Ngày tôi lấy chồng, ai cũng ái ngại bởi gia đình chồng có tới tận ba chị gái. Chồng tôi con út, là thứ tư, đúng kiểu các cụ xưa đẻ cố để có thêm một thằng con trai chống gậy. Chúng tôi lấy nhau rồi ở xa, chuyện nhà chồng ra sao thực ra qua lời chồng kể và những cuộc điện thoại thăm hỏi, tôi không tường tận lắm. Ngày tìm hiểu nhau, tôi chỉ nghĩ thôi thì mình cứ sống thật lòng, hẳn là người cũng sẽ thương ta. Nhưng những chị chung cơ quan luôn nghe tôi nói thì cười, rất ẩn dụ: sống cùng rồi em sẽ hiểu, cuộc đời không đơn giản thế. Tôi tặc lưỡi kệ. Bởi thực tế tôi và chồng cùng làm việc ở thành phố. Bố mẹ chồng và ba bà chị đều ở quê. Sự va chạm chắc sẽ có nhưng xa xôi chắc sẽ không nhiều.
Ngày cưới tôi về, chị cả vốn hiền không nói gì, nhưng chị và hai chị ba bảo: Mợ có gì ấm ức cứ nói với các chị, các chị sẽ xử lí cho. Cậu từ bé đã được ông bà chiều lắm đấy... Tôi cười, mối quan hệ chị chồng em dâu sau đấy cũng cởi mở. Tôi bớt e dè với các chị hơn vì thấy các chị chia sẻ thật lòng.
|
Mợ có gì ấm ức cứ nói với các chị, các chị sẽ xử lí cho... Ảnh minh họa |
Nhưng các bà, các thím bên chồng thì thào: Thằng Hoàng rách giời rơi xuống, chả biết vợ nó ra sao? Những lời thì thào ấy cứ như cố tình lọt vào tai tôi, rất khó chịu. Tôi hỏi thẳng: “Xưa anh nghịch lắm à mà lí lịch thời thơ ấu các cụ nhắc mãi thế?”. Anh cười hì hì: “Cũng tương đối, nhưng đấy là thời cấp hai, cấp ba. Lên đại học đi xa nhà biết thương bố mẹ rồi, sống ngoan thì các cụ lại không tin..” .
Đúng là bố mẹ chồng tôi rất chiều con trai, cái này tôi biết. Nhưng may mắn là vì chiều con trai nên các cụ không vì thế mà xét nét con dâu mà ngược lại chiều luôn cả con dâu nữa. Chúng tôi lấy nhau rồi ở luôn trên thành phố làm việc, thỉnh thoảng rảnh rỗi mới về quê. Nhưng tuần nào bố mẹ cũng gửi ra đủ các thức nọ, thức kia với những lời dặn dò rất thật tâm của người già. Tôi rất cảm động vì điều đó.
Ngày sinh con, tôi đắn đo mãi rồi cũng quyết định xuất viện là về quê ngay. Bởi dù gì chồng tôi cũng con độc đinh, mà con tôi là cháu nội đầu, lại là cháu đích tôn nên các cụ ở nhà mong lắm. Tôi và con vừa vào nhà đã thấy ba chị tề tựu đủ cả. Tôi hoảng: “Các chị cứ về đi, ở nhà có mẹ rồi...” Nhưng chị ba nói: “Không, để các chị thay nhau chăm hai mẹ con, mẹ già rồi để mẹ nghỉ, mợ cũng chả mấy khi ở nhà cả, chị em có dịp này gặp nhau cho tình cảm...". Tôi đành vâng, nhưng đủ cũng thấy ngại. Tôi nói nhỏ với chồng: “Các chị ở đây, em thấy lo lo...”. Anh cười to: “Kệ đi, rồi em sẽ thấy”.
|
Kệ đi, rồi em sẽ thấy... Ảnh minh họa |
Rồi tôi đã thấy điều như chồng nói thật. Chị cả ở gần nhất, sáng dậy chị đi chợ mua thức ăn nhà chị thì mua luôn đồ ăn mang sang cho mẹ nấu nướng. Chị hai, công việc nhàn hạ hơn nên giữa buổi tạt qua giặt chậu đồ cho cả mẹ lẫn con trẻ. Chị nói: Quần áo của thằng bé, em để đấy chị giặt tay, đừng bỏ máy... Tôi cảm động vô cùng. Chị ba ở xa hơn, công việc cũng bận rộn, nhưng rảnh chị cũng chạy về thăm em và cháu. Lần nào cũng tay xách nách mang thứ này thứ kia. Ba chị chồng đều đối đãi và chăm sóc tôi rất chân tình. Đến nỗi mẹ ruột tôi, khi đến ở với con gái mấy ngày cũng phải thốt lên: Con thật là may mắn... Tôi thú nhận với các chị: Em vụng về chuyện lặt vặt trong nhà lắm... Chị ba cười: Tập rồi sẽ quen! Không làm được thì nhờ. Xưa chị về nhà chồng cũng lóng nga lóng ngóng, thế mà bây giờ cũng gọn gàng đâu vào đấy hết rồi.
Con ốm, tôi cho đi viện khám, đúng hôm chồng tôi đi công tác. Hai mẹ con tự xoay xở. Được nửa ngày thì thấy chị thứ hai đưa mẹ chồng lên. Vừa nhìn thấy tôi, chị đã mắng: Sao cháu ốm, cậu đi vắng mà mợ không gọi về nhà báo một câu? Tôi ngạc nhiên: “Cháu sốt, em định cho vào khám rồi về thôi”. “Khám cũng phải gọi chứ? Ở nhà có bao nhiêu người mà ở đây có hai mẹ con thì xoay xở làm sao?” Tôi nhìn mẹ chồng rồi nhìn chị, dù bị mắng mà lòng tôi lại rưng rưng cảm động. Hóa ra chồng tôi sốt ruột nên gọi về nhà báo cáo tình hình, thế là ngay lập tức chị đưa mẹ lên hỗ trợ mẹ con tôi.
Khi nghe tôi kể chuyện nhà chồng, các chị cùng công ty vẫn không tin, vẫn nói hồi sau mới rõ... Hồi sau, hẳn nhiên là ai mà tiên đoán được. Ở đời có biết bao chuyện con người không thể nào dự liệu, đoán định được. Mà tôi cũng không mất thời gian làm gì cho việc ngồi đoán định cho tương lai như thế. Tôi chỉ biết tôi có đến ba chị chồng, người hiền lành ít nói, người bộc trực thấy đâu là nói, người lo toan từ nhà chồng đến nhà đẻ mọi việc băng băng. Nhưng tất cả các chị đều cùng mẹ chồng hỗ trợ, bao bọc mẹ con tôi từ ngày tôi bước chân về đó làm dâu.
Có lẽ vì thế mà với các chị, tôi không hề ái ngại. Cũng không phải con tôi là cháu đích tôn mà bố mẹ chồng hay các chị giành lấy để gạt tôi ra, mọi việc của gia đình riêng, của thằng bé tôi đều được quyền tự quyết. Khỏi nói chỉ sau gần hai năm lấy chồng rồi làm dâu, tôi đã biết ơn số phận đến nhường nào.
Đinh Hương