ASIAD 2018: Ý nghĩa khác của giọt nước mắt

24/08/2018 - 06:48

PNO - Sau 6 ngày thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2018 tổ chức tại Indonesia, đoàn thể thao Việt Nam vẫn chưa chạm đến mục tiêu về số huy chương vàng vì nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

ASIAD 2018: Y nghia khac cua giot nuoc mat
Bốn cô gái mang huy chương vàng đầu tiên đến cho Việt Nam tại Asiad 18

Giữa áp lực thành tích đặt ra của Liên đoàn Thể thao Việt Nam, sự kỳ vọng của người hâm mộ, và cả tâm lý buộc phải vượt qua chính mình, các vận động viên đã có một kỳ mang chuông đi đánh xứ người không thành công như mong đợi.

Những nỗ lực của các chàng trai, cô gái vàng như Thúy Vi (wushu), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Thị Thật (xe đạp nữ)... đều không mang lại huy chương vàng đúng như kỳ vọng ban đầu.

Thất bại của họ tại Asiad 2018 đem đến một cảm giác nặng nề dai dẳng cho đoàn thể thao Việt Nam trong suốt 4 ngày đại hội diễn ra kể từ hôm 18/8 đến 22/8.

Nhìn ra một số đoàn khác tại Đông Nam Á, Malaysia, Singapore, Philippines mỗi quốc gia đều đã có 1 huy chương vàng. Trong khi đó, dù giành được tổng cộng 9 huy chương các loại, nhiều hơn cả hai đoàn trên cộng lại, Việt Nam vẫn phải xếp sau.

ASIAD 2018: Y nghia khac cua giot nuoc mat
Ánh Viên cán đích với thời gian 4 phút 42 giây 81. Thành tích này chỉ giúp Ánh Viên đứng thứ 5

Sau mỗi trận đấu thất bại của Việt Nam tại đấu trường châu lục vốn dĩ khốc liệt, người ta vẫn có thể nhận ra những giọt nước mắt tiếc nuối của các vận động viên nước nhà âm thầm rơi xuống. Không rõ là thất vọng, xót xa, hay tiếc nuối.

Nhưng chắc chắn giọt nước mắt ấy chất chứa rất nhiều nỗi buồn, không chỉ vì những nỗ lực đã không được đáp đền xứng đáng, mà còn bởi những day dứt từ bên trong họ, khi không thể chiến thắng chính mình ngày hôm qua.

Vì vậy, niềm vui của buổi sáng 23/8, đến từ chiếc huy chương vàng đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 18 ở bộ môn rowing, chẳng khác nào niềm vui của một cơn nắng hạn gặp mưa rào. Và nó lại xuất phát từ 4 cô gái nhỏ bé bên những mái chèo mảnh dẻ của họ: Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo, những cô gái đã mang về tấm huy chương vàng lịch sử của rowing Việt Nam tại Á vận hội, sau thành tích cao nhất của đội tuyển rowing tại các kỳ ASIAD là vào năm 2014 với 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. 

ASIAD 2018: Y nghia khac cua giot nuoc mat
Tiếng hát quốc ca cất lên từ trong khát khao chiến thắng để mang vinh quang về cho đất nước

Chiến thắng này không chỉ đem lại một bước thăng hạng đáng kể cho đoàn thể thao Việt Nam trên bảng tổng sắp huy chương (xếp thứ 13 với 1 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 7 huy chương đồng), mà còn xốc lại tinh thần thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam sau những ngày ủ ê chìm đắm trong nỗi buồn thất bại.

Có một điều không mấy lạ đã xảy ra sau chiến tích của 4 cô gái vàng. Đó là những giọt nước mắt thi nhau rơi xuống trên gương mặt họ. Thậm chí có lúc họ đã khóc váng lên như những đứa trẻ, tiếng khóc lẫn trong tiếng reo hò cổ vũ của đồng đội đứng dọc bờ sông, chạm đến tim của bất cứ ai có mặt gần đó. 

Cho đến khi lá cờ Việt Nam lần đầu tiên được kéo lên ở vị trí cao nhất tại đại hội thể thao lớn nhất châu lục, và tiếng hát quốc ca khảng khái vang lên át đi tiếng nấc nghẹn ngào, người ta mới chợt hiểu hết ý nghĩa của những giọt nước mắt: họ đã chờ đợi giây phút này, trong mòn mỏi, từ lâu lắm rồi. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI