PNO - Chỉ hai tháng sau khi người vợ yêu dấu qua đời, đạo diễn Arthur Hiller cũng đã sang thế giới bên kia. Vị cựu Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ mất ngày 17/8 ở tuổi 93.
Là một trong những đạo diễn kỳ cựu ở Hollywood, tên tuổi Arthur Hiller gắn liền với bộ phim đẫm nước mắt Love Story trong sự nghiệp điện ảnh trải dài năm thập niên với hơn 30 bộ phim. Love Story luôn có tên trong danh sách những bộ phim kinh điển của thế giới. Trước đó, hãng Paramount gặp khó khăn về tài chính nên quyết định không đưa vào sản xuất bộ phim này.
Rất may, nhà sản xuất Robert Evans lúc ấy đang theo đuổi cô đào Ali MacGraw (vai chính trong Love Story) muốn dùng kịch bản này (biên kịch Erich Segal) để lấy lòng người đẹp. Paramount chịu triển khai dự án với điều kiện Robert Evans phải cam kết phim chỉ được làm với hai triệu đô la Mỹ và đề nghị Erich Segal phát triển thành tiểu thuyết để góp phần lăng xê phim. Cuốn tiểu thuyết Love Story phát hành vào dịp lễ Tình nhân năm 1970 lập tức trở thành quyển sách bán chạy nhất, tạo đà cho phim khi trình chiếu thu hơn 106 triệu USD (tương đương khoảng 665 triệu USD hiện nay). Đây là trường hợp hiếm hoi và gần như duy nhất trong lịch sử điện ảnh mà tiểu thuyết ăn khách ra đời từ kịch bản phim trước khi phim đó phát hành.
Đạo diễn Arthur Hiller cùng cặp đôi diễn viên Ryan O'Neal - Ali MacGraw - Ảnh: AP
Dưới bàn tay đạo diễn của Arthur Hiller, chuyện tình bi thương, không môn đăng hộ đối giữa chàng trai nhà giàu Oliver Barret IV (Ryan O’Neal thủ vai) và cô sinh viên nghèo Jennifer Cavilleri (Ali MacGraw đóng) trong Love Story khiến khán giả không cầm được nước mắt. Người ta không quên những giai điệu du dương, ca từ ngọt ngào của ca khúc chủ đề phim. Câu thoại nổi tiếng “Love means never having to say you're sorry" (Yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc) cũng ăn sâu trong ký ức người xem, thậm chí đi vào danh ngôn tình yêu. Nếu Arthur Hiller có công tạo nên một Love Story lãng mạn trên màn ảnh rộng thì ngoài đời, ông cũng làm mọi người ngưỡng mộ với chuyện tình của mình và vợ, bà Gwen Pechet.
Arthur Hiller và Gwen Pechet cùng chào đời ở Edmonton, Alberta, Canada. Bà sinh trước ông 10 ngày (ngày 12/11/1923), cả hai cùng là con út trong nhà (gia đình Arthur có ba con, nhà Gwen có 10 con) và là bạn học của nhau. Ít ai biết Arthur Hiller đã cầu hôn cô bạn học Gwen Pechet của mình từ năm... tám tuổi! 17 năm sau đó, lời cầu hôn tưởng chừng là trò đùa của trẻ con kia đã trở thành sự thật khi cả hai cùng thề nguyền gắn bó bên nhau suốt đời tại lễ cưới năm 1948. Bà đã đợi ông hoàn thành nghĩa vụ trong lực lượng không quân hoàng gia, sau đó lấy xong tấm bằng của Đại học Toronto, mới gật đầu “theo chàng về dinh”.
Bà Gwen Hiller cũng trang bị cho mình tấm bằng của trường Brandon College ở Manitoba và ổn định nghề nghiệp bằng công việc thủ thư, nhân viên công tác xã hội. Năm 1955, cả nhà chuyển sang Mỹ định cư. Những ai thường cho rằng tình yêu nghệ sĩ khó bền, danh tiếng, tiền bạc dễ làm lòng người thay đổi hẳn phải nghĩ lại khi nhìn vào cuộc hôn nhân bền bỉ suốt 68 năm của vợ chồng vị đạo diễn người Canada này. Lần lượt bà rồi ông trút hơi thở cuối cùng tại tổ ấm ở Benedict Canyon, Beverly Hills, Mỹ, bên cạnh các con (con trai Henryk, con gái Erica, con dâu Melora, con rể Kevin) và đàn cháu chắt. Cả hai đã nắm tay nhau đi đến cuối đời, giờ có lẽ họ cũng hạnh phúc vì được gặp lại nhau ở thế giới bên kia.
Nhờ có mái ấm hạnh phúc mà Arthur Hiller mới có được sự nghiệp vững chắc ở Hollywood. Là con trai duy nhất sinh trưởng trong một gia đình người Do Thái nhập cư nên Arthur Hiller rất ý thức việc phải sớm có công việc ổn định để trở thành trụ cột gia đình. Cha mẹ ông vốn sở hữu một cửa hàng bán nhạc cụ và mở một nhà hát cộng đồng nên từ nhỏ, Arthur đã say mê với nghệ thuật khi tiếp xúc với những việc vặt giúp cha mẹ như lắp ráp, sơn vẽ cảnh trí.
Bảy tuổi, Arthur Hiller lên sân khấu sắm một vai nhỏ. Nhưng diễn xuất và sân khấu không phải là công việc yêu thích của ông. Đích đến của Arthur Hiller là làm đạo diễn. Sau khi rời quân ngũ, với tấm bằng cử nhân ngành nghệ thuật của ĐH Toronto, ông xin việc tại đài truyền hình NBC với vai trò đạo diễn phim truyền hình, như Thriller, Alfred Hitchcock Presents, Gunsmoke, Naked City… Những năm gần cuối thập niên 50 và suốt thập niên 60 đánh dấu quá trình làm việc không biết mệt của Arthur Hiller với nhiều bộ phim đa số là hài như The Americanization of Emily, The Tiger Makes Out, Promise Her Anything, Penelope... Sau thành công vang dội của phim Love Story vào năm 1970, Arthur Hiller tiếp tục làm nhiều phim nữa cho đến tác phẩm cuối cùng là phim hài National Lampoon's Pucked năm 2006 với ca sĩ Jon Bon Jovi đóng chính.
Love Story được đề cử bảy giải Oscar năm 1970, nhưng chỉ đoạt giải Ca khúc trong phim hay nhất. Love Story đoạt năm giải Quả cầu vàng: Phim chính kịch hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất - Arthur Hiller, Nữ diễn viên phim chính kịch xuất sắc nhất - Ali MacGraw, Nhạc phim gốc hay nhất, Kịch bản hay nhất.
Năm 2002, hai học trò của đạo diễn Arthur Hiller là cặp đôi diễn viên chính trong phim Love Story Ryan O'Neal - Ali MacGraw đã cùng nhau giới thiệu ông là chủ nhân tượng vàng Oscar danh dự, dành cho cống hiến trọn đời của vị đạo diễn tài ba đối với ngành điện ảnh, truyền hình.
Nữ diễn viên Ali MacGraw dành những lời xúc động cho đạo diễn quá cố Arthur Hiller: “Tâm trí của tôi lúc này hướng đến gia đình của vị đạo diễn mà tôi vô cùng kính trọng. Ông ấy là người mang đến cho tôi những kinh nghiệm vô cùng quý báu trong diễn xuất cũng như trong cuộc sống. Arthur Hiller là đạo diễn ấn tượng, vĩ đại và tôi sẽ rất nhớ ông”. Ngoài Ali MacGraw, có đến bốn diễn viên khác được đạo diễn nà y dìu dắt và giành được tượng vàng Oscar là Ali MacGraw, Ryan O'Neal, George C. Scott, Maximilian Schell và John Marley.
Bà Cheryl Boone Isaacs - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Oscar cho biết: “Tôi may mắn được học nghề từ đạo diễn Arthur Hiller khi ông là Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ giai đoạn 1993-1997. Ông cống hiến cả cuộc đời mình cho niềm đam mê kể chuyện bằng hình ảnh và ông đã sống trọn vẹn với niềm đam mê ấy”.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.