Ba cách rèn kỹ năng học tập ở trẻ

15/09/2016 - 16:15

PNO - Thành tích tốt ở trường không phải chỉ do sự cần cù, chăm chỉ mà điểm mấu chốt nằm ở kỹ năng học tập của học sinh, sinh viên. Một khi có đủ những kỹ năng cần thiết, các em sẽ biết cách học chủ động, độc lập.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục và xã hội học, thành tích tốt ở trường không phải chỉ do sự cần cù, chăm chỉ mà điểm mấu chốt nằm ở kỹ năng học tập của học sinh, sinh viên. Một khi có đủ những kỹ năng cần thiết, các em sẽ biết cách học chủ động, độc lập. Vai trò của phụ huynh là rất quan trọng trong việc giúp trẻ định hướng những kỹ năng cần thiết này.

Tìm ra động lực học tập

Trẻ cần hiểu tự mình mới có thể quyết định thành tích học tập của mình, chứ không đơn thuần đó là may mắn khi làm bài kiểm tra, được học với một giáo viên giỏi hay được bố mẹ giúp. Thành công đó phải xuất phát từ một quá trình học hành hiệu quả. Hãy luôn động viên con rằng: “Con có thể làm được nếu con cố gắng” và đừng quên sự động viên của bạn là chìa khóa quan trọng giúp con phát huy sự độc lập.

Trẻ phải hiểu tất cả những kiến thức các em tiếp cận đều liên hệ chặt chẽ đến cuộc sống, mà nếu hiểu biết tường tận, các em sẽ có thể giải quyết những vấn đề thực tế của mình rất dễ dàng. Trẻ cũng cần được thấy những ví dụ sinh động từ bố mẹ, như cách bạn vận dụng kiến thức khoa học để giải đáp một thắc mắc nào đó của con. Giúp con tìm ra mục tiêu học tập. Mục tiêu học tập ngắn hạn có thể giúp trẻ có những điểm số mong muốn nhưng nó không quan trọng bằng một mục tiêu dài hạn, mở ra con đường thông suốt đến cánh cửa đại học, nghề nghiệp của trẻ sau này.

Hãy chỉ cho con thấy mục đích lớn nhất không phải là ở điểm số mà là ở kiến thức con tích lũy, áp dụng được vào thực tế. Khơi gợi sự thích thú trong con. Hãy lưu ý đến những đề tài, lĩnh vực trẻ yêu thích, sau đó bạn liên tưởng đến kiến thức tương ứng, để cho con thấy việc liên kết từ sách vở đến cuộc sống như thế nào.

Giúp con giảm thiểu lo âu. Không phải lúc nào con cũng hứng thú với bài tập về nhà. Bạn đừng quá lo lắng mà hãy giúp con xem việc đó nhẹ nhàng, xen kẽ vào giữa bằng một trò chơi, hoạt động thể chất, để con quên đi căng thẳng. Hãy chia nhỏ bài tập của trẻ để con không cảm thấy quá tải.

Lên kế hoạch học tập

Cùng con lên kế hoạch học tập. Bạn nên gợi ý cho con lên kế hoạch tự cam kết với mình những thông tin: dành thời gian làm bài tập về nhà khi nào, bao lâu. Hãy tạo cho con thói quen tự hỏi bản thân rằng: mình đã dành thời gian học đủ chưa? Làm sao để giữ mục tiêu học tập? Kế hoạch như vậy đã ổn chưa, có cần thay đổi gì không? Tạo không gian tập trung tối đa cho việc học.

Ở thời điểm trẻ chọn làm bài tập, các thành viên khác trong gia đình nên tránh gây tiếng ồn, không để trẻ bị xao lãng, quấy rối. Phụ huynh nên theo dõi bài tập về nhà của con và trao đổi với giáo viên khi thấy lượng bài tập chưa hợp lý, giúp trẻ có một thời khóa biểu học tập, vui chơi cân bằng. Khuyến khích con tự chọn thời điểm, địa điểm giúp con học tập trung nhất.

Ba cach ren ky nang hoc tap o tre
Phụ huynh cần trang bị cho trẻ những kỹ năng học tập quan trọng - Ảnh: Linkedin

Một chiến lược học tập hiệu quả

Có kỹ năng tốt, con bạn sẽ trải nghiệm được rất nhiều điều thú vị. Trước tiên là kỹ năng nghe. Trẻ cần được rèn kỹ năng nghe và nắm bắt những ý chính, quan trọng. Kỹ năng nghe tốt giúp trẻ lọc được những nội dung quan trọng và ghi chú nhanh chóng ý chính để tiếp tục đào sâu hơn. Nếu không nghe và nắm bắt tốt, trẻ dễ cảm thấy quá tải với kiến thức mà mình cần thu nhận. Luyện kỹ năng đọc cho trẻ.

Kỹ năng đọc hiểu rất quan trọng vì qua đó trẻ có thể nghiên cứu độc lập sau này, hướng đến khả năng tự học, tự tìm tòi. Khi trẻ còn nhỏ, bạn có thể rèn cho con kỹ năng này bằng cách đọc một đoạn ngắn và hỏi con ý chính là gì. Dần dần, trẻ sẽ tự có được phản xạ tóm ý chính ngay sau phần đọc.

Khi trẻ lớn hơn, bạn hãy khuyến khích con ghi chú những đoạn khó hiểu khi đọc, hoặc có thể sử dụng sơ đồ hệ thống lại kiến thức đã đọc. Đây là kỹ năng rất cần thiết cho việc học ở bậc cao hơn cũng như trong công việc. Khi thực hành tốt kỹ năng này, trẻ sẽ không sợ những bài báo cáo nữa vì đã biết cách tìm ra ý trọng tâm. Tạo thói quen chạy đà trước bài kiểm tra lớn.

Hãy ngăn suy nghĩ đợi "nước đến chân mới nhảy” mà nên khuyến khích con bạn có sự chuẩn bị tốt ngay từ đầu, giảm áp lực cho chặng cuối. Thói quen này sẽ giúp trẻ không còn sợ những bài kiểm tra, những kỳ thi và chủ động hơn trong việc thiết kế thời gian hoàn thành công việc sau này.

Thiên Anh 

(Theo University of Massachusetts, Child Development Info)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI