Sáng nay 11/7, Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục diễn ra với phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch TPHCM.
Đặt câu hỏi cho lĩnh vực văn hóa - thể thao, đại biểu Tăng Hữu Phong nhắc lại vấn nạn karaoke “loa kéo” đang gây nhiều bức xúc và yêu cầu được nghe các giải pháp khắc phục triệt để.
|
Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM - trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX sáng 11/7 - Ảnh: Quốc Ngọc |
Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM - xác nhận, với trách nhiệm quản lý ngành về vấn đề tiếng ồn từ karaoke, trong nhiều năm qua, sở cũng đã nhận được nhiều phản ánh từ người dân. Tất cả đều được sở tiếp nhận và cho kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên, liên quan trách nhiệm xử lý, đoàn kiểm tra của Sở Văn hoá - Thể thao phải phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường.
“Sở không có chức năng đo tiếng ồn, mà phải ký hợp đồng với các đơn vị này để có thể xử lý các trường hợp vi phạm”, ông Nhân cho hay.
Thế nhưng, theo Nghị định 167, Công an TPHCM mới được xử lý vi phạm hành chính trong an ninh trật tự về tiếng ồn. Việc xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe.
“Còn muốn xử lý về môi trường thì theo Nghị định 155, trách nhiệm xử lý tiếng ồn như thế thuộc ngành tài nguyên - môi trường”, ông Nhân nói.
Sở Văn hóa - Thể thao đã có hai văn bản tham mưu cho UBND TPHCM về trách nhiệm của văn hóa - thể thao, công an, tài nguyên - môi trường và UBND các quận huyện đối với tiếng ồn karaoke “loa kéo” tại các khu dân cư. Đồng thời, sở đề nghị mặt trận tổ quốc cùng các đoàn thể cần phối hợp trong công tác tuyên truyền.
Đối với vấn đề karaoke “loa kéo”, quan trọng nhất theo ông Nhân, trách nhiệm lớn thuộc chủ tịch và trưởng công an các quận huyện, địa phương. “Chúng ta cần tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra những mâu thuẫn và hậu quả đáng tiếc từ vấn nạn này”, ông nói.
Nghe chất vấn của đại biểu và phần trả lời của Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao liên quan đến tiếng ồn từ karaoke “loa kéo” xong, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thốt lên: Cuối cùng ai sẽ là người giải quyết?
Bà mời đại diện UBND huyện Bình Chánh là địa phương vừa xảy ra vụ án mạng đáng tiếc trong việc hát karaoke “loa kéo” tại khu dân cư cho ý kiến.
Huyện cho biết, dù lập đoàn liên ngành 814, nhưng về môi trường phải giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường đo độ ồn. Huyện cũng cho rằng, hoạt động karaoke phải có sự giám sát liên tục và trong triển khai phải có chỉ số đạt ngưỡng cho phép mới được hoạt động.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường - làm rõ thêm về Nghị định 167 do Chính phủ ban hành đối với karaoke “loa kéo”, qua đó, cho phép UBND các cấp và đoàn liên ngành kiểm tra tiếng ồn từ 22g đêm đến 6g sáng.
Ông Thắng xin tiếp thu nội dung về tiếng ồn lớn, sâu về tính chuyên ngành để tham mưu UBND thành phố hướng xử lý theo Nghị định 167 và nguồn gây ra tiếng ồn lớn theo Nghị định 155.
Qua ý kiến và phần trả lời, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TPHCM - thấy cần làm rõ lại một lần nữa về nội dung trên trong thông báo của MTTQ tại phiên khai mạc kỳ họp.
Theo bà Châu, qua tổng hợp các ý kiến của cử tri và nhân dân thành phố, tại kỳ họp thứ 6 và thứ 9 HĐND thành phố, UB MTTQ thành phố đã có kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, UBND quận huyện cần có các biện pháp chấn chỉnh các hoạt động karaoke, ca nhạc đường phố tại các buổi liên hoan, tiệc tùng ở các khu dân cư với dàn âm thanh công suất lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên, UBND các phường, xã, thị trấn và cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong việc xử lý những trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn, nên nhiều hộ dân vẫn liên tục bị “tra tấn" vì loa karaoke kéo, xảy ra bất hòa, thậm chí xảy ra án mạng (tháng 4/2020, ở khu nhà trọ trên địa bàn huyện Bình Chánh đã xảy ra một vụ án mạng do nhắc nhở việc mở loa kéo hát karaoke với âm lượng lớn).
Hiện nay, loại hình karaoke di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành vấn nạn, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân.
Ngoài việc thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý triệt để nạn hát karaoke gây ồn trong khu dân cư theo các nghị định của Chính phủ, theo bà Châu, cần đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp, để từ đó tuyên truyền, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, đại biểu Lê Minh Đức nêu quan điểm: “Theo quan sát của tôi, có thể thấy, việc hát hò với loa kéo đã gây ô nhiễm tiếng ồn nói chung và vấn nạn từ câu chuyện hát karaoke với loa công suất lớn ngày càng nhiều. Hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe thính lực, tâm thần, cuộc sống sinh hoạt, học tập, làm việc của người dân do những hành vi này gây ra là hết sức rõ ràng”.
Theo ông Đức, những quy định pháp luật để chế tài hết sức cụ thể và rõ ràng cho việc kiểm soát và xử lý tiếng ồn ở khu dân cư. Thế nhưng, ở nhiều nơi, tình trạng hát karaoke cả ngày lẫn đêm với âm thanh cực khủng như tra tấn người nghe vẫn diễn ra thường xuyên.
“Tôi nghĩ, việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke trong khu dân cư là không khó. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của chính quyền địa phương, các ngành các cấp có liên quan. Vấn đề chính là do chính quyền địa phương chưa thực sự quyết tâm giải quyết tình trạng này để răn đe và kiểm soát”, ông Đức nói.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao phải rà soát lại các quy định pháp luật, bổ sung vào tiêu chí ứng xử cộng đồng, vận động người dân và hướng dẫn các quy định pháp luật cho dân, song song, có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả hơn,
“Dù có liên ngành, có kiểm tra, nhưng khi tiếp cận vụ việc, các bên lại chưa rõ trách nhiệm, tôi mời sở ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể cho từng quận, huyện, không những trong chuyện karaoke, mà nhiều vấn đề khác nữa”, bà Lệ nói.
Quốc Ngọc