APEC 2017: Tổng thống Nga ủng hộ thành lập khu vực tự do thương mại APEC

09/11/2017 - 11:45

PNO - Trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga ủng hộ ý tưởng về một khu vực thương mại tự do ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Sáng 10/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có mặt tại Đà Nẵng để tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), trong hai ngày 10-11/11.

Nhân kỷ niệm 28 năm sự kiện quốc tế có ý nghĩa lớn lao này diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam, Tổng thống Putin đã có bài viết quan trọng, thể hiện vai trò và sự ủng hộ của Nga đối với APEC.

APEC 2017: Tong thong Nga ung ho thanh lap khu vuc tu do thuong mai APEC
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AFP

Dưới đây là toàn văn bài viết:

Chúng tôi đánh giá cao diễn đàn APEC vì những cơ hội phong phú dành cho tất cả các đại biểu tham gia thảo luận và phối hợp quan điểm về nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường và văn hoá.

Các quốc gia chúng ta mong muốn hợp tác dựa trên các nguyên tắc đồng thuận và tham gia tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau và sẵn sàng thỏa hiệp, bất kể tình hình chính trị.

Đó là tinh thần hợp tác duy nhất của APEC trong mọi vấn đề.

Là một cường quốc Á-Âu với các vùng lãnh thổ rộng lớn ở viễn đông tạo ra một tiềm năng đáng kể, Nga có phần của mình trong tương lai thành công của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện trên toàn lãnh thổ của mình.

Chúng tôi tin rằng hội nhập kinh tế hiệu quả dựa trên các nguyên tắc cởi mở, cùng có lợi và các quy tắc phổ quát của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là công cụ chính để đạt được mục tiêu này.

Chúng tôi ủng hộ ý tưởng thành lập một khu vực thương mại tự do Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi tin rằng đây là mối quan tâm thực tế của mình và là một cơ hội để củng cố vị thế của chúng tôi ở các thị trường năng động tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Tôi muốn lưu ý rằng trong 5 năm qua, tỷ lệ các nền kinh tế APEC trong ngoại thương của Nga đã tăng từ 23% lên 31%, và từ 17% lên 24% riêng về xuất khẩu. Và chúng tôi không có ý định dừng lại ở đó.

Tất nhiên, dự án quy mô lớn để tạo ra một khu vực thương mại tự do của APEC cần được thực hiện với các kinh nghiệm thu được từ việc thực hiện các định dạng hội nhập chính ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Á - Âu, bao gồm Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU), trong đó Nga hợp tác với Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Liên minh của chúng tôi đã phát triển năng động và chúng tôi rất mong muốn xây dựng mối quan hệ với tất cả các nước và các hiệp hội muốn làm như vậy.

Việt Nam, nước chủ nhà diễn đàn APEC năm nay, là quốc gia đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với EAEU. Kết quả là, tình hình thương mại của hai nước đã phát triển đáng kể và đa dạng hơn.

Mới đây, các đàm phán về hiệp định thương mại và hợp tác kinh tế với Trung Quốc cũng đã kết thúc.

Các cuộc đàm phán với Singapore đã bắt đầu, và chúng tôi đang làm việc nhắm đến khả năng ký một hiệp định thương mại tự do với ASEAN.

APEC 2017: Tong thong Nga ung ho thanh lap khu vuc tu do thuong mai APEC
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2016 - Ảnh: AFP

Quan hệ đối tác lớn hơn của khu vực Á – Âu

Tôi muốn đề cập đến ý tưởng tạo ra một Quan hệ Đối tác Đại Á – Âu (GEAP). Chúng tôi đề xuất thành lập nó trên cơ sở Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) và Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Xin nhắc lại, đây là một dự án linh hoạt và hiện đại mở cửa cho cả những quốc gia khác tham gia.

Cơ sở của sự hội nhập hiệu quả bao gồm phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng, vận tải, viễn thông và năng lượng.

Ngày nay, Nga đang tích cực hiện đại hoá các cảng hàng không và cảng biển ở vùng Viễn Đông, phát triển các tuyến đường sắt xuyên lục địa và xây dựng các tuyến đường ống mới dẫn dầu khí.

Chúng tôi cam kết thực thi các dự án cơ sở hạ tầng song phương và đa phương, sẽ nối kết các nền kinh tế và thị trường của chúng ta.

Trong số các dự án quan trọng, tôi muốn nói đến Vòng siêu năng lượng – kết nối Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và tuyến đường vận tải Sakhalin-Hokkaido.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tích hợp các lãnh thổ Siberia và Viễn Đông của Nga vào mạng lưới quan hệ kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Những nỗ lực này bao gồm một loạt các biện pháp để tăng cường sự hấp dẫn đầu tư vào khu vực của chúng ta, và để lồng ghép các doanh nghiệp Nga vào các dây chuyền sản xuất quốc tế.

Đối với Nga, sự phát triển của chúng tôi về phía đông là một ưu tiên quốc gia cho thế kỷ 21.

Chúng tôi đang nói về việc tạo ra các vùng lãnh thổ tăng trưởng kinh tế tiên tiến trong khu vực này, theo đuổi việc phát triển quy mô lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hỗ trợ các ngành công nghệ cao tiên tiến, cũng như đầu tư vào con người, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ và hình thành các trung tâm nghiên cứu có sức cạnh tranh.

Chúng tôi hy vọng rằng các đối tác nước ngoài của chúng tôi, chủ yếu từ các nền kinh tế APEC, sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện các chương trình và dự án này.

Hơn thế nữa, khi các nước tham gia Diễn đàn Kinh tế Phương Đông được tổ chức hàng năm ở Vladivostok đã có cơ hội để tin tưởng vào triển vọng và tính khả thi của kế hoạch chúng tôi đề xuất.

Chúng tôi có một cách tiếp cận nghiêm túc đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như là một phần trong quá trình hội nhập kinh tế của APEC, hỗ trợ doanh nghiệp nữ và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tất nhiên, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường quan hệ văn hoá và mở rộng các mối liên hệ trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.

Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc hình thành một không gian giáo dục chung Châu Á - Thái Bình Dương, một trong những trung tâm có thể là Đại học Liên bang ở Viễn Đông.

APEC 2017: Tong thong Nga ung ho thanh lap khu vuc tu do thuong mai APEC
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm trường Đại học Liên bang ở Viễn Đông gần thành phố Vladivostok tháng 9/2013 - Ảnh: AFP

Hỗ trợ đổi mới

Chúng tôi tin rằng việc thiết lập hợp tác hiệu quả để hỗ trợ đổi mới là nhiệm vụ quan trọng nhất chúng ta phải đối mặt trong kỷ nguyên năng động này. Như vậy, Nga đã đưa ra một số sáng kiến ​​cụ thể.

Những sáng kiến này bao gồm thống nhất các quy tắc kinh tế kỹ thuật số và thương mại, hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, phối hợp các chiến lược hình thành các thị trường công nghệ cao và tạo ra khuôn khổ khái niệm thống nhất cho không gian kỹ thuật số.

Chúng tôi cũng đã chia sẻ với các đối tác của mình kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị bắt đầu tham vấn trong APEC về an ninh thông tin quốc tế và bảo vệ phần mềm máy tính.

Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, tai nạn, dịch bệnh và đại dịch do con người gây ra là một thách thức khác đòi hỏi phải có phản ứng chung của tất cả các đối tác Châu Á - Thái Bình Dương.

Tất nhiên, chúng ta cần phải cùng nhau giải quyết vấn đề an ninh lương thực và suy nghĩ cách thức đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm chất lượng cao và lành mạnh của khu vực.

Nga là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ngũ cốc, dầu thực vật, cá và một số thực phẩm khác.

Chúng tôi mong muốn trở thành nhà cung cấp hàng đầu về thực phẩm sạch, sinh thái cho các nước láng giềng của mình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Để làm được điều này, chúng tôi đang thực hiện các biện pháp để tăng sản lượng nông nghiệp và nâng cao năng suất.

Chúng tôi dự định tham gia các cuộc thảo luận thực chất về tất cả các chủ đề trên trong hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới tại Đà Nẵng.

Tôi tin rằng, cùng nhau hành động, chúng ta sẽ tìm ra các giải pháp có thể chấp nhận được đối với thách thức của việc duy trì mức tăng trưởng ổn định, cân bằng và hài hòa trong khu vực chung của chúng ta, và đảm bảo cho sự thịnh vượng của khu vực.

Nga đã sẵn sàng cho một nỗ lực hợp tác như vậy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Hòa Ninh (lược dịch từ Channel NewsAsia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI