỗ quy kết, chỉ trích chị chồng tham lam, rồi gây sứt mẻ tình cảm, quan hệ trong gia đình. Không có cách thay đổi người khác thì chỉ có cách thay đổi bản thân mình thôi, phải không em?

Có phải trước nay chị “xin” gì em cũng đều bằng lòng? Việc này chưa chắc đúng. Khi em ở nhà cha mẹ chồng, chị về chơi và “quét hốt” cái này cái nọ, đó là lấy từ nhà cha mẹ, cha mẹ nào chẳng sẵn lòng cho con, nên chuyện “quét hốt” là tự nhiên và dễ dàng. Nhưng nay nhà em là nhà riêng của vợ chồng em, em không buộc phải cư xử giống như cha mẹ. 

Chị có thể hỏi xin nhưng cái gì em đồng ý cho thì chị mới được lấy, cái gì em không cho thì thôi. Em cứ thử mạnh dạn nói thẳng với chị: “cái này em không cho được, vì nó là vật kỷ niệm” hay “chị lấy chậu lan kia đi, chậu này là chậu bạn thân của em tặng, em thích giữ lại”... 

Mình cứ nói rõ ràng, rành mạch thử xem sao. Thư em cho thấy, thói quen tiện tay của chị chồng em cũng liên quan đến những thứ vặt vãnh thôi, không phải cái gì lớn lao quá mức, chỉ là những thứ vặt vãnh đó khiến mình khó chịu. Vậy nên, em thử phân loại, cái gì có thể cho phép chị “quét hốt” thì mình cho, chấp nhận tính cách người thân vậy; còn cái gì không thể cho, thì mình hoặc không bày ra khi chị đến nhà hoặc nói rõ đây là đồ mình không cho được. 

Chị em có thể khó chịu vì chuyện này nhưng phải chấp nhận. Em cũng nên làm việc này một cách nhẹ nhàng, từ chối một cách vui vẻ, không cằn nhằn, không nói đi nói lại sang tai qua chồng hay mẹ chồng, mất công hóa thành chuyện nặng nề mà không giải quyết được gì. Sau một thời gian, chắc chị sẽ hiểu và điều chỉnh cách cư xử. Chúc em thành công. 

Hạnh Dung

Ba chi chong ua 'quet hot'
Ảnh minh hoạ

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Trương Thanh Thảo (Q.Tân Phú, TP.HCM): Mưa dầm thấm lâu

Nghe cũng chán, bạn nhỉ. Những chuyện nho nhỏ chẳng đáng đôi khi lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mình lắm bạn ạ. Nhưng nhỏ như thế này, nói ra chẳng may ảnh hưởng đến mối quan hệ với mẹ chồng thì cũng khổ. Mà nói với chồng cũng không xong, vì đàn ông chắc chẳng để ý gì đến việc nhỏ này đâu.

Nhưng tôi nghĩ bạn nên mạnh dạn “chặn” ngay từ đầu. Ví dụ như món kỷ niệm gì đó, nói là quà lưu niệm, không thể tặng được. Hay món này chồng bạn thích lắm, chị đừng mang đi kẻo ảnh buồn. Cứ kiên trì như thế, dần dần chị ấy sẽ thôi. Dù hơi mệt vì mình phải trông chừng suốt nhưng đành phải thế. Xin hoặc tự ý lấy gì cũng do thói quen của người đó, mình chặn mãi cũng thành thói quen. Và có thể lâu dần, chị ấy sẽ ngại mỗi khi có ý định “hành động”.

Em gái tôi lúc mới lấy chồng, mỗi lần về nhà mẹ lại gói ghém này kia mang về cho chồng. Mẹ tôi lúc ấy không đồng ý dù rất thương con. Mẹ nói nếu em cứ làm như vậy thì chồng sẽ không quý mình vì nghĩ rằng mình ỷ lại. Muốn gì phải tự tay mình làm. Từ đó, em ấy thay đổi hẳn.

Lương Hồng Diệp (H.Bình Chánh, TP.HCM): Sự thật mất lòng nhưng không thể né

Tôi phục tính chịu đựng của bạn. Tôi thì không thể im lặng như vậy. Tôi cực kỳ không thích những người như thế. 

Tôi đã từng được nghe rất nhiều lần chuyện các cô gái khi về nhà mẹ mình, thấy gì cũng gom hết mà chẳng mang được gì về cho mẹ. Nên tự dưng khi nghe chuyện này, tôi rất bực mình.

Nếu là tôi, có lẽ tôi sẽ nói thẳng với chị chồng ngay dù sự thật thường mất lòng. Một cái hoa hay món đồ trang trí nho nhỏ thì còn chịu đựng được, chứ đụng đến sữa của con tôi hay đồ ăn thì quá kỳ cục rồi. Bạn cứ nhẹ nhàng nói với chị, chẳng hạn như: “Em không thích như vậy nữa, chị đừng làm thế kẻo chị em mình lại sinh chuyện phật ý nhau. Em nói trước như thế mong chị lưu ý giùm”. Có lẽ chị ấy sẽ giận mình nhưng mất lòng trước được lòng sau bạn ạ, rồi chị sẽ nhận ra việc mình làm thật buồn cười.

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại Tòa soạn Báo Phụ nữ: Từ 8g đến 17g các ngày từ thứ Hai, tới thứ Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI