Những năm 1960, cô Vũ Minh Nguyệt (con gái một nhà nho Hà Nội) đem lòng yêu anh thanh niên đẹp trai tên Đặng Văn Thuyết làm cùng cơ quan Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tình yêu trong sáng giản dị đến với đôi bạn trẻ và được hai họ tán thành, cơ quan ủng hộ. Đám cưới diễn ra nhẹ nhàng như nhiều cặp đôi thời kỳ đó. Cô dâu mặc áo dài, ôm bó hoa lay ơn ngồi sau xe đạp. Chú rể rước cô dâu về căn phòng người họ hàng cho mượn. Đôi uyên ương sống nhờ ở đó một thời gian dài với những buồn vui trong căn phòng vẻn vẹn khoảng bảy mét vuông.
|
Vợ chồng tay trong tay đi bộ thể dục mỗi sáng |
Cô gái hiền lành, chịu thương chịu khó, anh chồng tốt bụng và luôn sẵn sàng cùng vợ chăm lo nhà cửa. Sau này nhờ bà con giúp đỡ cùng tích lũy, vợ chồng mua chịu được căn nhà ở khu tập thể Trương Định (Hà Nội). Tại đây họ có không gian để nuôi đàn gà, con heo, nhận việc làm thêm sau mỗi buổi làm ở cơ quan.
Ba đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống vẫn vất vả dù cả vợ lẫn chồng đều chịu thương chịu khó. Khi hai cô con gái lớn đã bắt đầu có thể chăm sóc cho cậu em út thì vợ chồng bàn với nhau và quyết định để vợ sang làm việc ở Nga (Liên Xô cũ) với hy vọng gỡ chút khó khăn cho gia đình.
Biết là xa mặt nhiều may rủi “cách lòng”, nhưng chồng vợ đồng lòng quyết tâm vượt qua thử thách này.
Tiếp đó là những chuỗi ngày xa cách, nhớ nhung giữa vợ và chồng, giữa mẹ và con. Những lá thư mặn nồng thường xuyên được trao đi gửi lại.
Người vợ đã biến nhớ thương thành hăng say làm việc để có năng suất cao và tích lũy tiền bạc cho ngày trở về. Anh chồng toàn tâm thay vợ trông nom con cái và những việc hai bên nội ngoại. Rồi không để vợ quá buồn bã vì nhớ mong, khi gửi được con cho người họ hàng vài ngày, anh xin phép cơ quan sang thăm vợ nơi xa xôi ấy.
Giữa tháng năm đầy vất vả thiếu thốn, anh tâm niệm “không được để ngọn lửa yêu thương lụi tàn” mà phải “thắp lửa tình yêu” cho hai trái tim duy trì được năng lượng cần và đủ nâng niu cho gia đình của mình.
Người vợ cũng vậy, trong ba năm làm việc ở nước ngoài thì mỗi năm về thăm nhà một lần, để thắp sáng ngọn lửa yêu thương trong lòng chồng con.
Thông thường, tình cảm vợ chồng khi xa cách đôi khi rất khó khăn bởi những lo lắng, nghi ngờ và cả những cám dỗ. Thế nhưng, với tình yêu và niềm tin mãnh liệt tuyệt đối cả hai đã không mảy may đọng lại trong lòng bất cứ điều tiêu cực nào. Ba năm của hai vợ chồng trôi qua không nặng nề như người ta vẫn tưởng.
|
Hai ông bà rất thích đi du lịch cùng nhau |
Ông trời không phụ lòng chân tình, cuộc sống của họ cũng dần bớt nhọc nhằn. Ba đứa con ngoan ngoãn, học hành đến nơi đến chốn và rất mực hiếu thảo. Vợ lúc nào cũng nhẹ nhàng, chồng lúc nào cũng ân cần, chu đáo.
Có lần chị vợ đi chợ bị bọn xấu lấy cắp mất hết tem phiếu. Thời đó mất tem phiếu là cả vấn đề lớn. Khi về nhà, chị lo lắng và buồn bã đến thất thần. Anh thấy vậy, vội ôm vai vợ: “Không sao đâu em. Nhà mình có chết đói đâu mà sợ. Em không sao là may rồi. Để anh lấy khăn cho em rửa mặt nhé”.
Anh luôn bao dung, còn chị luôn tận tâm. Hạnh phúc của họ giản dị nhưng ấm áp đến mức họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp đều phải ngưỡng mộ.
