Cùng với dự định sẽ tăng thuế VAT nhiều mặt hàng lên mức 12%, Bộ Tài chính cũng hướng tới áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng thức uống có đường (gọi chung là nước ngọt).
Theo đó, chỉ những nhóm sản phẩm như nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm từ sữa không bị áp thuế; còn lại là nước ngọt, bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền công nghiệp được đề nghị bổ sung vào nhóm chịu thuế TTĐB, mức 10%.
Một số chuyên gia, hiệp hội ngành hàng cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB này cũng tiềm ẩn rất nhiều xáo trộn với thị trường thực phẩm, đồ uống.
|
Lượng đường mía tiêu thụ bình quân theo đầu người: Trong nước: 17kg/người/năm, Thế giới: 23-24kg/người/năm, có nước lên đến 40kg/người/năm. |
Cứ ngọt là phải chịu thuế
Theo lý giải của Bộ Tài chính, đồ uống có đường đang là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, theo cơ quan này, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với các nguy cơ tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe, bao gồm tim mạch và tiểu đường… Do đó, việc áp thuế như một biện pháp hướng dẫn điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.
Song, việc áp thuế TTĐB theo hình thức này sẽ kéo theo nhiều nhóm sản phẩm có ích cho sức khỏe mà đối tượng sử dụng là người bệnh và trẻ nhỏ sẽ phải chịu theo.
Ông Khuất Quang Hưng, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng (NFG) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), dẫn chứng rằng nếu như thế, dòng sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa dành cho trẻ em như nhóm sản phẩm dinh dưỡng công thức (nhiều người quen gọi là sữa công thức), sản phẩm không làm từ sữa bò dùng cho đối tượng trẻ bị dị ứng sữa và những dòng sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ người điều trị bệnh… khi bị đặt vào nhóm sản phẩm có đường và áp thuế TTĐB là không hợp lý.
Ông Hưng cho rằng, chỉ nên áp thuế với thức uống sử dụng các chất tạo ngọt.
Trước lý do của Bộ Tài chính đưa ra, một vị đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu ý kiến rằng bộ cần có những đánh giá mang tính khoa học. Việc cơ quan này đưa ra những dẫn chứng về tỉ lệ béo phì, thừa cân, tim mạch, tiểu đường… ở Việt Nam và trên thế giới, rồi cho điều đó xuất phát từ nước ngọt, từ đường là không có cơ sở.
Và ngay cả khi đường là tác nhân thì biện pháp tốt hơn là ngành y tế cần đưa ra khuyến cáo khoa học để người tiêu dùng nhận diện tác hại của việc sử dụng quá nhiều đường, chứ không nên áp mức thuế TTĐB gây xáo trộn đến cả một ngành sản xuất.
Dồn lên người mua, nhà sản xuất
Thuế VAT và thuế TTĐB là hai loại thuế thông dụng đối với hàng hóa. Vì vậy, khi triển khai thu thuế này, Bộ Tài chính cần cẩn trọng, đánh thuế đúng với những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe và tránh để các sản phẩm tốt cho sức khỏe thuộc cùng nhóm phải chịu theo.
Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng, Bộ Tài chính dẫn chứng các nước trên thế giới áp thuế với các sản phẩm có đường để ngăn ngừa các chứng bệnh như tiểu đường, béo phì, tim mạch…
Nhưng bộ cần tìm hiểu rõ là loại đường nào thực sự đáng lo ngại cho sức khỏe mới nên áp thuế. Ngay tại Mỹ, cũng có hai xu hướng tiêu dùng đường, trong đó loại đường HFCS (High fructose corn syrup) hay còn được gọi là đường bắp được khuyến cáo hạn chế sử dụng vì nó có nhiều trong các sản phẩm nước ngọt gây hại cho sức khỏe, trong khi đường mía được xem là lành hơn.
Thuế VAT và thuế TTĐB là hai loại thuế thông dụng đối với hàng hóa.
Vì vậy, khi triển khai thu thuế này, Bộ Tài chính cần cẩn trọng, đánh thuế đúng với những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe và tránh để các sản phẩm tốt cho sức khỏe thuộc cùng nhóm phải chịu theo.
|
Đồng thời, tiêu thụ đường ở nước ta vẫn dưới mức trung bình của thế giới, nên chưa cần thiết phải áp thuế TTĐB với mặt hàng đường và nước ngọt sử dụng đường mía.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA), cảnh báo nếu áp thuế TTĐB 10%, cộng với tăng thuế VAT từ 10% lên 12% và từ 5% lên 6% với đường (nguyên liệu đầu vào của nước ngọt), mặt hàng nước ngọt trên thị trường sẽ tăng giá thêm khoảng 12%.
Sức tăng này sẽ khiến doanh số bán hàng sụt giảm, ảnh hưởng xấu đến một lượng lớn nông dân, người sản xuất nguyên liệu cho ngành hàng này.
Đồng thời, nguy cơ hàng lậu, hàng nhái sẽ tăng lên vì đa số người tiêu dùng thường có xu hướng tìm mua hàng giá rẻ. Nhiều nước lớn chưa đưa mặt hàng này vào áp thuế TTĐB, có nước đưa vào rồi cũng phải ngưng lại.
Đại diện VBA đặt vấn đề cần phải xác định rõ trước khi áp thuế là béo phì, tiểu đường liệu có phải do nước ngọt. Và cần làm rõ những khái niệm nước ngọt loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, hay những sản phẩm được miễn trừ áp thuế TTĐT như nước hoa quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm từ sữa…
Nếu các sản phẩm không dùng đường mà dùng các chất tạo ngọt khác thay thế thì thuế sẽ tính sao? “Rất nhiều sản phẩm liên quan là lương thực, thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng vốn là những mặt hàng thiết yếu mà người nghèo, người cận nghèo sử dụng nhiều hơn nên áp thuế sẽ gây tác động rất lớn đến thị trường…”, đại diện VBA cảnh báo.
Bình quân mỗi quý, có trên 8.000 tấn đường bắp Trung Quốc vào Việt Nam, sử dụng chủ yếu trong sản xuất nước ngọt, thực phẩm cần chất tạo ngọt (theo thống kê của Hiệp hội Mía đường).
Song do mức thuế gần như bằng 0, cộng với giá rẻ nên đường bắp đang được các nhà sản xuất trong nước sử dụng nhiều.
“Loại đường này mới chính là đường mà nhiều nước khuyến cáo hạn chế sử dụng do gây hại sức khỏe và cần bị áp thuế hạn chế nhập khẩu”, ông Hải bày tỏ.
Đăng Thư