ASEAN 24 nóng vấn đề Biển Đông

12/05/2014 - 02:03

PNO - PN-Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, với chủ đề Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế ở chỗ, lần đầu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 11/5, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, với chủ đề Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị và có bài phát biểu quan trọng về Biển Đông.

 ASEAN 24 nong van de Bien Dong

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar - Ảnh: AFP

“Nóng” trước giờ khai mạc
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar thực tế đã nóng lên từ trước giờ khai mạc, khi truyền thông quốc tế và khu vực không ngừng đưa tin tức liên quan đến giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) của Trung Quốc (TQ) tại thềm lục địa Việt Nam. Câu chuyện chính thức được đặt ra sau buổi họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức ngày 7/5, thế giới thấy rõ sự thật không thể chống cãi, với các hình ảnh và video đầy thuyết phục về thái độ ngang ngược của phía TQ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Hội nghị ASEAN 24 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế ở chỗ, lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, ASEAN ra một tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Tuyên bố riêng thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung, đồng thời khẳng định mạnh mẽ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và của ASEAN.

Bên cạnh đó, Hội nghị tập trung bàn việc triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển của cộng đồng sau năm 2015. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng tập trung trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó tình hình trên Biển Đông là vấn đề “nóng” được tập trung thảo luận.
ASEAN 24 nong van de Bien Dong
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan rài phép trên vùng biển Việt Nam đã đe dọa hòa bình, ổn định tại Biển Đông (ảnh: Xinhua)

Tuyên bố về Biển Đông mang tính cấp bách
Các bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các sự việc phức tạp hiện nay ở Biển Đông, các hành động xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là trái với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Tuyên bố chung của các bên về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC), đã làm gia tăng căng thẳng và phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Các bộ trưởng đều nhấn mạnh, trước tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, ASEAN cần phải kịp thời thể hiện lập trường chung nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, ngăn ngừa gia tăng căng thẳng. Đó là lý do ra đời Tuyên bố riêng về Biển Đông.

Bắc Kinh đã "giãy nảy" với “Tuyên bố riêng của các bộ trưởng ngoại giao về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông”. Trong một thông báo được đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao TQ, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Hội nghị AMM thông qua Tuyên bố riêng về Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh đã phát biểu cho rằng “Biển Đông không phải là vấn đề giữa TQ và ASEAN”, đồng thời khẳng định “một số nước đã lợi dụng vấn đề Biển Đông để chia rẽ sự hợp tác hữu nghị giữa TQ với ASEAN”.

Mối đe dọa từ những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn báo chí tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 tại Myanmar, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói: “Việc TQ gây hấn ở Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết để đi đến đồng thuận trong nội bộ khối và nhấn mạnh: “Rất đáng khích lệ là ASEAN, trong tình hình khó khăn hiện nay, đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, sự nhất trí, trung thành với nguyên tắc sáu điểm chỉ đạo nguyên tắc ứng xử của ASEAN trong vấn đề biển Đông, thể hiện trong tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao vừa thông qua”.

Một trong các quốc gia bày tỏ sự bức xúc trong việc tìm kiếm giải pháp chung trong quan hệ ASEAN - TQ là Philippines. “Vấn đề Biển Đông sẽ trở thành tâm điểm các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN”, ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, tuyên bố trước phiên khai mạc Hội nghị ASEAN 24.
 
Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã phát biểu hối thúc lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đối phó với mối đe dọa từ những tuyên bố chủ quyền liên tiếp đối với hầu hết vùng Biển Đông của TQ. Ông Aquino nói: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh, duy trì và tuân thủ luật pháp trong việc giải quyết các vấn đề lãnh thổ để quyền của mọi quốc gia có liên quan sẽ được thừa nhận và tôn trọng. Bước đi này phản ánh niềm tin của chúng tôi rằng một vấn đề có ảnh hưởng tới mọi quốc gia trong khu vực không thể được giải quyết một cách hiệu quả chỉ qua đàm phán song phương”. Tổng thống Aquino nhấn mạnh vấn đề này có liên quan tới an ninh của cả khu vực Đông Nam Á.

Dưới tiêu đề “ASEAN thống nhất chống lại TQ”, tờ Manila Bullettin của Philippines nêu rõ: Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar là một “cơ hội vàng” để Philippines và Việt Nam “phối hợp phơi bày các hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của TQ”. Tờ báo viết, đã đến lúc ASEAN cần đưa ra quan điểm rõ ràng, cụ thể với tư cách là một hiệp hội ở khu vực để lên tiếng phản đối các hành vi hiếu chiến của TQ đối với mỗi thành viên của mình.

HOÀNG DIỆU (Theo Reuters, AFP, Chinhphu.vn, Xinhua)
 

Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tình hình Biển Đông hiện nay có bốn điểm:

1. Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực.

2. Các bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

3. Các bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố cấp cao ASEAN - TQ lần thứ 15 kỷ niệm Tuyên bố chung của các bên về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC).

4. Các bộ trưởng đồng thời kêu gọi các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

(Nguồn: asean2014.gov.mm)

 
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI