edf40wrjww2tblPage:Content
Thông qua 11 tiết mục, Arirang Sài Gòn xâu chuỗi thành câu chuyện cảm động về cuộc đời của người phụ nữ châu Á với trái tim đa cảm, đức tính hy sinh và khát vọng được sống cho bản thân - mà bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào cũng sẽ thấy một phần mình trong đó.
Arirang Sài Gòn còn là giấc mơ đến muộn nhưng đầy mãnh liệt của bà Chun Yoo Oh - một giáo sư và biên đạo múa nổi tiếng đã từ giã sân khấu để theo chồng sang Việt Nam, hòa mình vào cuộc sống của những người phụ nữ Sài Gòn suốt mười năm qua. Báo Phụ Nữ đã cùng bà chia sẻ về giấc mơ này.
* Xin chào bà. Là một phụ nữ học cao, nổi tiếng và rất thành đạt, có đủ mọi điều kiện, tại sao bà phải đợi đến mười năm mới thực hiện một đêm múa?
GS. Biên đạo múa Chun Yoo Oh: Như mọi người phụ nữ ở Hàn Quốc và Việt Nam, chúng ta đều có những mộng ước riêng cho bản thân. Nhưng, cuộc sống hàng ngày với bao nhiêu công việc, với trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình… đã lấy hết thời gian và tâm trí, thậm chí chúng ta không có đến thời gian nhìn lại bản thân mình. Tuy nhiên, giấc mơ ấy vẫn luôn âm ỉ theo ta. Cảm giác lại đứng trên sân khấu múa giống như được gặp lại người yêu sau tận mười năm, nhưng trong suốt mười năm ấy chưa một giây phút nào ta nguôi nỗi nhớ mãnh liệt…
* Mười năm qua, với rất nhiều buổi sáng bên bờ sông Sài Gòn quan sát cuộc sống, bà cảm nhận về người phụ nữ ở đây như thế nào?
- Trong nhiều năm, hình ảnh đời thường về những người phụ nữ Việt xung quanh mình, hàng ngày chăm chồng, chăm con, đi làm kiếm tiền… với sự nhẫn nhịn, yêu thương đã gây cho tôi những rung cảm đặc biệt. Hoàn cảnh lịch sử của những người bà, người mẹ Việt Nam cũng như phụ nữ Hàn Quốc, đi qua chiến tranh với bao nặng nhọc rồi lại hy sinh cho chồng cho con đến thời điểm hiện tại.
Tôi hòa mình trong những số phận đó, và tôi thấy họ trong câu chuyện của chính mình. Tôi muốn kể câu chuyện này, thực hiện giấc mơ này cho tôi và cho cả họ. Múa không có lời, nhưng như một cái nắm tay rất thân tình của những người phụ nữ giống nhau về hoàn cảnh, đủ để trao một sự đồng cảm nồng ấm và an ủi dù không cần cất tiếng.
* Nói nôm na, câu chuyện đó sẽ là về số phận và hành trình tìm kiếm bản thân, thưa bà? Các bài Arirang thường khá buồn bã, vì viết về nỗi nhớ, chờ đợi và chia ly, nhưng dựa theo nội dung Arirang Sài Gòn mà tôi đọc thì dường như đây sẽ là cái kết có hậu, một “happy ending”?
- Tôi có ba bài múa xuyên suốt đủ để nói về một cuộc đời. Đó là Vũ hội hóa trang - nghệ sĩ đeo mặt nạ để diễn tả những vai trò mà người phụ nữ phải đảm nhận trong cuộc sống. Cô độc - là những phút giây sâu lắng để nhìn lại mình, những khó khăn, mất mát và đấu tranh nội tâm. Cuối cùng là Vũ điệu thần linh, không liên quan gì đến cái chết cả, mà là giai đoạn ta đã đi qua những trăn trở và thực sự thấu suốt, tìm được chính mình.
