Avant-Garde: khước từ sự lặp lại

26/08/2017 - 07:18

PNO - Ca sĩ Tùng Dương vừa tuyên bố làm liveshow Trời và đất mang tinh thần nghệ thuật tiên phong Avant-Garde. Vậy trong âm nhạc, trường phái Avant-Garde biểu hiện thế nào?

Thuật ngữ Avant-Garde được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật từ hội họa, kiến trúc, thời trang đến điện ảnh, âm nhạc. Xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ XIX tại châu Âu, đến những năm 70 của thế kỷ trước, Avant-Garde được xem là trường phái nghệ thuật mang tính tiên phong, phá vỡ những chuẩn mực của những ước lệ truyền thống, không chịu sự ràng buộc của bất kỳ quy tắc nào. 

Avant-Garde: khuóc tù sụ lạp lại

Trang phục đậm chất Avant-Garde và Futuristic (vị tương lai) của Lady Gaga

Một trong những tiêu chí quan trọng để nhận diện phong cách Avant-Garde là tính “độc bản”, khước từ sự lặp lại. Cho đến nay, Avant-Garde đã có nhiều biến đổi theo các thời kỳ lịch sử cùng các hình thức nghệ thuật khác nhau như Minimalism (tối giản), Pop-Art (hiện thực vật chất), Abstract Expressionism (trừu tượng biểu hiện)… 

Riêng trong âm nhạc đương đại, hai gương mặt biểu tượng của nghệ thuật tiên phong này là Bjork (đại diện cho dòng nhạc indie) và Lady Gaga (đại diện cho dòng nhạc đại chúng - mainstream). Không chỉ ca hát, sáng tác nhạc, hai kẻ “cuồng tín” này còn được coi như những nghệ sĩ trình diễn. Các tác phẩm cũng như mỗi lần xuất hiện tại các chương trình, sự kiện của họ đều có sự hỗ trợ của những loại hình nghệ thuật thị giác khác như hội họa, điêu khắc, thời trang...

Xem những MV của Bjork có thể thấy nữ ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc người Iceland này luôn mang tới những xếp đặt hình họa phi nguyên tắc, những ứng dụng công nghệ phá bỏ giới hạn cho trí tưởng tượng và những bộ phục trang cùng lối trang điểm không thông dụng. Lady Gaga lại nổi loạn theo kiểu “mỗi lần đến là mang theo một bí mật”. 

Avant-Garde: khuóc tù sụ lạp lại
Ca sĩ Tùng Dương 

Bên cạnh những bộ trang phục haute couture “độc lạ”, nữ ca sĩ này từng gây sốc khi khoác lên mình bộ đồ đắp bằng thịt bò tươi hay chui vào trong quả trứng khổng lồ đến dự lễ trao giải Grammy… Điều quan trọng ở những “tín đồ Avant-Garde” này không phải là sự “dị biệt” mà là thông điệp, nhãn quan riêng của họ được phát đi thông qua mỗi sản phẩm âm nhạc và cả cách xuất hiện “bất thường”. 

Trở lại với Tùng Dương, đêm nhạc Trời và đất với các khách mời Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà; sẽ diễn ra hai ngày 23-24/9/2017 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị (Hà Nội). Trong buổi giới thiệu chương trình, nam ca sĩ sinh năm 1983 cho biết, đêm nhạc sẽ không kể câu chuyện có đầu có đuôi như truyền thống mà mang tinh thần nghệ thuật Avant-Garde. 

Âm nhạc chủ đạo không mang phong cách cụ thể nào, mà là thứ âm nhạc không phân định, bó buộc thể loại, không theo các khuôn mẫu sẵn có. Tuy nhiên, Tùng Dương chia sẻ, dù kích thích trí tưởng tượng nhưng sô diễn của anh không hề thách thức tai nghe người xem. “Tôi không bao giờ cho rằng yếu tố đương đại hay tiên phong là phải khó nghe, khó hiểu. Khán giả sẽ lập tức có thể hòa nhập được vào câu chuyện âm nhạc của Trời và đất bởi những gì được lựa chọn đều gần gũi với văn hóa và tâm linh người Việt, từ ngũ hành, vòng hoàng đạo đến những triết lý truyền thống về sự gắn bó của con người với thiên nhiên”, ca sĩ có phong cách “dị biệt” trong làng nhạc Việt bày tỏ. 

Avant-Garde: khuóc tù sụ lạp lại
Ca - nhạc sĩ Bjork trong trang phục phong cách Avant Garde 

Không cần chờ hai đêm nhạc sắp tới để xem “tinh thần tiên phong” của Tùng Dương đến đâu, mà ngay trong cách biểu diễn, phục trang trước giờ của anh cũng đã ít nhiều toát lên phong cách Avant-Garde. 

Tuy nhiên, với những dẫn giải và hình ảnh đầu tiên về Trời và đất, có thể thấy đây chưa phải cuộc chơi Avant-Garde triệt để của Tùng Dương, vì anh vẫn còn “nhìn trước ngó sau” để tiếp cận tai nghe, mắt nhìn của đại chúng và những chuẩn mực đã có. Cách đây 15 năm, đêm nhạc kèm album Nhật thực của Trần Thu Hà cũng đã ít nhiều bộc lộ dáng dấp của tinh thần nghệ thuật tiên phong. Hiện tại, những nghệ sĩ hoạt động ở Phù Sa Lab của nghệ sĩ Nhất Lý tại Hà Nội cũng đang theo đuổi một số dự án âm nhạc mang nhiều yếu tố Avant-Garde. Trong bối cảnh nhạc Việt thiếu đa dạng và nặng tính thương mại, những hoạt động mang tính thể nghiệm (Avant Garde Experimental) đã là sự tiên phong đáng chào đón. 

 Bùi Dũng

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI