Bớt bát phở, trao cơ hội đến trường
Nhận 500.000 đồng từ cây “ATM 1.000 đồng” của xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), em Vi Thanh Tuyền - học sinh lớp Năm, Trường tiểu học Tam Hợp - nói rằng, số tiền này cơ bản đủ để em mua sách vở, quần áo cho năm học mới. Tuyền là chị cả trong gia đình có 4 chị em thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Ít năm trước, mẹ Tuyền qua đời khiến khó khăn của gia đình càng thêm chồng chất. Tuyền vừa đi học, vừa phải chăm các em để cha có thời gian lên rẫy trồng sắn, lấy măng… kiếm cái ăn cho cả nhà. Đường đến trường của em vì thế cũng hết sức gian nan.
|
Hội LHPN xã Tam Hợp thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ hằng tháng cho cháu Viêng Thị Hoài Thương - ẢNH: PHAN NGỌC |
Để tiếp thêm động lực cho Tuyền, đầu năm 2023, xã Tam Hợp nhận Tuyền làm con đỡ đầu, hỗ trợ 500.000 đồng mỗi tháng. Đây là số tiền được trích ra từ quỹ “ATM 1.000 đồng”, do các đảng viên trong xã đóng góp theo lời vận động “mỗi đảng viên bớt đi bát phở để hỗ trợ người khó khăn”. Ông Lương Phi Thanh - Chủ tịch UBND xã Tam Hợp - cho biết, xã có 208 đảng viên ở 11 chi bộ.
Từ năm 2022 đến nay, các chi bộ đều có “ATM 1.000 đồng” để quyên góp hỗ trợ những gia đình khó khăn. Đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức được vận động bỏ vào “cây ATM” 1.000 đồng mỗi ngày. Những đảng viên còn lại có thể đóng góp tùy vào khả năng của mình.
“Thường thì mọi người khi đến sinh hoạt hằng tháng sẽ góp vào thùng ATM một lần cho tiện. Dù còn khó khăn nhưng mọi người đều nhiệt tình tham gia. Người ít thì 30.000-50.000 đồng, cũng có nhiều người ủng hộ 100.000-200.000 đồng” - ông Thanh nói. Hằng tháng, số tiền quyên góp được xã tổng kết, lên phương án sử dụng một cách minh bạch, công khai. Đến nay, những “ATM” đặc biệt nơi rẻo cao này đã giúp 2 gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn xóa nhà tranh tre tạm bợ, hỗ trợ 10 học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn 500.000 đồng/tháng.
Là mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ, chị Viêng Thị Nhàn - 42 tuổi, trú bản Phồng, xã Tam Hợp - nói rằng, gia đình chỉ biết nhìn vào mấy vạt rẫy lúc được, lúc mất, nên rất khó để nuôi các con đi học. Hơn 1 năm qua, cháu Viêng Thị Hoài Thương (5 tuổi) được xã hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, đã phần nào giúp chị Nhàn giảm bớt gánh nặng. “Được xã hỗ trợ tiền cho con đi học tôi mừng lắm” - chị Nhàn thật thà.
“Xã Tam Hợp có hơn 500 hộ dân, một nửa vẫn đang thuộc diện hộ nghèo. Bởi vậy, “cây ATM 1.000 đồng” giúp chia sẻ, gắn kết, đoàn kết hơn nữa giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số ở xã biên giới Tam Hợp. Xã hiện có 17 học sinh mồ côi có hoàn cảnh rất khó khăn. Hội Phụ nữ cũng huy động hội viên mỗi người bớt đi một khoản tiêu vặt hằng tháng để đỡ đầu cho 1 nữ sinh 13 tuổi” - chị Vi Thị Yếm - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Hợp - cho biết.
Gắn kết đảng viên với dân nghèo
Chỉ tay vào ngôi nhà rộng chừng 60m2 bằng gỗ chắc chắn, ông Xồng Bá Lù - 65 tuổi, trú bản Phà Lõm, xã Tam Hợp - nói rằng: “Rứa là yên tâm rồi, không lo phải chạy trú mỗi khi mưa nữa. May có chi bộ hỗ trợ sửa lại chứ không biết khi mô ta mới sửa lại nhà được”. Ông Xồng Bá Chơ - Trưởng bản Phà Lõm - cho biết, ông Lù thuộc diện đặc biệt khó khăn, ngôi nhà cũ đã hư hỏng nặng, có nguy cơ đổ sập nên được chi bộ bản ưu tiên hỗ trợ 30 triệu đồng dựng lại nhà từ quỹ “ATM 1.000 đồng”.
Đầu năm 2024 vừa qua, chi bộ bản huy động đảng viên, người dân hỗ trợ ông Lù tháo dỡ ngôi nhà cũ, tận dụng lại số gỗ còn tốt và mua thêm gỗ để dựng lại nhà mới. “Dựng xong nhà mới cho ông Lù, ai cũng vui, cũng chúc mừng. Bản có 22 đảng viên, ai cũng tham gia nhiệt tình. Chúng tôi cũng động viên nhau duy trì để cố gắng mỗi năm sửa nhà cho một hộ nghèo, hoặc ít quá thì hỗ trợ con giống” - ông Chơ cho biết.
|
Hòm quỹ “ATM 1.000 đồng” được gắn ở các chi bộ đảng trên địa bàn huyện Tương Dương - ẢNH: LƯƠNG THANH |
Nhờ tính nhân văn cao cả mà mô hình “ATM 1.000 đồng” nhanh chóng được nhân rộng đến nhiều đảng bộ, chi bộ các bản ở huyện Tương Dương. Tùy vào thực tế, các chi bộ sẽ sử dụng nguồn tiền thu được để hỗ trợ các em học sinh mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ khả năng đến trường; hỗ trợ xóa nhà tranh tre dột nát; tặng cây giống, con giống để bà con phát triển sản xuất.
Ông Lô Thanh Tuân - Chủ tịch UBND xã Tam Thái, huyện Tương Dương - cho biết, không chỉ đảng viên mà nhiều người dân ở xã Tam Thái cũng nhiệt tình tham gia. Dù mới triển khai, song xã này đã góp được hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương, đến nay đã có hơn 250 chi bộ khối, bản làng và các cơ quan, trường học tham gia mô hình “ATM 1.000 đồng”. Nguồn quỹ từ các “ATM” đặc biệt này đã hỗ trợ cho gần 170 em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập. Hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ sửa sang lại nhà cửa, hỗ trợ cây, con giống… để phát triển kinh tế. Ngoài việc gây quỹ, mỗi cán bộ, đảng viên ở huyện Tương Dương còn được kêu gọi giúp đỡ cho một hộ nghèo. Nhờ vậy, uy tín của cán bộ với người dân cũng ngày một tăng cao.
Ông Lương Bá Vin - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương - cho biết, mô hình “ATM 1.000 đồng” đang được thực hiện đồng loạt ở các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn với mục đích để đảng viên thêm gắn kết với nhân dân. “1.000 đồng chẳng to tát gì nhưng sức lan tỏa của phong trào rất lớn, tạo được uy tín giữa nhân dân với cán bộ, đảng viên.
Đây cũng là cách để cán bộ, đảng viên gần gũi, thể hiện trách nhiệm của mình với nhân dân, nhất là những người yếu thế. Còn về người dân, khi thấy mình được quan tâm, hỗ trợ, nhiều người cũng dần thêm tin tưởng vào cán bộ, đảng viên hơn” - ông Vin nói.
Phan Ngọc