Nhưng trong Arirang Sài Gòn không chỉ là một số phận, một nhân vật, một cuộc đời… mà mỗi khán giả đi xem với những trải nghiệm, trí tưởng tượng của riêng họ sẽ tìm thấy những cảm xúc và sự an ủi cho riêng mình.
Bên bờ sông Sài Gòn, bà Chun Yoo Oh như tìm lại được chính mình bằng việc hòa mình vào các vũ điệu
* Từ đâu bà có ý tưởng kết hợp giữa múa truyền thống, ballet, đàn bầu và sáo-trống truyền thống Hàn Quốc trong cùng một đêm diễn?
- Tôi đã chuẩn bị đầy đủ nhạc nền, nhưng vì muốn có sự sống động và mới lạ, tôi đã tạo ra một sự giao lưu nho nhỏ giữa các nhạc cụ truyền thống “diễn live” hòa điệu vào các loại múa. Arirang là một thể loại truyền thống, nhưng chúng tôi sẽ thổi hơi thở hiện đại bằng các chất liệu jazz, bằng trang phục hiện đại đơn giản hơn, bằng các động tác múa cách điệu tự do hơn. Bản thân là một nghệ sĩ, nên tôi luôn muốn mỗi khi lên sân khấu, không phải chỉ bản thân mình hay các nghệ sĩ, mà chính nghệ thuật múa và sự sáng tạo được thăng hoa như một bông hoa bung nở.
* Nghệ thuật múa khắc nghiệt luôn nhanh chóng đào thải những nghệ sĩ trên 30 tuổi. Ở tuổi trên 50, bà đã chuẩn bị thể lực và sự kết hợp với các nghệ sĩ khác như thế nào?
- Từ khi thực sự quyết tâm thực hiện đêm diễn này, tôi đã tích cực luyện tập hàng ngày. Trong hai năm qua, tôi liên tục bay đi bay lại giữa Hàn Quốc và Việt Nam để trao đổi, luyện tập với cả ê kíp, tìm kiếm các bản nhạc, các nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ dân tộc. Tôi cũng đi xem múa Việt Nam nhiều, từ đó chọn ra các nghệ sĩ tốt nhất của HBSO gồm các bạn Đức Nhuận, Hoàng Yến, Thu Trang và Hồ Phi Điệp để trình diễn cùng với mình. Mười năm cho một giấc mơ, tôi muốn mọi thứ phải được chuẩn bị tốt nhất.
* Xin cảm ơn bà và chúc bà có một giấc mơ Arirang thật rực rỡ trên sân khấu Việt Nam.
ĐINH HÀ (thực hiện)
“Tôi khát khao được múa để thể hiện những xúc cảm từ những xung động, từ những con sóng cuộc đời, từ chân trời vô hạn. Hòa nhập cùng những con sóng, với cây cối, với gió, với mây và các ánh sao, chỉ là cazenda (sáng tạo tự do theo dòng cảm xúc ngẫu hứng trong đời) của riêng tôi. Nơi dải đất Việt Nam, những cảm xúc tương tự chảy theo con sông Sài Gòn. Bỏ qua ranh giới của các thể loại nghệ thuật, như giấc mơ ấp ủ từ lâu nay gặp lại, tôi biên đạo một mạch... Sao lại không mơ giấc mơ về Sài Gòn - Arirang cùng nhau! Trong khoảng thời gian vỡ òa của những tâm tư quý báu, là một người yêu múa, tôi thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết” - Chun Yoo Oh Bà Chun Yoo Oh đặc biệt dành tặng riêng độc giả báo Phụ Nữ 30 vé đến xem chương trình. Độc giả thực sự yêu thích và quan tâm đến chương trình liên hệ nhận vé tại phòng phát hành Tòa soạn Báo Phụ Nữ (311 Điện Biên Phủ, Q.3) từ 9g sáng 27/11. Ưu tiên cho bạn đọc đến sớm. |