Ấu dâm: bệnh về tâm lý hay hành vi phạm tội?

19/03/2017 - 14:51

PNO - Hiện nay, khái niệm ấu dâm chưa rõ ràng và còn nhiều quan điểm khác nhau về hành vi này. Nhiều người vẫn còn đặt dấu hỏi ấu dâm là bệnh về tâm lý hay hành vi phạm tội?

Theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM thì tại Việt Nam chưa có quy định pháp lý nào quy định ấu dâm là một loại bệnh. Do vậy, cũng chưa có quy định nào để hạn chế hành vi của họ khi đến gần trường học, mẫu giáo, nơi đông người… Trên thực tế, chưa có kết luận nào của bệnh viện kết luận bệnh nhân bị bệnh ấu dâm.

Luật sư Hùng cho biết: “Ấu dâm là bệnh hay hành vi phạm tội còn tùy quan điểm của mỗi người và tùy từng trường hợp của người thực hiện hành vi. Ở Việt Nam, quy định pháp lý về khái niệm ấu dâm chưa rõ ràng, và còn nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng ấu dâm là một căn bệnh về tâm sinh lý khi người bệnh tìm được sự hưng phấn tình dục lúc thấy trẻ em khỏa thân, được sờ mó hoặc tìm cách đụng chạm. 

 Tuy nhiên, về luật pháp ấu dâm được hiểu là các hành động lạm dụng tình dục trẻ em, vẫn bị xử lý hình sự. Để phân định ấu dâm là một loại bệnh hay là một hành vi phạm tội còn tùy thuộc vào khả năng nhận thức của người thực hiện hành vi. Nếu người này giả vờ hoặc nhận thức được hành vi này sai trái nhưng cố tình xâm hại thì vẫn bị xử lý về mặt hình sự.”.

Au dam: benh ve tam ly hay hanh vi pham toi?


Trong thời gian hành nghề, luật sư Trần Minh Hùng đã bảo vệ cho nhiều nạn nhân trong các vụ dâm ô với trẻ em, giao cấu với trẻ em, hiếp dâm trẻ em... những vụ này luôn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ, ổn định tâm lý trẻ, và sự bỏ cuộc của gia đình nạn nhân. Có những trường hợp, khi luật sư đang trong quá tình hoàn tất hồ sơ, gia đình sợ ảnh hưởng đến con cái mình về sau, sợ dư luận biết nên họ không muốn đưa vụ việc ra cơ quan nhà nước giải quyết nữa.

Luật sư Hùng chia sẻ: “Không ít trường hợp các bé gái rất nhỏ đã bị hiếp dâm, hoặc dâm ô. Trong quá trình cần nạn nhân cung cấp thông tin về vụ án, nếu như gia đình, luật sư, cơ quan điều tra không khéo léo sẽ vô tình khiến các em thêm tổn thương. Như trường hợp một bé gái đã đủ tuổi để nhận thức được nỗi đau của mình, em yêu cầu tôi dừng lại. Vì càng tiến hành kiện cáo, nỗi đau của em càng khuyết sâu, em đau đớn đến mức tự viết đơn bãi nại cho nghi can. Những vụ này làm tôi hết sức đau lòng nhìn sự ngây thơ của các em, tôi không cầm được nước mắt.”

Theo luật sư Hùng, vì chưa có quy định pháp lý cụ thể ấu dâm là một loại bệnh nên ngoại trừ những người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội. Hay những đối tượng thuộc quy định tại Điều 13 và Điều 43 Bộ luật hình sự theo pháp luật Việt Nam thì đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế chữa bệnh. Còn hành vi dâm ô trẻ em khi đã cấu thành thì kẻ thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Luật sư Hùng khẳng định, với hành vi ấu dâm nói chung (cho cả người có giấy chứng nhận bệnh ấu dâm) thì vẫn bị xử lý theo điều 116 Bộ luật hình sự đã quy định về Tội dâm ô với trẻ em. Tùy theo hành vi và hậu quả sẽ phải bị phạt tù từ sáu tháng đến 12 năm, thậm chí có thể chung thân.

Luật sư Hùng nhận định, đây là những loại tội phạm không những gây tổn thương cho nạn nhân mà còn cả cho gia đình và toàn xã hội. Tổn thương ở đây là cả về tinh thần, sức khỏe, tâm sinh lý và sự phát triển bình thường của nạn nhân. Những nạn nhân trong các vụ này thường là các trẻ em nữ còn rất nhỏ (thông thường dưới 12 tuổi). Độ tuổi này các em dễ bị dụ dỗ hay bị người thực hiện hành vi đe dọa nên sợ hãi không dám nói ra, hoặc không nhận thức được hành vi của người xâm hại mình.

Những vụ án này không những khó khăn cho luật sư mà còn khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền nếu không có chứng cứ, nhân chứng, vết thương, dấu vết trên nạn nhân... để buộc tội người có hành vi. 

Do vậy, cha mẹ nên quản lý và dạy dỗ, theo dõi các em kỹ trong cuộc sống. Người thực hiện hành vi không thể hiện ham muốn ra ngoài nên rất khó phát hiện họ có hành vi hay không. Vì vậy, khi con ra ngoài hay gửi con cho người giữ trẻ, gửi con tại trường,… cha mẹ cũng nên tìm hiểu kỹ về người mà mình gửi trẻ. 

Luật sư Hùng cho biết: “Khi phát hiện con mình bị xâm hại, ngay lập tức cha mẹ hãy đưa con đến các cơ quan công an gần nhất để trình báo và yêu cầu được đưa trẻ đi giám định. Nếu không được chấp nhận thì cha mẹ có thể trực tiếp đưa con mình tới các trung tâm, bệnh viện, cơ quan có thẩm quyền để giám định và lưu lại các chứng cứ, bằng chứng từ đó bảo đảm quyền lợi cho con mình.”

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI