ASEAN họp thường niên, vấn đề Biển Đông được xem trọng

09/09/2020 - 12:44

PNO - Các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu cuộc họp thường niên vào ngày 9/9, chương trình nghị sự gồm vấn đề Biển Đông và COVID-19.

Các cuộc họp kéo dài đến ngày 12/9, được tổ chức qua internet. Ban đầu, sự kiện dự kiến diễn ra ​​vào đầu tháng 8 tại Hà Nội.

Đại dịch COVID-19 có khả năng sẽ chi phối phần lớn cuộc đàm phán, như được nhấn mạnh trong dự thảo thông cáo chung, dự kiến ban hành vào cuối cuộc họp.

Đại dịch, Biển Đông và người tị nạn là ba vấn đề nổi bật thu hút sự quan tâm của cộng đồng ASEAN.
Đại dịch, Biển Đông và người tị nạn là ba vấn đề nổi bật thu hút sự quan tâm của cộng đồng ASEAN

Trong dự thảo, các bộ trưởng thừa nhận "tác động nặng nề và đa chiều" từ đại dịch.

Tuy nhiên, các bộ trưởng cũng bày tỏ sự lạc quan về khả năng phục hồi nhanh chóng sau thảm họa của đại dịch nhờ sự "dũng cảm và tự cường" của các nước thành viên và sự hỗ trợ từ các đối tác bên ngoài ASEAN.

Một trong những vấn đề khác có thể sẽ được thảo luận là Biển Đông, nơi căng thẳng gia tăng do gần đây Mỹ chính thức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi và phần lớn diện tích vùng biển.

Biển Đông là nơi có những tuyến vận tải nhộn nhịp nhất thế giới. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đơn phương xây dựng các đảo nhân tạo với cơ sở hạ tầng quân sự, bất chấp sự phản đối của một số nước ASEAN bị xâm phạm chủ quyền.

Mặc dù chưa được nhất trí hoàn toàn, một phần của dự thảo thông cáo đề cập đến "những lo ngại của các ngoại trưởng về hoạt động bồi đất, hành động quân sự  và các sự cố nghiêm trọng ở Biển Đông".

Tuyên bố nói rằng những diễn biến này "đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực".

Dự thảo cũng đề cập đến việc người Hồi giáo Rohingya đang trú ẩn tại một số nước ASEAN, sau khi chạy trốn khỏi bang Rakhine ở phía tây Myanmar đến nước láng giềng Bangladesh để thoát khỏi một cuộc đàn áp quân sự nhằm vào quân nổi dậy.

Kể từ tháng 8/2017, hơn 740.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh. Các nỗ lực quốc tế để hồi hương họ đã thất bại cho đến nay, vì những người tị nạn vẫn lo sợ bạo lực ở Myanmar.

Sau cuộc họp của các ngoại trưởng sẽ là một loạt các cuộc họp liên quan có sự tham gia của các nước đối tác ASEAN, như Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Ngày 12/9 sẽ diễn ra Diễn đàn Khu vực ASEAN, một hội nghị về chủ đề an ninh có sự tham gia của cả Triều Tiên.

Linh La (theo Kyodo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI