Áy náy khi giao con cho smartphone, thế nhưng...

07/06/2019 - 14:34

PNO - Cấm trẻ con là cấm thế nào? Đặt ra giới hạn thời gian sử dụng smartphone hay những biện pháp gì nữa cũng chỉ là tình thế. Khó lắm!

Nhiều cảnh báo về việc cha mẹ ngày nay thường dựa vào các thiết bị nghe nhìn trong việc nuôi con như phó thác con với cái ti vi, smartphone... ngay từ khi con còn rất bé. Lạ một điều, từ lúc chưa nhận thức sự việc xung quanh, trẻ đã bị lệ thuộc vào những thiết bị nghe nhìn này rồi.

Cho bé ăn, nếu có cái smartphone trước mặt, bé sẽ ăn nhanh hơn. Muốn bé không vòi vĩnh, khóc nhè, giải pháp hữu hiệu nhất là cái iPad. Lâu dần thành thói quen, bé thích những thứ bên trong cái điện thoại bé tí ấy mà cha mẹ cũng khỏe. 

Ay nay khi giao con cho smartphone, the nhung...
Ảnh minh họa

Nhiều nhà tâm lý lên tiếng cảnh báo, con người đang dần phụ thuộc vào chiếc điện thoại. Trong phòng đợi sân bay, nhìn quanh quất gần như ai nấy đều cắm mặt vào smartphone.

Một anh chàng chia sẻ dòng trạng thái trên facebook rằng, trong chuyến du lịch ở biển, anh ham chụp ảnh  không cảnh giác sóng lớn ập vào, smartphone trên tay anh bị rơi xuống nước. Có tiếc nuối cũng không ích gì, anh an tâm đoạn tuyệt với điện thoại.

Quá cảnh ở một sân bay, mở laptop, anh tá hỏa mới hay má anh nhập viện, em gái cũng đang ở trong một bệnh viện khác chờ sinh em bé. Và rất nhiều tin nhắn, email đang đợi anh giải quyết công việc. 

Như vậy, mạng đâu phải là ảo, mà là công việc, tin tức, là kiếm ra tiền. Xin việc làm, học bổng, du lịch... tất cả đều qua mạng. Từ đơn xin việc cho đến phỏng vấn có thể qua online và thư mời làm việc đều ngồi tại máy vi tính. Có những công việc làm hoàn toàn giao dịch qua mạng. Thế thì nói thế nào đây về việc “tẩy chay” nó?

Người ta rủ nhau làm YouTube để kiếm tiền. Mỗi người đều ra sức o bế trang của mình chỉ mong kiếm được nhiều lượt theo dõi. Nhiều ông, bà tặc lưỡi, thần tượng bọn trẻ bây giờ là gì khi mà chúng suốt ngày bàn tán về những đoạn clip vô bổ, trẻ trâu, anh hùng rơm. Cuối cùng đành phải lắc đầu, thật khó để kéo giới trẻ ra đời thực khi mà mạng ảo lúc nào cũng hấp dẫn, từ kiếm tiền cho đến gây gổ nhau. 

Ay nay khi giao con cho smartphone, the nhung...
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có một nghịch lý là có những trang YouTube nổi tiếng, vài chục ngàn lượt xem đều đặn mỗi ngày chỉ toàn chuyện gia đình, học hành, cách nấu món ăn ngon… Tại sao người ta thích thú với cảnh sinh hoạt một gia đình sáu người, ba thế hệ với những video quay lại cảnh đi chơi, cắm trại, mua sắm, ăn uống vui vẻ, bố lo cho con, mẹ nấu ăn, chăm sóc con, đọc sách cho con nghe? Trong những clip này không hề có cảnh con cái được phép sử dụng smartphone trong sinh hoạt.  

Và có mâu thuẫn không, khi người làm clip mong được chia sẻ nhiều, view cao, tức là họ muốn người xem lệ thuộc vào điện thoại, còn trong gia đình thì họ cấm tiệt bọn trẻ đụng đến chúng? Thế nghĩa thế nào? 

Thật ra, sức hấp dẫn của smartphone ngày càng tăng chứ không giảm. Nhà sản xuất ra sức cải tiến mỗi ngày thêm nhiều tiện ích. Thiết bị đời sau luôn nhiều tính năng hơn và tất nhiên, giá cao hơn. Đó là quy luật tất yếu của sản xuất và tiêu dùng. Nếu không cải tiến, ắt sẽ bị đào thải. Và như thế, không ai biết con người sẽ nghĩ ra “chiêu trò” gì nữa để cám dỗ con người. 

Cha mẹ hiểu và áy náy khi giao phó con cho smartphone, thế nhưng biết làm sao bây giờ, ngay cả cha mẹ cũng bị cuốn vào đó. Nghĩ ngợi một chút sẽ thấy, từ việc trong đời thực, con người thích chia sẻ lên mạng để tìm sự đồng cảm. Nấu một món ăn, cắm một bình hoa, đi chơi nơi nào, mặc bộ quần áo mới, khoe con cái… họ đều muốn công khai cho cả thế giới biết. 

Như vậy, cấm trẻ con là cấm thế nào? Đặt ra giới hạn thời gian sử dụng smartphone hay những biện pháp gì nữa cũng chỉ là tình thế. Hay, cách tốt nhất cha mẹ làm gương?

Khó lắm! Nghĩ lại xem, thế hệ cha mẹ trẻ bây giờ ở độ tuổi 8X, họ đã quen với máy tính, mạng từ khi còn bé rồi. Chỉ duy nhất ở tính chọn lọc mà thôi, vấn đề quan trọng là chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống để điều chỉnh bản thân.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI