Bà chị chồng “đinh búa”

06/01/2022 - 15:03

PNO - “Con liệu đường mà sống, chứ trông tướng bà chị chồng không vừa đâu!”. Mẹ tôi nói vậy, bởi gặp chị chồng tôi lần đầu vào ngày dạm ngõ, mẹ đã không thiện cảm.

Tôi hiểu điều mẹ băn khoăn. Tôi là con duy nhất trong nhà, chẳng phải va chạm, tranh giành với ai. Về nhà chồng, trong lòng tôi canh cánh nỗi sợ mang tên… chị chồng.

Chồng tôi kể, cuộc đời chị nếm trải nhiều cay đắng: quần quật làm việc nuôi chồng ăn học, vừa mới lên được vị trí lãnh đạo thì anh ngã bệnh. Chị đã chạy chữa khắp nơi vẫn không giữ được mạng sống cho anh. Chồng mất chưa đầy trăm ngày, gia đình chồng bán căn nhà.

Cực chẳng đã chị mới phải mang con về nhà ngoại. Có lẽ những va đập thương tổn của cuộc sống khiến chị bất cần, dữ dằn.
Những ngày mới về làm dâu, tôi e dè, khép nép trước chị. Chị bảo gì tôi cũng ngoan ngoãn làm theo dù có những điều không hài lòng. Cứ nghĩ vậy là sẽ yên thân nào ngờ có lần chị quát lên: “Cái gì không vừa ý thì phải nói ra, chứ cứ dạ vâng như cái máy mà được à!”. 

Tôi bực phát khóc. Rồi chị thuê nhà đưa con gái ra ngoài sống. Mẹ chồng tôi nghi ngờ giữa chị và tôi có hiềm khích nên chị mới buộc phải làm vậy. Bà có ý trách tôi không mở lòng bao dung với chị. Trong người có bệnh, thêm nỗi buồn bực nên mẹ chồng tôi trở tính. Mỗi lần chị về, bà lại kể xấu tôi với chị. Tôi biết nhưng cố gắng nhẫn nhịn. Có đợt bà ốm dài ngày, chồng đi công tác xa, tôi xin nghỉ phép ở nhà chăm bà. Đêm con nhỏ quấy khóc, ngủ chập chờn được vài tiếng, sáng phải dậy sớm sắc thuốc, nấu bữa sáng cho bà. Chuyện ăn sáng món gì, bà đổi ý liên tục. Vừa mệt, vừa bực nên tôi giục bà ăn để tôi rửa dọn, vậy mà bà gào lên, rồi gọi điện thoại yêu cầu chị về. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Gần trưa chị sang. Tôi chào, chị không đáp mà đi thẳng lên phòng bà. Lát sau, lúc mang thuốc lên, tôi khựng lại vì giọng chị vọng ra: “Mẹ một vừa hai phải thôi, con là con gái mà còn chả chịu được mẹ, huống hồ con dâu. Mà con nói thật, không tìm đâu ra được đứa ngoan hiền như nó. Đấy mẹ xem, mẹ ốm hơn tuần nay, con chăm được bữa nào, con trai mẹ chăm được bữa nào, hay một tay con dâu chăm tất… Hồi anh Phong còn sống, anh ấy phụ con rửa chén, giặt quần áo thì mẹ khen, nay con trai mẹ giúp vợ vài việc lặt vặt thì mẹ khó chịu. Nhà chồng con đối xử tệ với con mẹ bức xúc lên tận nhà đôi co với họ, vậy sao giờ con dâu mẹ đó, mẹ không thương? Con gái người ta cũng như con mẹ đi lấy chồng, ai chẳng muốn cố gắng để được gia đình chồng thương yêu…”.

Những lời từ gan ruột của chị khiến mẹ chồng tôi nghĩ lại. Tôi bắt đầu nhận ra con người nội tâm của chị đằng sau vẻ bề ngoài nóng nảy, gai góc. Có đợt, chồng tôi hay tụ tập, đàn đúm, bỏ bê gia đình, tôi buồn chán. Chị sang chơi, biết chuyện, chị lại mắng tôi: “Khóc thì giải quyết được gì, xem có bộ đồ nào đẹp thì diện vào mà đi lượn phố, rủ bạn bè cà phê buôn chuyện cho xả láng cuộc đời!”. Cũng tối đó, chị gọi điện “xạc” cho chồng tôi một trận ra trò. 

Vài tháng trước, do bất cẩn tôi trở thành F0 phải đi cách ly tập trung. Chồng tôi theo yêu cầu của công ty phải ở lại nhà máy. Mình chị xoay xở lo liệu cho cả nhà. Tôi may mắn hết bệnh, hết thời gian được cách ly, tôi mừng rỡ trở về nhà. Mẹ tôi kể cho tôi nghe tôi đi được ba hôm thì mẹ tôi bị bệnh. Chị vừa chăm cháu, vừa đưa bà vào viện. Vậy mà hằng ngày, tôi nhắn tin hỏi han chị giấu biệt. Chị còn dặn mẹ tôi không được để tôi biết kẻo tôi lo. Leo lên sân thượng, thấy mấy chậu hoa, cây cảnh vẫn tốt tươi, tôi gọi điện cho chị: “Những ngày qua, chị vất vả thế mà còn nhớ cả chăm cây, tưới hoa cho em nữa”.

Vẫn với cái giọng “búa đinh” chị bảo: “Tôi đâu rỗi hơi, tôi nhờ hàng xóm phun vòi rồng sang đấy. Mà mới về sao không nghỉ ngơi cho lại sức, hoa với hoét làm gì cho mệt xác!”.

Vẫn là cách mắng quen thuộc của chị đấy khiến tôi ấm lòng. 

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI