|
Những người đàn bà mưu sinh ở Sài Gòn cùng những câu chuyện rất bình thường nhưng đáng để ta phải suy ngẫm |
1. Chuyện người đàn bà bán rong
Tôi gặp bà trên đường Thành Thái, quận 10 - con đường với một bên là các quầy bán cây cảnh, bên kia là những quán nhậu náo nhiệt. Bà tên Đ., quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Nhà bà Đ. ở quê có năm sào ruộng. Chồng bà và con trai đang ở quê, chưa lần nào vô Sài Gòn, dù là vô chơi cho biết.
Chồng bà nói có thể sau này con trai sẽ vô đây học, còn ông thì chỉ biết đất đai, mồ mả ông bà ở quê là đủ đời rồi. Bà Đ. vô Sài Gòn năm 30 tuổi, đến nay đã gần 20 năm và chỉ đi bán rong mỗi món bánh tráng, đậu phộng, xoài xanh…
Trước sự xuống cấp nhiều mặt của một bộ phận gia đình người Việt, số đông lương dân Việt hiện nay chỉ còn biết im lặng bảo vệ đức hạnh gia đình và cộng đồng thân thuộc của mình. Có những gia đình người tha hương kiếm sống đã tan vỡ, nhưng nền tảng gia đình, phẩm hạnh chung thủy của đa số người dân quê nghèo tha hương vẫn là văn hóa gốc cội, được gìn giữ và đặt để niềm tin trước sự tha hóa ghê gớm của xã hội kim tiền.
|
Cuộc sống của bà suốt ngần ấy năm ở Sài Gòn như sau: thức dậy lúc 11 giờ, nấu và ăn đầy bụng cơm. 13g đi lấy hàng và ra đường. Đến 2g sáng hôm sau về nhà trọ, ăn một gói mì, đi ngủ.
Hỏi về các bạn của bà, bà nói, mấy chục người cùng quê, cùng phòng là bạn. Hỏi chuyện giải trí bà bảo bấm điện thoại di động gọi về quê là giải trí. Hỏi bà đi xa miết như vậy thì đời sống vợ chồng sao hạnh phúc được, bà cười bẽn lẽn như gái đôi mươi: "Tết tôi về mừ".
Gần 20 năm của đời người, mỗi năm, chỉ có chừng non tháng bà và chồng được sống đời vợ chồng với nhau. Phải chăng tha hương kiếm sống là một dạng án lưu đày cho đời sống hôn nhân của những gia đình này, những người đàn bà này?
Chúng tôi đề nghị được đứng bên bà Đ. để chụp tấm hình kỷ niệm. Vẻ mặt bà thoáng hốt hoảng, nói: "Mắc chi chụp ảnh, hắn biết, hắn ghen tội nghiệp". Chúng tôi cắc cớ nói, ổng ở quê, quê lại ở trong núi, sao mà biết được. Bà Đ. lắc đầu và vội vã cặp thúng bánh tráng bước đi.
2. Bên xe gỏi khô bò
Bất chấp thời tiết thất thường ở Sài Gòn năm nay, các quán nhậu vẫn luôn đông nghẹt khách. Các quán nhậu vỉa hè cũng là cái chợ khổng lồ cho đội quân người nhập cư kiếm sống.
Ở một quán trên đường Hoàng Sa, người đàn bà đang đèo ông chồng già trên yên sau chiếc xe ba gác đạp, bán gỏi khô bò, kể câu chuyện của bà - câu chuyện đáng cho nhiều người suy ngẫm về tình nghĩa vợ chồng và lòng chung thủy trong thời đại kinh tế thị trường hoang dã.
Bà không muốn nói tên, chỉ bảo: "Tôi quê Thanh Hóa, ông ấy người Hà Nội. Ngày nào tôi cũng đèo ông ấy theo, chăm như chăm con mọn, vì để ở nhà trọ thì chẳng ai trông, té không có tiền đi viện, lạc không biết đâu tìm. Mà tôi nói với ông ấy, ông mà chết trước là phước ba đời nhà ông, như tôi chết sau mới khốn khổ, cái thân tôi lấy chồng hơn tuổi, không con, thành ra coi chồng như con, được cái an ủi thế đấy".
Người đàn bà bán khô bò kể chuyện của mình để chia sẻ, không phải để gợi lòng thương hại, để ăn xin như thường thấy nhan nhản trên đường phố; bởi câu chuyện của đời bà, nói theo cách của bà, "kể một loáng là xong". Chuyện những cuộc đời đang sống bên lề, tưởng như "kể một loáng là xong", lại luôn là cái đẹp nhân bản chân chính nhất của xứ Sài Gòn.
3. Bà bán cá ngày rằm
Gặp người đàn bà bán cá ở một chợ nhỏ quận Tân Bình hôm rằm tháng Giêng - ngày mà ở các xóm lao động, nhiều gia đình ăn chay, ít ai mua cá. Nhưng cái mâm cá của bà, may mắn, đã bán gần hết. Gương mặt bà vừa vui vừa ngượng, cánh tay dính đầy vảy cá của bà đưa lên quẹt đôi mắt. Trong một thoáng, mùi cá tanh bốc lên. Cô gái đang mua rau bên cạnh quay sang, vô tư nói: "Bà đừng bán cá nữa bà ơi, ác lắm".
Bà bán cá không nói gì, tiện tay kéo cái khăn rằn che đầu xuống, vẫy vẫy. Những ngọn gió tanh khác lại bốc lên, mùi gió tanh như muốn xua đuổi định kiến của con người. Có vẻ những ngọn gió muốn bảo vệ sự bình yên của bà trước những quấy rầy, những ngọn gió bốc lên từ nhớt cá sống và thịt cá chết.
Trong cảnh tảo tần kiếm sống của bà, triết lý về thiện - ác, dơ - sạch... có khi là thứ xa xỉ, phù phiếm. Với các bà mẹ, người chị như những người đàn bà bán cá này, mọi thứ giáo điều không nghĩa lý gì cả. Kể cả nếu họ có chút bất an, ám ảnh tội lỗi, thì trách nhiệm mưu cầu no ấm và tình yêu dành cho gia đình vẫn sẽ đưa họ vượt qua mọi mặc cảm, nặng lòng. Các bà mẹ, bà chị ấy luôn là chủ thể bất biến của sự sống bao la.
Trần Tiến Dũng