Nghe Thu nhắn, Khương lại một lần nữa đưa Thu vào bệnh viện. Đây là lần thứ ba rồi. Chiều, khi tôi đến thăm, Thu khóc. Thu mệt mỏi lắm, mặt tái xanh, trán lấm tấm mồ hôi, nằm một mình trong căn phòng trọ bí bức. Khương vẫn ở nhà Khương, đâu đó bên khu dân cư cao cấp. Bố mẹ Khương kiên quyết không đồng ý cưới cô con dâu tỉnh lẻ, mới học xong trung cấp, chưa nghề ngỗng gì. Khương cố cãi gia đình, cố gắng tìm việc cho Thu, cố gắng chu cấp một phần cuộc sống. Thu đền đáp lại tấm lòng của Khương bằng một tình yêu trọn vẹn dâng hiến. Nhưng, sự phấn đấu của họ chừng như tuyệt vọng.
Thu bảo, cô không thể bỏ đứa trẻ này. Bác sĩ cảnh báo, Thu, nếu tiếp tục nạo thai, có thể sẽ không bao giờ có con nữa. Thu chấp nhận sinh con và nuôi con, Khương không đồng ý - Em đã không lo nổi cho bản thân, làm sao nuôi con? Thu bảo, cô chấp nhận đi rửa chén, phụ bàn, miễn là cô có con, miễn là Khương yêu cô, ít nhất cho đến khi cha mẹ bắt Khương phải cưới một người khác. Cuộc đời vốn không hẹp lượng với người có tâm, huống hồ cô đang bảo vệ đứa trẻ sinh ra từ tình yêu, đang bảo vệ một mầm sống có quyền được chào đời và sống tốt…
Chuyện thứ hai
Chị là người không có gì nổi bật cả vẻ ngoài lẫn tính cách. Thời đi học làng nhàng, lúc đi làm bình lặng. Chị ế chồng một cách bình thường. Cũng chẳng ai chú ý đến chuyện chị ế.
Việc chị có bầu chỉ khuấy động cả phòng trong khoảng một tuần, không hơn. Sau đó, mọi thứ trở lại đều đặn, ngay ngắn. Nghe đâu cha đứa trẻ là một người quen trên mạng. Chị chỉ muốn kiếm một đứa con. Chị đã 34 tuổi rồi và sợ mình phải sống với những hàng số liệu vô hồn cho đến hết đời. Đứa bé sẽ cứu rỗi cuộc đời chị. Từ lúc có con, chị tươi tắn, rạng rỡ hẳn lên. Niềm vui long lanh trong từng ánh mắt, cả cái dáng đi nặng nề lạch bạch cũng trở nên duyên sao đó. Vẻ mờ nhạt, lờ đờ ngày xưa biến mất, chị rụt rè nhưng háo hức hỏi chuyện mọi người về kinh nghiệm bầu bì, sinh nở, nuôi con…
Chuyện thứ ba
Cưới nhau được một năm thì Hạnh biết mình lầm người. Bao nhiêu tiền mừng cưới, chồng cô đem nướng cả vào cá độ. Cái thói quen hý hoáy rất lâu trên chiếc điện thoại iPhone, mà trước ngày cưới vẫn làm cô hờn dỗi, nay hiện nguyên hình là thói quen cờ bạc. Từ mạng đến thực tế, không có món gì Du không biết, không từng chơi. Cái xe của Du mấy lần Hạnh phải chuộc từ tiệm cầm đồ về, đến lúc cả xe của cô cũng nằm ngoài tiệm thì Hạnh tàn hy vọng. Cô chấp nhận gia đình tan vỡ, dù đang có thai đến tháng thứ bảy.
Gái một con, xuân thì ngời ngời mà trong đáy mắt cứ u uẩn buồn. Bao nhiêu người theo đuổi nhưng Hạnh bảo cô có thể tự mình đi làm và nuôi con, cô đang hạnh phúc với con gái của mình và chưa cần thêm ai khác. Mẹ cô bảo: con gái có thì… Cô không nói lại, nhưng ngậm ngùi ai oán: cũng bởi cái “thì” ấy nên đã một lần vội vàng. Đơn thân thì đã sao? Ngày trước, bao nhiêu người đàn ông ra trận, bao nhiêu đàn bà cũng sống một mình đấy thôi…
Chuyện thứ… n
Không biết còn bao nhiêu câu chuyện nữa trong thế giới những ông bố, bà mẹ đơn thân. Mấy chữ “trào lưu, xu hướng” dễ làm người ta nghĩ họ đua đòi, ích kỷ. Nhưng sự thật hoàn toàn khác. Chấp nhận làm mẹ đơn thân là những người phụ nữ bình thường, bình thường như bất kỳ người phụ nữ nào ta có thể gặp trong cuộc sống, chỉ khác ở chỗ họ bản lĩnh chấp nhận những vất vả khó khăn khi làm mẹ, bỏ qua những điều tiếng dị nghị của người đời.
Những khó khăn sẽ xuất hiện cùng với từng ngày đứa trẻ lớn lên, góp phần thúc đẩy người mẹ tìm giải pháp, mà một trong những giải pháp ấy có thể là lập gia đình, tìm cho con một người cha. Mọi thứ đều có khả năng thay đổi, không phải thay đổi do những áp đặt của xã hội, mà trên cơ sở nhu cầu tự thân của chính người mẹ.
Vậy nên, việc thừa nhận gia đình đơn thân chính là việc tạo điều kiện cho con người được tìm kiếm hạnh phúc trong một thời kỳ muộn hơn của cuộc đời. Khi bình thường hóa những gia đình đơn thân, không có nghĩa là xã hội tạo ra một kiểu gia đình chông chênh thiếu hụt, hay một thế hệ con trẻ bất ổn về tâm lý như nhiều người lo ngại. Thực chất, đây là sự chấp nhận và cho phép người ta sửa chữa những sai lầm trong hôn nhân, hoặc công nhận tính độc lập, xóa bớt những rào cản định kiến đối với phụ nữ và không giới hạn khả năng tìm kiếm hạnh phúc của mọi người…
Thu Thủy
Mời bạn đọc chia sẻ tâm sự, câu chuyện của mình qua địa chỉ thegioidonthan@baophunu.org.vn