Anh làm việc tích cực ở cơ quan nên sau này được giữ chức vụ Phó chánh văn phòng của Bộ Khoa học và công nghệ. Anh luôn nhiệt tình với bạn bè đồng nghiệp, nhưng chưa bao giờ đi quá giới hạn với đồng nghiệp nữ.
|
Họ vẫn gọi nhau là anh em đầy trìu mến, tình cảm |
Chị quan điểm “gái có công, chồng chẳng phụ” và vì thế, cứ hết mực tin tưởng và chu toàn vai trò làm vợ nên mọi lời đồn thổi gần xa đều chẳng khi nào làm ảnh hưởng dù chỉ một chút đến hạnh phúc gia đình.
Ngày tháng dần trôi. Các con trưởng thành, rồi lấy vợ lấy chồng, các cháu ngày một đông. Đến nay cô gái tên Nguyệt ngày xưa đã là bà lão tuổi 84, còn anh thanh niên nhanh nhẹn ngày nào giờ đã là ông lão 86 tuổi.
Con cái lớn khôn mỗi người một chốn, nhà ông bà cách nhà các con khoảng 30 cây số. Mỗi lần gặp các con, ông bà hay nói: “Bố mẹ muốn tự do nên các con đừng lo. Bố mẹ sẽ chỉ đến chơi với các con cháu thôi, chứ không về ở với đứa nào hết. Bố mẹ còn tự lập được, sau này hẵng hay”.
Thể lực không thể cưỡng lại được thời gian, nhưng hai ông bà còn khỏe và tình cảm vẫn son sắc. Sáng sáng, ông bà dậy sớm tập thể dục. Hai cụ vẫn nắm tay nhau đi chợ, ông xách giỏ cho bà, bà chọn đồ cho bữa ăn.
Người ta thường nghe tiếng ông: “Em đi cẩn thận đó. Chân không chắc, lưng đau thì đi chậm thôi” hoặc “Em cố ra sân tập cho khỏe đi. Có anh rồi, lo gì!”.
Con cháu thường bắt gặp cảnh bà ân cần bóc từng múi mít, trái nhãn, trái vải cho ông. Bà vẫn luôn hỏi: “Anh Thuyết ơi, hôm nay ăn gì nhỉ?”; “Anh đừng đi xe máy nữa đấy, đường đông sợ lắm” hoặc “Anh Thuyết ơi, kính của em đâu nhỉ?”.
Ông bà thích đi du lịch đó đây. Ông vẫn là “cây cổ thụ” che mưa che nắng cho bà. Bà vẫn xem ông là “người đàn ông lớn của đời mình”, vẫn không ngần ngại thổ lộ: “Cửa mở rộng quá, nhiều gió. Anh ơi đóng cửa, em lạnh”.
|
Con cháu quây quần trong dịp kỷ niệm 55 ngày cưới của ông bà |
Ông bà là tấm gương về tình yêu, về lòng bao dung, về tấm chân tình cho con cháu noi theo. Đúng như câu nói “gần đèn thì sáng”, con cháu vì thế mà biết yêu thương đúng nghĩa hơn. Bao nhiêu năm qua đi, dẫu bận bịu đến đâu ông bà cũng không bao giờ quên ngày kỷ niệm ngày cưới, ngày sinh nhật của nhau.
Hồi bao cấp khó khăn, ông bà hay kể họ không có tiền mua hoa, mua bánh, nhưng một bó hoa đồng nội hay thêm đĩa thức ăn ngon cũng là thương nhớ. Ông bà quan niệm, nhắc tới những ngày đó để biết trân trọng hơn năm tháng hiện tại, để biết rằng, gia đình chính là điều vô giá.
Bây giờ có điều kiện, ông bà không bao giờ muốn bỏ qua những dịp lễ, tết… Ông bà cho rằng đây là dịp để con cháu trở về, hội tụ để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xa xưa, nói về thế sự hoặc nói về bất cứ câu chuyện nào. Qua đó, sự gắn kết giữa các thành viên được củng cố.
Ông bà luôn khích lệ con cháu “đừng ngại khó, đừng nghĩ mình già”.
|
Khi họ có nhau mùa đông không còn lạnh |
Ông tích cực tham gia các hoạt động khu phố, vẫn đi họp, sinh hoạt Đảng thường xuyên, vẫn truyền lửa cho thế hệ trẻ. Trong các dịp đám cưới, ông thường xuyên phát biểu, làm chủ hôn, ca hát không mệt mỏi và lan tỏa niềm vui ấy cho tất cả những người xung quanh.
“Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao. Dù cho có là bao nhiêu tuổi” là câu hát mà ông thường xướng lên trong dịp vui.
Khánh Phương