|
Hàng ngàn người đội nắng lên đồi Acropolis |
Đừng để nắng hè thiêu đốt ngăn bạn lên đồi Acropolis
Tôi thực hiện chuyến đi Hy Lạp với điểm đến đầu tiên là Athens. Người bạn đồng hành bảo tôi rằng sau dịch COVID-19, Hy Lạp là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có nền kinh tế du lịch hồi phục nhanh chóng nhất. Riêng tại thủ đô Athens, hằng ngày, có hơn 16.000 du khách từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng Acropolis. Acropolis có nghĩa là vệ thành hay thành phòng thủ. Ngày nay, danh tiếng Acropolis của Athens khiến nhiều người (trong đó có tôi) lầm tưởng rằng chỉ có Athens mới có Acropolis nhưng sự thật là nhiều thành bang của Hy Lạp ngày xưa cũng có vệ thành riêng.
Suy bụng ta ra bụng người, tôi đoán trong số mười mấy ngàn người leo lên đồi Acropolis mỗi ngày, hẳn đã có nhiều người muốn bỏ cuộc trước khi xuất phát. Nguyên nhân là cái nắng mùa hè thiêu đốt, đường đi không có nhiều bóng cây to, cộng thêm giá vé vào cổng khá “chát” (20 euro - khoảng 500.000 đồng). Thế nhưng, những ai chiến thắng bản thân trong cuộc đấu tranh tâm lý ấy đều có được phần thưởng xứng đáng.
|
Những hàng cột đá theo phong cách Doric sừng sững vươn lên trời xanh |
Lên đến đỉnh đồi (cao khoảng 150m so với mực nước biển), chứng kiến di tích đền đài kỳ vĩ được tạo tác từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên và nhìn xuống toàn cảnh thành phố nhỏ bé thật là một trải nghiệm khó quên. Trên bề mặt ngọn đồi rộng chừng 3ha này là nơi tập hợp nhiều công trình tiêu biểu như cổng Propylaea; đền Erechtheion, đền Athens Nike, đền Partheno… được xây dựng theo phong cách kiến trúc Doric; có thể dễ dàng nhận thấy thông qua những cột đá tròn uy nghi, mạnh mẽ, không đế, không hoa văn trang trí trên đầu cột. Thức cột đó do người Dorian sáng tạo và là 1 trong 3 thức cột đặc trưng nhất của kiến trúc Hy Lạp cổ đại.
Chúng tôi ở Athens hơn 10 ngày, phần vì muốn đi chậm, phần vì vật giá ở Hy Lạp vẫn tương đối dễ chịu so với các nước Bắc Âu, Tây Âu. Dư dả thời gian nên thay vì mua vé riêng để vào Acropolis, chúng tôi mua vé 30 euro để tham quan nhiều di tích tương tự (Hadrian’s Library, Ancient Agora…). Hầu hết những điểm này đều khá gần nhau, có thể đi bộ nên không mất quá nhiều thời gian. Điểm cộng của những nơi này là khá vắng vẻ, không phải chen chúc giữa dòng người đông đúc như trên đồi Acropolis, cho phép bạn đi chậm, thư thả ngắm nghía.
Đến Plaka thưởng thức món ngon dưới những tán cam
|
Khung cảnh gợi nhớ bìa sách Cây cam ngọt của tôi |
Cách Acropolis một trạm metro là Plaka - khu phố cổ của Athens, giờ là nơi tập trung những cửa hàng lưu niệm bán đủ thứ vui mắt, nhà hàng, quán cà phê nhỏ xinh nằm nép mình dưới những tán hoa giấy đặc trưng của Hy Lạp. Ngoài hoa giấy, tôi còn thích lang thang ngắm nghía và chụp hình những cây cam. Khi đi ngang cây cam nhỏ phía trước một cửa hiệu nọ có tường sơn màu nâu đỏ, tôi chợt nhớ đến bìa sách Cây cam ngọt của tôi của tác giả người Brazil José Mauro de Vasconcelos. Nhớ xong tôi tự cười mình bởi có liên quan gì đâu chứ. Nhưng có hề gì, cảm xúc luôn có lý lẽ riêng.
Đi qua đi lại đến mỏi chân, ngắm nghía hàng quán, chỗ nào cũng được bài trí xinh xắn, cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở một nhà hàng có những cây cam đang trĩu trái. Đến thành phố biển, tôi định ăn một bữa hải sản cho thỏa lòng. Có vẻ nơi đây ưa chuộng cách chế biến đơn giản để giữ nguyên hương vị tự nhiên của nguyên liệu. Bởi thế, đa số món đều là nướng (bạch tuộc nướng, mực nướng…) hoặc cắt khoanh chiên giòn, ăn kèm rau củ tươi hoặc khoai tây chiên. Trong số các món nướng, tôi thích cá tráp vì khá tươi, thơm, béo và ngọt thịt.
|
Dạo phố Plaka với cây kem mát lạnh trong tay là trải nghiệm khó quên |
Những ai là tín đồ của phô mai và các loại thịt nướng xiên que hẳn sẽ vô cùng hài lòng khi đến Plaka. Bạn sẽ thường xuyên bắt gặp trên đường hình ảnh du khách hoặc người dân địa phương tay cầm một chiếc gyros vừa đi vừa ăn trông thật thèm. Gyros có lớp vỏ bên ngoài là bánh mì pita (bánh mì tròn, dẹp), bên trong là thịt (gà, heo…) nướng xiên, thêm vài lát cà chua, hành tây, xà lách… Còn có thêm khoai tây chiên trong nhân, khá lạ, nhưng ngon miệng. Nếu ăn tại chỗ, bạn có thể gọi một phần gyros được dọn trong dĩa, nhìn rất đầy đặn, hoàn toàn có thể trở thành bữa chính chứ không chỉ là 1 món ăn vặt. Bạn đang nghĩ liệu những món nướng, chiên này có khiến mình nặng bụng? Giải pháp là gọi thêm 1 ly bia Mythos (thương hiệu bia nổi tiếng của Hy Lạp) vừa mát lạnh, vừa tốt cho hệ tiêu hóa.
Nhưng, Plaka đâu chỉ là điểm đến của những chiếc bụng đói. Tôi đã lang thang hàng giờ liền khắp các con đường nhỏ nơi đây, say mê ngắm nghía những món đồ da. Từ giày đến ví tiền, túi xách… đều rất có gu. Tôi mân mê cầm lên đặt xuống mấy lượt, cuối cùng cũng phải rút ví 100 euro để mang về 1 chiếc ba lô màu đỏ anh đào, tự “biện hộ” rằng “món đồ này đâu chỉ để làm kỷ niệm, mình cần nó cho những chuyến đi”. Và quả vậy, đến nay, chiếc ba lô ấy đã theo chân tôi trong nhiều hành trình liên tục, đi Hydra, đến Lake Balaton, sang Amsterdam, về Việt Nam… “Kỷ niệm” ấy trộm vía khá bền, càng dùng càng lên màu, thứ màu đặc biệt mà thời gian chính là thợ nhuộm.
Trời xanh, nước mát, không đi biển thì làm gì?
|
Một góc bãi biển ở Alimos |
Chúng tôi dành 2 ngày ở Athens để đi tắm biển ở Alimos và ở Piraeus. Piraeus là một thành phố cảng thuộc vùng Attica, cách trung tâm Athens khoảng 30 phút đi metro nhưng từ ga tàu phải đi bộ một đoạn khá xa hoặc đi taxi chừng 5-7 phút mới tới được bến cảng, bãi biển và khu ăn uống. Theo quan sát, có vẻ Piraeus thu hút nhiều dân địa phương hơn Alimos, vật giá dễ chịu hơn nhiều. Nếu ở Alimos mỗi người phải trả 15 euro cho một giường tắm nắng trên bãi biển thì ở đây, giá chỉ bằng một nửa. Cà phê, kem và nhiều thức uống khác cũng thế. Tuy vậy, những nhà hàng hải sản nhìn ra bến cảng lại khá đắt đỏ.
Trong lúc ngồi trông cậu con trai nhỏ nghịch nước, tôi tranh thủ ngắm người và cảnh. Tôi giữ hoài trong đầu hình ảnh một cụ bà có mái tóc bạc phơ, cơ thể đầy nếp nhăn, mặc bikini da beo thời trang, dáng đi thong dong… Nhìn bà, tôi thầm ước đến tuổi ấy, cơ thể vẫn còn khỏe mạnh, tâm hồn vẫn còn tự do để ung dung diện bikini đi tắm biển. Cũng có thể không chỉ riêng bà mà ở tuổi đó, người ta chẳng còn quan tâm đến việc ai đó nhìn và bàn tán gì về mình. Dường như tôi đã để tâm trí mình đi quá xa. Có lẽ nên quay về với thực tại là tôi có một ly kem mát lạnh trong tay, biển xanh trước mắt, trời cao trên đầu và những Santorini, Mykonos, Corfu… đang chờ phía trước.
Bài và ảnh: Cúc T.