Ấu dâm là chứng rối loạn tình dục thể hiện bằng những ham muốn tình dục đối với trẻ vị thành niên (VTN). Tuy nhiên, không phải ai mắc chứng ấu dâm cũng có hành vi tình dục với trẻ em. Đó là lý do tội phạm ấu dâm khó bị nhận diện trong đời sống.
|
Sự xuất hiện của một loại búp bê tình dục có hình bé gái dành cho những kẻ ấu dâm đã gây tranh cãi kịch liệt trong thời gian gần đây. |
Tội ác bị che giấu
Không nhiều người biết những tội ác đã xảy ra ở trường khiếm thính Gwangju Inhwa, thành phố Gwangju (Hàn Quốc), từ năm 2000-2005, cho đến khi một thầy giáo trẻ đến trường nhận công tác.
Những đứa trẻ khuyết tật, thiếu tự tin đã bị xâm hại bằng thủ đoạn tinh vi, độc ác. Câu chuyện này đã được viết thành tiểu thuyết vào năm 2009, chuyển thể thành phim năm 2011 với tựa đề Silenced (Buộc phải giữ kín), đã tạo nên cơn sốt dư luận xoáy thẳng vào vấn nạn trên. Nhờ bộ phim mà không ít người nhận thức rõ hơn về khái niệm tội phạm tình dục đối với trẻ em. Cũng năm 2011, Quốc hội Hàn Quốc đã cho phép công khai tên thật của kẻ thủ ác.
Năm 2016, cộng đồng mạng bàng hoàng khi xem những thước phim tái hiện câu chuyện có thật về chuỗi ngày bi thảm của bé gái Na-young (8 tuổi, tên đã được thay đổi). Bộ phim Hope (Hy vọng) về câu chuyện của Na-young đã ra mắt từ năm 2013, là hồi chuông đánh động mọi phụ huynh phải cảnh giác về tội phạm tấn công tình dục trẻ em.
Kẻ tội đồ là Jo Doo Soon (57 tuổi). Trong một cơn say, hắn đã bắt cóc em, lôi vào nhà vệ sinh công cộng để giày vò. Cảnh tượng sau đó là những giọt nước mắt, tiếng la thất thanh của cô bé So-won (tên nhân vật trong phim) đã vĩnh viễn bị cướp mất tuổi thơ.
|
Cảnh tượng khiến nhiều người xem thắt lòng trong phim Hope. Ảnh: Akaliterfilmzie.net |
Jo Doo Soon chỉ chịu án tù 12 năm, với tội danh không đáng gì so với tội ác đã gây ra. Sau vụ của Na-young, xảy ra năm 2008, xã hội Hàn Quốc vẫn dung túng cho những kẻ như Jo Doo Soon, im lặng để cho những mầm mống bệnh hoạn phát triển.
Vụ tấn công như vậy lặp lại với bé gái 7 tuổi vào năm 2012 tại tỉnh South Jeolla. Nạn nhân được phát hiện trong tình trạng không mặc quần áo, người quấn chăn và có dấu hiệu bị cưỡng hiếp. Hung thủ 23 tuổi, là hàng xóm thân thiết với gia đình nạn nhân, đã ung dung vào nhà bằng cửa chính lúc 2 giờ sáng, tấn công bé gái đang ngủ trong phòng khách.
Sau khi gây án, hắn ném nạn nhân ở bờ sông cách nhà khoảng 100m. Đạo diễn Lee Joon-ik của phim Hope nói: “Im lặng cho qua chính là tội ác. Phải kể lại, phải nhắc nhớ rằng thế giới này sẽ mãi không an toàn cho con trẻ nếu những tên tội phạm ấu dâm vẫn còn nằm ngoài sự cảnh giác của xã hội”.
‘Luật im lặng’
Khi tội ác xảy ra, nạn nhân và gia đình không chỉ đối diện với cú sốc tinh thần mà còn bị áp bức bởi những kẻ đứng sau kẻ thủ ác.
Một trong những tên yêu râu xanh quái gở nhất là Gary Rolph (50 tuổi) sống ở Anh. Hắn đã giở trò với một bé gái VTN trong suốt hai năm. Sau mỗi lần như thế, hắn thả cô bé về nhà kèm lời đe dọa sẽ giết mẹ em.
Quá sợ hãi, nạn nhân đã giữ kín những gì đã xảy ra với mình. Khi gia đình em biết chuyện, khởi kiện Gary Rolph, thì luật sư bảo vệ cho hắn đã viết thư dọa sẽ kiện ngược gia đình nạn nhân nếu tiếp tục… vu cáo cho thân chủ mình. Trong bức thư gửi quan tòa, nạn nhân viết: “Cháu mất hết niềm tin vào bản thân. Cháu tự hoài nghi chính mình vì cảm thấy bản thân quá vô dụng”.
Những kẻ phạm tội thường khống chế tinh thần nạn nhân, buộc nạn nhân phải giữ im lặng. Chính sự động viên của các tổ chức xã hội đã giúp người mẹ có đủ dũng khí vạch trần lá thư luật sư của Gary Rolph gửi cho mình, khiến lá thư trở thành manh mối lật ngược vụ án. Gary Rolph lãnh án tù 24 năm, đánh dấu chiến thắng của những người dám xé toạc “thỏa thuận” ngầm của những con yêu râu xanh.
