ATM ngày càng vắng người rút tiền

20/11/2023 - 14:06

PNO - Chia sẻ tại hội nghị Tổ chức thành viên năm 2023 của Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), ông Phạm Anh Tuấn – Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng về số lượng và giá trị.

Nhu cầu rút tiền mặt tại ATM của người dân ngày càng giảm. Ảnh Thanh Hoa
Nhu cầu rút tiền mặt tại ATM của người dân ngày càng giảm - Ảnh: Thanh Hoa

Theo đó, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 49% về số lượng, giao dịch qua kênh internet tăng 60,30% về số lượng và 5,66% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,82% về số lượng và 9,71% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 105.33% về số lượng và 10.66% về giá trị. Riêng số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 15.24% về số lượng và 21.78% về giá trị. 

Trong năm 2023, hệ thống Napas xử lý bình quân hơn 20 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 52% số lượng và 12% về giá trị giao dịch. Đáng chú ý, số lượng giao dịch qua phương thức quét VietQR tăng 8 lần về số lượng và 4 lần về giá trị giao dịch so với năm 2022. Riêng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 62% về số lượng và 13% về giá trị.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, người dùng đang có xu hướng ưa chuộng và sử dụng dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 trong chi tiêu, thanh toán hàng ngày, không chỉ các giao dịch lớn tại các siêu thị hiện đại mà các giao dịch nhỏ lẻ tại chợ dân sinh, các điểm bán hàng rong. Bởi vì dịch vụ này cho phép chuyển và nhận tiền nhanh trong vòng 1 phút giữa các hệ thống ngân hàng.

Cũng do hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi nên nhu cầu rút tiền của người dân trên máy giao dịch tự động (ATM) tiếp tục giảm dần qua các năm. Trước đó, trong năm 2020, tỷ trọng rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống Napas là 26%, đến năm 2021 còn 12%, sang năm 2022 còn 6,56% và trong năm 2023 này, số lượng rút tiền trên ATM chỉ chiếm 3.6% tổng số giao dịch của toàn hệ thống.

Ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS - cho biết thêm, hiện nay đơn vị này đang tích cực phối hợp cùng các tổ chức thành viên đẩy mạnh các dự án kết nối quốc tế gồm mở rộng kết nối chuyển mạch thẻ Napas với tổ chức BC Card Hàn Quốc, kết nối thanh toán bằng mã VietQR với Thái Lan và Campuchia. Việc kết nối này sẽ giúp du khách Việt Nam du lịch tại nước ngoài hoặc ngược lại khi đến Việt Nam du lịch có thể sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán, rút tiền mặt. “Khi kết nối với BC Card Hàn Quốc, khi sang nước này du lịch, khách có thể sử dụng thẻ Napas do các ngân hàng trong nước phát hành để chi tiêu ở mạng lưới hơn 3 triệu máy POS (máy quẹt thẻ), có thể rút tiền mặt hơn 30.000 ATM của BC Card tại Hàn Quốc” – ông Nguyễn Quang Hưng ví dụ.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt vào dịp cuối năm trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM – cho biết, các hoạt động thanh toán, rút tiền của người dân trên địa bàn TPHCM đã có những thay đổi rõ nét. Dịp cuối năm, không còn hiện tượng người dân, công nhân tại các KCN-KCX xếp hàng dài để rút tiền tại máy ATM mà thay vào đó là thanh toán qua máy POS, qua mã QR, chuyển khoản.

Nếu nhìn 10-20 năm trước đây, tại các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ lắp 1-2 máy POS cho 1 luồng thanh toán, còn lại chủ yếu vẫn là thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên hiện nay, việc thanh toán không tiền mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại phổ biến hơn, hầu hết các quầy thanh toán đề đặt máy POS, bảng mã QR để người dân lựa chọn. Tuy nhiên, để hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được phát triển nhanh hơn nữa, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cần quan tâm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn để người dân nắm rõ tiện ích này.

Ông Nguyễn Đức Lệnh đề xuất, dịp cuối năm nhu cầu thanh toán sẽ tăng cao, các siêu thị nên tổ chức sắp xếp lại hoạt động thanh toán cho phù hợp với các hình thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc không tiền mặt cho hợp lý để tránh thời gian chờ đợi, xếp hàng. Nếu khách thanh toán bằng tiền mặt nên tổ chức riêng 1-2 luồng thanh toán, còn lại chủ yếu là các luồng thanh toán bằng không tiền mặt để khách biết khu vực mà xếp hàng. Giải pháp này không mới nhưng nếu thực hiện sáng tạo, thường xuyên thì sẽ góp phần mở rộng thanh toán không tiền mặt.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI