Asean nỗ lực tìm tiếng nói chung về Biển Đông

24/04/2013 - 19:55

PNO - PN - Trong hai ngày 24 và 25/4, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra tại thủ đô của Brunei với chủ đề “ASEAN, người dân và tương lai của chúng ta” sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và an ninh, đặc biệt nỗ lực hàn gắn...

Các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN sẽ thảo luận những nội dung như: định hướng ưu tiên của ASEAN trong năm 2013 và định hướng ưu tiên của ASEAN từ nay cho đến 2015 và sau 2015 tập trung vào trọng tâm ưu tiên là đẩy nhanh lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015; làm sao phát huy được vai trò chủ đạo của ASEAN trong các vấn đề quan trọng của khu vực...

Tại Hội nghị này, ASEAN sẽ lần nữa xác nhận cam kết bảo đảm giải pháp hòa bình cho xung đột ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế mà không viện đến việc đe dọa hay sử dụng vũ lực. Hãng thông tấn AP đưa tin, một bản dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị sẽ kêu gọi sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) - một văn kiện có tính ràng buộc mà ASEAN mong muốn thay thế cho Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC) ký với Trung Quốc năm 2002 vốn không có hiệu quả trong việc chấm dứt những vụ đụng độ do tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển này.

Asean no luc tim tieng noi chung ve Bien Dong

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại phiên họp trù bị cho Hội nghị Cấp cao của khối năm 2013

Sau Hội nghị cấp cao ASEAN 2012 tại Campuchia, khi mà 10 thành viên của tổ chức này không thể ra tuyên bố chung do sự cản trở của nước chủ nhà trong vấn đề Biển Đông, ASEAN đang cố gắng tìm lại tiếng nói chung về vấn đề này. Một điều thuận lợi so với Hội nghị Phnôm Pênh năm 2012 là Brunei - nước chủ tịch ASEAN 2013 - đã khẳng định, một trong những ưu tiên của họ năm nay nhất trí về COC có tính ràng buộc giữa khối này với Trung Quốc vào cuối năm. Hai tuần trước, hội nghị các ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Brunei cũng tập trung vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ngay trước thềm Hội nghị, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng ASEAN cần tạo ra một mặt trận thống nhất về Biển Đông: “ASEAN chỉ có thể ảnh hưởng tới các diễn biến nếu chúng ta mạnh mẽ. Chúng ta cần thống nhất”, ông nói.

Tuy nhiên, hiện các quan chức Trung Quốc chưa có dấu hiệu rõ ràng về thời điểm sẵn sàng tham gia thảo luận về COC, họ từ chối đưa vấn đề tranh chấp ra diễn đàn quốc tế và đòi đàm phán song phương với từng nước tuyên bố chủ quyền. Vì thế, giới quan sát tỏ ra thận trọng về khả năng có thay đổi đột biến trong vấn đề COC.

Thụy Vũ (Reuters, TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI