Thế nhưng, nhiều thai phụ không biết rằng, mang thai khi bị suyễn mà không được kiểm soát tốt và nhiễm vi-rút hô hấp, thì tình trạng bệnh nặng hơn sẽ tác động xấu đến sức khỏe cả mẹ lẫn con.
Khổ… như thai phụ bị suyễn
Thạc sĩ - bác sĩ (BS) Trần Thị Kim Thu - Giám đốc chuyên môn Phòng khám đa khoa CHAC kể: “Tuần rồi, tôi mới khám suyễn cho một bé gái 2,5 tuổi. Qua trò chuyện với người dì của bé, tôi mới biết mẹ của bé bị lên cơn suyễn và chết não lúc mang thai bé ở tháng thứ năm. Người mẹ được nuôi thai ở bệnh viện. Đến 2,5 tháng sau, bệnh viện tiến hành mổ lấy thai, còn người mẹ thì tử vong sau đó vài ngày”.
Còn phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan - Giám đốc Phòng khám Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, bà từng điều trị cho một phụ nữ bị suyễn, mà trước đó cả ba lần chuyển dạ, chị đều bị mất con do lên cơn suyễn cấp. BS Tuyết Lan cho biết, trung bình mỗi năm, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận khoảng 300 thai phụ đến khám vì bệnh suyễn.
|
Thai phụ bị suyễn cần phải được điều trị và tuyệt đối không được bỏ điều trị |
Ngày 17/4, khi đi thang máy lên tầng trên gặp BS của Phòng khám đa khoa CHAC, tôi không rời mắt khỏi một bà bầu: tay phải nâng chiếc bụng bầu, tay trái đặt lên ngực với hơi thở nặng nề. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì, thì thang dừng và thai phụ bước ra. Khi đó, chị hộ lý tặc lưỡi: “Bà bầu mắc bệnh này tội quá”. Tôi hỏi “bệnh gì vậy chị?”. Chị thở dài ra vẻ thương cảm: “Bệnh suyễn”.
Tôi thắc mắc về trường hợp vừa gặp, BS Thu nói ngay: “Thai phụ bị suyễn mà không kiểm soát bệnh thì có nguy cơ bị sẩy thai, thai lưu, sinh non, mẹ tử vong…”. Và BS Thu cho biết đã điều trị cho hơn 100 thai phụ bị suyễn, trong số đó, có nhiều người từng bị sẩy thai, sinh non, mất con… rồi mới tìm đến nhờ BS điều trị suyễn.
Như trường hợp của chị Nguyễn Kim H., 28 tuổi, ở Tiền Giang. Chị H. bị suyễn từ năm 3 tuổi, và hầu như lên cơn mỗi ngày. Khi trưởng thành, cơn suyễn giãn ra, có khi một năm, hoặc 2-3 năm, chị mới lên cơn một lần nên chị H. tự cho mình hết bệnh. Năm 25 tuổi, chị H. lấy chồng rồi mang thai. Khi thai ở tuần 22, suốt hai ngày, chị không còn cảm giác con máy, đạp trong bụng nên đâm lo và đi khám. Khi đó, BS xác định thai đã lưu và chẩn đoán nguyên nhân: có thể do mẹ lên cơn suyễn nhiều lần khiến con bị thiếu ô-xy, dẫn đến thai nhi bị chết lưu.
Có thai phụ đến lần thứ tư mang thai mới được ôm con vào lòng như trường hợp của BS Tuyết Lan kể. Đó là chị Võ Thùy L., cô giáo tiểu học, 36 tuổi, ở Phú Yên. Năm 28 tuổi chị mang thai lần đầu, và mặc cơn suyễn hành hạ, chị vẫn cương quyết không điều trị vì sợ con bị ảnh hưởng. Đến ngày chuyển dạ, những dấu hiệu của chị đều bình thường cho một cuộc chuyển dạ sinh thường.
Và trong lúc rặn sinh phải gắng sức, chị bị lên cơn suyễn, đứa trẻ ra đời bị suy hô hấp rồi tử vong. Lần thứ hai, thứ ba trong bảy năm đều diễn tiến với một kịch bản mẹ lên cơn suyễn, con bị tử vong lúc chuyển dạ và một lần thai lưu ở tuần thứ 32.
Khi tìm đến BS Tuyết Lan, chị L. vẫn trong trạng thái trầm uất vì chị tưởng suốt cuộc đời này, một người bị bệnh suyễn nặng như chị sẽ không bao giờ được làm mẹ. Thế nhưng, BS Tuyết Lan điều trị suyễn cho chị chưa đến sáu tháng là ổn định. Năm 2018, chị mang thai và vượt cạn an toàn với một bé gái xinh xắn.
Bị suyễn khi mang thai sẽ trở bệnh nặng hơn
Theo các chuyên gia hô hấp, hen suyễn là một bệnh lý phổ biến với tỷ lệ phát bệnh ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Đặc biệt, theo BS Tuyết Lan, trong thời kỳ mang thai, khoảng 30-40% người bị hen thường có diễn tiến bệnh nặng hơn. Nguyên nhân là khi mang thai, nội tiết tố thay đổi - dị nguyên kích phát lên cơn suyễn.
Nhiều trường hợp do tự ý ngừng các thuốc trị hen, hay điều trị không đủ liều vì tâm lý sợ thuốc ảnh hưởng đến thai nhi. Thế nhưng, nhiều thai phụ không biết rằng, mang thai khi bị suyễn mà không được kiểm soát tốt và nhiễm vi-rút hô hấp, thì tình trạng bệnh nặng hơn sẽ tác động xấu đến sức khỏe cả mẹ lẫn con.
BS Kim Thu cho biết, thai phụ bị suyễn có thể lên cơn bất kỳ lúc nào, khi vui quá, buồn quá, xúc động, gắng sức, chuyển dạ, thời tiết thay đổi… đều có nguy cơ lên cơn. Đặc biệt, những cơn hen cấp có thể xảy ra, thường gặp hơn ở tuần thứ 24-36 của thai kỳ. Các nguy cơ ở mẹ như tiền sản giật, cao huyết áp, xuất huyết âm đạo bất thường, nhiễm độc thai nghén, sinh non hay làm tăng tình trạng nôn nghén.
Bên cạnh đó, các nguy cơ đối với thai nhi gồm giảm ô-xy từ mẹ đến nuôi bào thai gây chậm phát triển bào thai, sinh non, sinh nhẹ ký, hoặc tăng tỷ lệ tử vong trong hoặc sau khi sinh. Những nguy cơ này gia tăng ở những người bị hen nặng, không kiểm soát hen tốt. Vì vậy, khi bị suyễn trước hay trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần phải đến cơ sở y tế điều trị, tuyệt đối không dùng thuốc dân gian và không được bỏ điều trị nửa chừng.
Hiện nay, thuốc điều trị suyễn cho thai phụ hoàn toàn an toàn, không hề ảnh hưởng đến mẹ hay thai nhi. Đặc biệt, khi đi điều trị suyễn ở các đơn vị quản lý hen của các bệnh viện, đến gần ngày sinh, BS sẽ lưu ý BS sản khoa, để khi chuyển dạ nếu lên cơn suyễn sẽ được xử trí kịp thời.
Thùy Dương