Một trong những vụ tấn công tình dục trẻ em chấn động nước Mỹ là vụ cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Hastert lạm dụng tình dục ít nhất bốn bé trai khi ông làm huấn luyện viên đấu vật tại một trường trung học ở Illinois hồi thập niên 1960. Ông bị tuyên 15 năm tù năm ngoái, nhưng mới đây đã khởi kiện một nạn nhân vì người này lên tiếng tố cáo ông sau chừng ấy năm giữ im lặng nhờ số tiền thỏa thuận 1,7 triệu USD.
|
cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Hastert |
Ở thời điểm Dennis Hastert phạm tội, hành lang pháp lý bảo vệ nạn nhân là trẻ VTN bị tấn công tình dục rất lỏng lẻo; nạn nhân cũng khó thu thập chứng cứ nên việc thỏa thuận, hăm dọa theo “luật im lặng” là lựa chọn… tất yếu của những kẻ phạm tội.
Lỗ hổng pháp lý và hình phạt thích đáng
Tội phạm ấu dâm rất khó bị bắt quả tang nên hầu hết các vụ án thường bị chìm xuồng do thiếu chứng cứ. Năm 2003, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành chiến dịch “Dọc đất nước”, cho phép cảnh sát giăng bẫy kẻ tình nghi là tội phạm ấu dâm. Nhờ đó, đã giải cứu được 4.800 em và đưa hơn 2.000 đối tượng phạm tội tình dục với trẻ em ra trước vành móng ngựa.
Năm ngoái, cảnh sát Mỹ đã tóm được chính đồng nghiệp của mình là Christopher Dunkes (27 tuổi), khi đó đang làm việc tại Phòng cảnh sát Montgomery, Maryland. Dunkes đã tương tác với mẩu quảng cáo trên Craigslist, được đăng bởi một cảnh sát chìm ở Virginia đang đóng giả một bé gái 15 tuổi tại quận Prince William. Dunkes trao đổi những tin nhắn có nội dung tình dục với viên cảnh sát chìm và chủ động sắp xếp cuộc hẹn trong xe tuần tra.
Mỹ là quốc gia đứng thứ ba thế giới về tỷ lệ tội phạm tình dục, trong đó các nạn nhân bị xâm hại tình dục khi còn rất trẻ, với 40% dưới 18 tuổi và hơn 1/4 thiếu nữ ở độ tuổi học sinh từng bị cưỡng bức tình dục từ 14 tuổi. Cảnh sát Mỹ phải thừa nhận, giăng bẫy là cách hiệu quả nhất để đối phó với nghi phạm tấn công tình dục. Nếu không, khó có thể ngăn được việc vụ án bị chìm vào quên lãng, nạn nhân cũng im lặng vì không có chứng cứ thuyết phục.
Nhiều chuyên gia tâm lý và tội phạm học có cùng quan điểm, ấu dâm là một xu hướng tình dục lệch lạc bệnh hoạn khó từ bỏ. Kẻ ấu dâm cần bị theo dõi chặt sau khi thụ án. Tháng 10/2016, các nhà lập pháp Indonesia đã thông qua dự luật tăng khung hình phạt đối với tội phạm bạo lực tình dục trẻ em, cho phép tử hình hoặc thiến kẻ hiếp dâm trẻ em.
Từ năm 2013, Hàn Quốc đã áp dụng “thiến hóa học” với những kẻ bị kết tội ấu dâm tái phạm. Trên thế giới, một số quốc gia như Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Nga và một số bang của Mỹ cũng đã áp dụng hình phạt trên với tội phạm ấu dâm từ lâu.
Thiếu khung ràng pháp lý, thiếu sự nhận diện chính xác về hành vi tội ác này nên tội ấu dâm đang ngày càng tràn lan. Chỉ khi mọi người quyết tâm phá vỡ sự im lặng, vòng xoáy tội ác mới chấm dứt.
THIÊN NHƯ
(Theo Korea Times, Daily Mail, Kent Online, Neon Nettle, Florida Politics)
Ernie Allen, Chủ tịch Trung tâm Hỗ trợ trẻ em khỏi ngược đãi và mất tích của Mỹ, khuyến cáo các phụ huynh về việc bảo vệ con khỏi nạn tấn công tình dục:
- Nắm rõ lịch sinh hoạt của con và dành nhiều thời gian cho con là cách phụ huynh dựng hàng rào an toàn bảo vệ con tốt nhất. Những kẻ tấn công trẻ thường nhắm đến những đứa trẻ thiếu liên kết với gia đình.
- Kẻ tấn công có thể là bất cứ ai. Phụ huynh không nên chủ quan khi tự giới hạn đối tượng có thể lạm dụng trẻ và đặc biệt chú ý đến những kẻ có cách hành xử kỳ lạ với trẻ em, để nhận diện đối tượng có xu hướng chuộng hành vi tình dục với trẻ.
- Dạy con cách tự bảo vệ cơ thể. Chỉ cho con biết những vị trí nhạy cảm người khác không thể động chạm. Tôn trọng cảm xúc của con và khuyến khích con tôn trọng cảm xúc bản thân. Con có quyền thể hiện thái độ bất cứ khi nào không thoải mái.
- Nếu sự việc đáng tiếc xảy ra, không đổ lỗi cho trẻ, vì sẽ khiến trẻ giữ im lặng làm cho việc vạch mặt kẻ xấu trở nên khó khăn.
(Theo All Pro Dad)
|