Bà bí thư khu phố “biến” bãi rác thành con đường xanh

11/09/2024 - 06:34

PNO - “Người ta trồng cây lên đẹp như vầy nên mình phải góp công để chăm sóc nó. Mấy năm trước, đoạn đường này đâu ai dám đậu xe, vì hôi dữ lắm. Bây giờ thì sạch sẽ, nhìn mát con mắt” - ông Trần Phúc hài lòng sau khi tưới xong hàng cây. Rồi ông xách ghế ra trước nhà ngồi ngắm màu xanh mát của hàng si 3 năm tuổi.

Xóa bãi rác, tạo mỹ quan

Chuyện trên được ghi lại tại khu phố 2, phường 14, quận 5, TPHCM. Hàng cây si như bức tường rào tự nhiên che khuất bức tường rào bằng tôn ở phía trong.

Bà Đỗ Như bán hàng ngay góc chợ Phùng Hưng góp thêm chuyện về hàng cây si, rằng bà ở đây đã 40 năm và biết rõ. Hồi xưa, con đường lúc nào cũng bẩn thỉu. Đằng sau bức tường tôn dựng đứng là căn chung cư cũ đã giải tỏa và để trống mấy chục năm. Cây cối mọc um tùm, lâu dần, người dân xem đó là bãi rác, là nơi tập kết xà bần, là nơi có thể ghé lại phóng uế…

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga (bìa phải) phấn khởi khi công trình mang lại sự hài lòng cho người dân xung quanh
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga (bìa phải) phấn khởi khi công trình mang lại sự hài lòng cho người dân xung quanh

Lắc đầu, bà nói: “Dơ lắm, mấy chục năm không ai dòm ngó. Vậy mà từ lúc cô Nga quyết tâm làm, đường phố sạch sẽ, thoáng mát liền. Dân ở đây ai cũng mừng, coi như đó là của chung, là trách nhiệm phải gìn giữ”.

Thấy người dân hài lòng với môi trường sống, bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 2, phường 14, quận 5 - cười hạnh phúc. Đi dọc hàng cây xanh đã cao quá đầu người, bà kể, trước đó, phía sau hàng cây là bãi xà bần, nhà nào có đồ bỏ đi mà không mang đi được là họ mang ra đó bỏ. Thậm chí mèo chết người ta cũng mang ra đó vứt.

Mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên khiến dân chúng phản ứng. Bà đến xem và thấy mình phải có trách nhiệm. Bà hứa với bà con sinh sống dọc đường Phùng Hưng, rằng sẽ cùng họ cải tạo môi trường. Không có kinh phí, bà tự đi vận động mạnh thường quân và các hộ kinh doanh. Có tiền hỗ trợ, bà gọi 5 chiếc xe ba gác máy đến dọn xà bần.

Phải mất 50 chuyến xe mới xử lý xong bãi rác. Lúc ấy, bà con khu phố 2 mới cùng ra đường quét dọn, thu gom rác. Tạm ổn, bà Nga mua tôn rào lại để ngăn chặn nạn vứt rác.

Mùi hôi đã hết, nhưng để tạo mỹ quan đường phố, bà Nga quyết định trồng hàng cây dọc tường rào. Bà chọn cây si vì đây là loại cây chịu nắng, lại cho bóng mát. Thấy bà bí thư chi bộ khu phố dù tuổi cao vẫn năng nổ cải tạo đoạn đường không phải nơi nhà mình ở, bà con sống dọc đường Phùng Hưng đã tự giác phân công nhau tưới nước mỗi ngày. Bà Nga và các đoàn hội có nhiệm vụ vô phân, vô đất định kỳ để giữ cho cây phát triển.

“Tạo ra một công trình không khó bằng việc làm sao bảo dưỡng, gìn giữ công trình đó. Suốt 3 năm qua, đều đặn hằng tuần, người dân khu phố 2 luôn bỏ ra 15 phút vệ sinh đường phố. Trước hết tôi kêu gọi đảng viên cùng làm, sau đó người dân hưởng ứng theo. Tôi làm được điều đó cũng nhờ dân quý, dân tin tưởng, đồng tình. Khi dân đề nghị mà mình làm được thì sự tin tưởng càng nhiều. Kinh phí dựng tường rào, trồng cây xanh và bảo dưỡng suốt 3 năm qua gần 250 triệu đồng, toàn bộ do dân đóng góp” - bà Nga nói.

Sự tín nhiệm của dân tiếp thêm sức lực

Trước khi về làm Bí thư Chi bộ khu phố 2, bà Nguyễn Thị Thúy Nga từng làm Phó giám đốc Trung tâm Phú Văn, rồi làm Phó giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người tàn tật, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM. Năm 2010, bà về hưu thì bị phường “bắt cóc” luôn đến nay, với 5 nhiệm kỳ làm bí thư. Với bà, nghị quyết đề ra trong mỗi nhiệm kỳ đại hội phải phục vụ địa phương, phục vụ đời sống nhân dân.

Không chỉ bãi rác trên tuyến đường Phùng Hưng, mà vấn đề nhiều năm của cư dân chung cư 63-65 Châu Văn Liêm cũng được bà bí thư xử lý êm thấm. Đây là khu chung cư cũ nằm trong rạp Đại Quang, có 28 hộ sinh sống. Cống dẫn nước thải của chung cư bị vỡ khiến môi trường bị ô nhiễm. Nghe dân phản ánh, bà Nga mạnh dạn đề xuất phường quan tâm và vận động nhân dân chung cư đóng góp kinh phí, chung tay cùng chính quyền xử lý, cải tạo môi trường.

Được dân đồng thuận, đóng góp 55 triệu đồng, bà lên phương án sửa chữa: xây hố ga, hút hầm cầu, thông cống, nâng nền, lắp đặt đèn chiếu sáng, gắn 2 camera cho chung cư.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Sương - Chủ tịch Hội LHPN phường 14, quận 5 - cho hay, nhờ sự cầu thị, lắng nghe và quyết tâm thay đổi, bà Nga luôn nhận được sự tín nhiệm của người dân. Và sự tín nhiệm đó đã tiếp sức cho bà trong nhiều công trình khác như chỉnh trang hẻm 813 Nguyễn Trãi, thực hiện 2 “Mảng tường biết nói”, phối hợp với khu phố 3 thực hiện công trình “Đường cờ Tổ quốc” trên đường Châu Văn Liêm để con đường dẫn đến nhà lưu niệm Bác Hồ thêm trang trọng. Cũng nhờ bà mà diện mạo khu phố 2 ngày càng sạch sẽ, khang trang và người dân có cuộc sống an toàn hơn.

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI