Trong lịch sử phát triển, sân khấu từng có những “bà bầu” nổi tiếng, nhiều năm dẫn dắt đoàn hát thành công như bà bầu Thơ, Kim Chưởng, NSND Kim Cương… Trong đó, NSND Kim Cương từng là ngoại lệ hiếm hoi khi vừa gánh vác chuyện cơm-áo-gạo-tiền, vừa lo phần nghệ thuật, kiêm luôn vai trò diễn viên của đoàn kịch nói mang tên mình trong nhiều thập niên.
Có một sự lặp lại khá thú vị: khi sân khấu tư nhân gần như đang “làm chủ” hoạt động của sân khấu kịch nói, các bầu nữ lại chiếm đa số. Ở thời điểm kịch thành phố có 7 sân khấu tư nhân (không kể kịch cà phê) thì đã có 5 bầu là nữ. Nếu những ông bầu chỉ phải lo chuyện kinh tế, nghệ thuật đã có ê-kíp khác gánh vác thì các “bà bầu” lại rất đa đoan - vừa là trưởng đoàn, kiêm nhiệm vai trò chỉ đạo nghệ thuật, diễn viên, đạo diễn…
Những bà bầu đa đoan
Những bà bầu của sân khấu kịch: NSND Hồng Vân, đạo diễn Ái Như, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Mỹ Uyên và diễn viên Ngọc Trinh đều “khởi nghiệp” làm bầu khi đã khẳng định tên tuổi và là diễn viên chính của các sân khấu. Điểm chung nhất của họ là gầy dựng sân khấu bằng tình yêu, đam mê và khát vọng có được một sân khấu của riêng mình, để thực hiện những ước mơ nhiều năm ấp ủ; để thành phố có thêm sàn diễn, khán giả có thêm sự chọn lựa món ăn tinh thần.
|
Sân khấu Hoàng Thái Thanh của bà bầu Ái Như trở thành điểm hẹn của khán giả yêu thích những vở kịch đề tài tâm lý xã hội |
Vốn nổi tiếng là người năng động, việc NSND Hồng Vân mở sân khấu vào năm 2001 không gây bất ngờ với người trong nghề. Hướng sân khấu mới theo phong cách hài kịch và kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học, sân khấu Hồng Vân ở Trung tâm văn hóa Q.Phú Nhuận lập tức tạo tiếng vang, mang diện mạo khác biệt so với Idecaf và Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ lúc bấy giờ. Đã có lúc, bà bầu Hồng Vân mở đến 3 điểm diễn. Ngoài “thủ phủ” ở Phú Nhuận, sân khấu Hồng Vân còn xuất hiện ở rạp Kim Châu (Q.1) và SuperBowl (Q.Tân Bình).
Trong suốt 18 năm, sân khấu Hồng Vân tự hào với những Bản chúc thư, Giải oan Thị Màu, Số đỏ, Kỹ nghệ lấy tây, Nỏ thần, Làm…, Đàn bà mấy tay, Người đàn bà uống rượu… Sân khấu Hồng Vân cũng là nơi nuôi dưỡng đam mê và tiếp sức cho nhiều diễn viên như: NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Đức Thịnh, Ốc Thanh Vân, Lan Phương, Thanh Thúy, Xuân Trang, Kim Huyền, Xuân Nghị…
Trừ bà bầu Hồng Vân ra mắt sân khấu năm 2001 - khi kịch nói vẫn được yêu thích, quyết định mở sân khấu của những “bà bầu” còn lại rơi đúng vào thời điểm sân khấu đang đi vào giai đoạn khó hoặc đã rất khó khăn.
Sân khấu chỉ hoạt động vỏn vẹn 7 tháng, Ngọc Trinh vẫn được xem là một trong những bầu “nhỏ nhưng có võ”. Công diễn 6 vở với nhiều phong cách, đề tài và đều là những vở được đầu tư dàn dựng nghiêm túc, chỉn chu.
|
Phải điều trị trầm cảm khi phải đeo đẳng vụ kiện với Nhà hát Kịch TP.HCM, "bầu" Ngọc Trinh vẫn nuôi giấc mơ về sân khấu. |
NSƯT Mỹ Uyên là trường hợp rất cá biệt, gắn với Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ từ khi mới tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu II. Khi nhiều bạn bè đồng trang lứa và cả thế hệ anh chị đã rời bỏ nhà hát, Mỹ Uyên vẫn ở lại nơi này, giữ vị trí phó giám đốc, rồi trở thành người điều hành, quản lý khi giám đốc nhà hát không còn đủ kiên nhẫn để gồng gánh, duy trì hoạt động của đơn vị.
Quyết tâm gầy dựng lại điểm diễn từng rất được chú ý của sân khấu kịch nói TP.HCM, bà giám đốc Mỹ Uyên trở thành “bà bầu”, dốc tiền túi, vay mượn người thân, bạn bè để sửa chữa khán phòng, đầu tư thêm âm thanh ánh sáng và dựng vở. Nhà hát kịch sân khấu Nhỏ hoạt động trở lại vào tháng 4/2018, đến nay, bầu Mỹ Uyên vẫn đang nỗ lực kéo khán giả trở lại. Vừa chỉnh lý, làm mới một số tác phẩm đang biểu diễn trước khi nhà hát tạm ngưng hoạt động, sân khấu của bầu Mỹ Uyên đã có thêm các tác phẩm mới: Bên đàng dệt mộng, Duyên ai, Đẹp bất chấp, Những giấc mơ lóng lánh, Chuyện tình nữ phạm nhân…
Cùng với NSƯT Thành Hội thành lập sân khấu riêng năm 2010, sân khấu Hoàng Thái Thanh của bà bầu Ái Như trở thành điểm hẹn của khán giả yêu thích những vở kịch đề tài tâm lý xã hội, được chăm chút từng chi tiết, từ kịch bản, ngôn ngữ sân khấu, phục trang, xử lý đạo cụ…
Nhìn vóc dáng bé nhỏ, nghe giọng nói nhẹ nhàng của nghệ sĩ Ái Như, ít ai ngờ chị lại có nội lực đáng nể đến thế. Gọi là bầu sân khấu, nhưng Ái Như kiêm luôn vai trò đồng tác giả, đạo diễn, diễn viên và cùng NSƯT Thành Hội can thiệp, giải quyết cả chuyện quản lý nhân sự, kiểm toán nội bộ, trả lời thắc mắc của khán giả…
|
NSƯT Mỹ Uyên phải cầm nhà để làm sân khấu |
Và những giọt nước mắt...
Cứ mỗi suất diễn Người đàn bà uống rượu, bạn bè thân quen lại thấy NSND Hồng Vân nép sau cánh gà, đôi mắt đỏ hoe. Dựng lại vở kịch chính luận này vào năm 2014, sau nhiều lần tính đến chuyện đóng cửa sân khấu, dường như không khí những đêm diễn Người đàn bà uống rượu đã trả NSND Hồng Vân trở về với ký ức của thời tuổi trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết.
Khởi đầu cho trào lưu kịch ma với vở Người vợ ma (năm 2006), dù được đánh giá cao, không ít lần NSND Hồng Vân thừa nhận: “Điều tôi hối hận nhất là đã cho ra đời thể loại kịch ma, kịch kinh dị”. Có nghe chị nói những lời từ đáy lòng mới hiểu vì sao cứ mỗi suất diễn Người đàn bà uống rượu, chị lại khóc.
|
NSƯT Trịnh Kim Chi - một người nặng nợ với sân khấu |
Chấp nhận thỏa hiệp để sân khấu có thể đứng vững, có thể nuôi sống diễn viên, nhân viên hay đóng cửa để giữ lại một thánh đường nghệ thuật - nơi chị từng gửi gắm cả tuổi thanh xuân? Bầu Hồng Vân chưa bao giờ chia sẻ tâm trạng đó, nhưng xem những vở Người đàn bà uống rượu, Đàn bà mấy tay, Châu về hợp phố… được dàn dựng xen kẽ giữa dòng kịch thị trường ở sân khấu Hồng Vân và sự quyết liệt tìm cách đưa những tác phẩm này đến công chúng, chấp nhận bù lỗ… ta có thể hiểu tình yêu của NSND Hồng Vân dành cho sân khấu vẫn đong đầy và chị vẫn chưa thôi hy vọng về một ngày sân khấu kịch nói tìm được chính mình.
Ngày công diễn Đêm thiên nga có lẽ là lần duy nhất khán giả nhìn thấy nghệ sĩ Ái Như khóc khi đã thoát khỏi nhân vật. Đêm thiên nga không còn là câu chuyện của Pierre và Boris mà chính là nỗi niềm, tâm trạng và cả ước mơ của nghệ sĩ Ái Như và người bạn diễn đã đồng hành với chị suốt gần 30 năm - NSƯT Thành Hội. Nổi tiếng khó tính, nhưng nếu xem chị làm việc, thấy cách chị chăm chút từng chi tiết của một vở diễn sẽ thấy sự khó tánh, thậm chí cực đoan ấy đều nhằm để giữ gìn một sân khấu tử tế.
|
Sân khấu Hồng Vân cũng là nơi nuôi dưỡng đam mê và tiếp sức cho nhiều diễn viên như: NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Đức Thịnh, Ốc Thanh Vân, Lan Phương... |
Trăn trở, sống chết với từng tác phẩm, dù trong vai trò đồng tác giả kiêm đạo diễn, diễn viên của vở hay khi trao quyền cho các tác giả, đạo diễn khác và chỉ tham gia ở tuyến nhân vật phụ... Nghệ sĩ Ái Như vẫn cứ ngơ ngẩn buồn vì khán giả ngày một thưa vắng. Giấu nước mắt vào trong, chị miệt mài làm việc, cẩn trọng từng chút, thay khán giả để tự chất vấn, làm khó mình. Không biết bao lần chị và nhóm tác giả phải xếp lại một kịch bản đã mấy tháng trời điều chỉnh, vì chưa thật ưng ý. Có lần, kịch bản gần hoàn chỉnh vẫn bị xáo lên, làm lại, chỉ vì chị vẫn thấy mình có thể làm hay hơn…
Khóc hết nước mắt, thậm chí phải điều trị trầm cảm khi phải đeo đẳng vụ kiện với Nhà hát Kịch TP.HCM, bầu Ngọc Trinh vẫn cứ nghẹn ngào khi nhắc về sân khấu và những ước mơ của mình. Chợt nhận ra, nước mắt của những bà bầu sân khấu đâu phải chuyện gì lạ. Chỉ là họ đã quyết tiếp tục đi trên con đường đã chọn và quyết đi đến cùng.
Thấy NSƯT Mỹ Uyên phải cầm nhà để làm sân khấu, nhiều người bảo chị “mắc nợ sân khấu”. Nhưng chị “đính chính”, chị không mắc nợ, mà sân khấu là đam mê, là tình yêu. Suy nghĩ đó giống hệt các “bà bầu” khác. Với họ, sân khấu như cuộc sống, như hơi thở mà họ không thể buông bỏ.
Thảo Vân