Áp lực xuất thân - Bài 3: Dám nghĩ dám làm

12/08/2013 - 07:30

PNO - PN - Thừa kế gia tài và sự nghiệp của cha không phải là lựa chọn của nhà thiết kế thời trang trẻ Kira Plastinina (trái - con gái triệu phú Nga Sergei Plastinin) và nhà sản xuất phim tài liệu Sam Branson (phải - con trai út của doanh nhân tỷ...

Ap luc xuat than - Bai 3: Dam nghi dam lam

Nhà tạo mẫu trẻ Kira Plastinian (ảnh: Internet)

Thất bại là mẹ thành công

Ngày 24/7 vừa qua, sau nhiều tháng chuẩn bị, nhà tạo mẫu trẻ Nga Kira Plastinina (ảnh) đã khai trương cửa hàng thời trang Lublu Kira Plastinina rộng hơn 300m2 tại Trung tâm Preston, thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ. Năm nay 21 tuổi, Kira vừa học xong năm ba ở Southern Methodist, một trường đại học tư lâu đời và nổi tiếng ở Dallas. Lublu (tiếng Nga có nghĩa là “tôi yêu”), và Kira Plastinina (KP) là dòng thời trang cao cấp mà Kira đã giới thiệu lần đầu năm 2008 tại tuần lễ thời trang Milan, Ý. Năm đó, Kira mới 16 tuổi, tập tễnh vào nghề tạo mẫu thời trang, một công việc cô đam mê và quyết tâm theo đuổi từ năm 14 tuổi.

Nhắc lại khoảng thời gian khởi nghiệp đầy kỷ niệm buồn ở Mỹ, Kira chia sẻ: “Khi đó chúng tôi chuẩn bị và dự báo chưa tới nơi tới chốn. Thương hiệu quá mới, thời điểm lại không phù hợp. Chúng tôi khai trương đồng loạt 12 cửa hàng. Không bao lâu thì cơn bão khủng hoảng tài chính khủng khiếp ập đến”. Hậu quả tất yếu, ngày 2/1/2009, công ty thời trang KP của Kira nộp đơn xin phá sản ở Mỹ với món nợ lên đến 54,4 triệu USD chỉ sau bảy tháng hoạt động.

Trở lại thị trường khó tính Mỹ lần này, công ty thời trang của cô đã có một bước phát triển mới. Thương hiệu Lublu KP đã khá vững ở Nga, Ukraine, Kazhakstan, Belarus, Trung Quốc và Philippines với hơn 120 cửa hàng, cạnh tranh trực tiếp với Inditex (thương hiệu Zara) và H&M của Thụy Điển.

Kira cũng đã biết cách làm việc rất bài bản với các showroom và đối tác bán lẻ ở Dallas. Cửa hàng vừa khai trương nói trên là cái đầu tiên và duy nhất. Nếu thấy có triển vọng, KP mới mở thêm cửa hàng. Kira giải thích: “Chúng tôi đã rút kinh nghiệm sau thất bại năm 2008. Giờ đây chúng tôi tin tưởng ở nội lực và có chiến lược rõ ràng. Không phải vô cớ mà chúng tôi trở lại với dòng thời trang cao cấp Lublu. Chúng tôi tin nhãn hiệu này sẽ thành công ở Mỹ”.

Ap luc xuat than - Bai 3: Dam nghi dam lam

Kira Plastinina (ảnh: Internet)

Nội lực mà Kira đề cập nói trên bao gồm những nhân vật có tiếng trong làng thời trang quốc tế như blogger thời trang Mỹ Leandra Medine, nhiếp ảnh gia, cựu người mẫu Candice Lake và ngôi sao phong cách đường phố Nga Miroslava Duma. Những người này hỗ trợ mạnh mẽ bộ sưu tập xuân hè 2013 của KP. Đặc điểm của bộ sưu tập đang bày bán ở Dallas này là màu sắc mạnh mẽ và in hoa văn các vùng miền. Ngoài quần áo và giày dép giá từ 200 đến 1.200 USD, cửa hàng còn bán nhiều phụ kiện như túi xách, ba lô, vòng đeo tay, vòng cổ đậm chất hoang dã.

Tuy không nói ra nhưng ai cũng biết ông Plastinin ủng hộ con gái hết mình. Cựu CEO Công ty sữa Wim-Bill-Dann và thành viên Ban giám đốc Ngân hàng châu Á Thái Bình Dương này từng bỏ hai triệu USD để mời Paris Hilton đến dự buổi trình diễn thời trang của KP ở Moscow. Chuỗi cửa hàng KP ở Mỹ năm 2008 cũng có 80 triệu USD đóng góp của ông. Có thể thấy, ông Plastinin rất tôn trọng chí hướng của con gái.

Kira hằng tháng bay đi bay về giữa Moscow và Dallas, chia thời gian giữa học đường và Công ty KP. Các mẫu quần áo do chính tay cô thiết kế cùng với một trợ lý tạo mẫu. Thời trang KP có hai dòng phổ thông và cao cấp với phong cách “quốc tế, nữ tính, táo bạo và sành điệu” dành cho người có học thức. Toàn bộ các sản phẩm may tại Nga chứ không gia công ở nước ngoài.

Không phải bản sao của cha

Có một người cha nổi tiếng là doanh nhân tỷ phú Richard Branson, bạn bè toàn là hoàng thân quốc thích và sở hữu vóc dáng người mẫu, Sam Branson (ảnh) dễ dàng trở thành một “tay chơi” có hạng, một người thừa kế nổi tiếng. Thế nhưng, chàng trai người Anh 28 tuổi này không đàn đúm với Kate Moss hoặc các siêu mẫu khác, dù anh từng biểu diễn thời trang Burbury trên sàn catwalk cùng họ.

“Dân chơi” đều biết, Sam rất kén bạn. Bạn bè thân cận với Sam chỉ đếm được trên hai bàn tay, đó là một vài bạn học cũ ở trường nội trú St Edward, vài diễn viên điện ảnh… Sam cũng là bạn của hoàng tử Harry, William (và tất nhiên với cả Kate Middleton), các công chúa Beatrice và Eugenie - người từng “yêu thầm nhớ trộm” Sam. Riêng tiểu thư Isabella Anstruther-Gough-Calthorpe mà hoàng tử William từng phải lòng, giờ đã là vợ anh kể từ ngày 6/3/2013.

Sam nói về bản thân: “Tôi được mọi người chú ý vì cha tôi là người nổi tiếng. Tôi nghĩ, điều đáng nói là tôi làm được gì kia. Dĩ nhiên, bây giờ tôi biết mình muốn gì”. Holly Branson, chị của Sam, tốt nghiệp y khoa, và hiện làm việc trong Tập đoàn Virgin của cha. Liệu Sam có tham gia “đế chế Virgin” - như người ta đồn đoán - để sau này trở thành CEO khi ông Richard về hưu? Kỳ thực, Sam chưa bao giờ có ý nghĩ đó.

Ap luc xuat than - Bai 3: Dam nghi dam lam

Sam Branson (ảnh: Internet) 

Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, Sam học làm bếp trưởng với ý định kinh doanh nhà hàng rồi học chơi đàn guitar ở Los Angeles (Mỹ). Anh đam mê các môn thể thao mạo hiểm như đua mô tô, lướt ván trên sóng. Tình yêu lớn nhất của anh là thiên nhiên. Nó bắt nguồn từ một chuyến tham quan vùng Bắc cực Canada với cha năm 2008, chứng kiến tận mắt hậu quả hiện tượng trái đất nóng dần lên.

Sau đó, Sam tự đăng ký một chuyến thám hiểm Bắc cực ba tháng rưỡi. Anh kể: “Tôi bị gấu trắng rượt đuổi sáu lần suýt chết. Ở đó, mọi thứ đều có thể lấy mạng mình nếu không nhanh trí và nhanh chân. Tôi nhìn thấy một ngọn núi và mất bảy ngày mới tới dưới chân nó. Bảy ngày trong gió tuyết lạnh cóng. Bạn có thể bị quật ngã bất cứ lúc nào nhưng vẫn phải bước tới”.

Chuyến đi mạo hiểm đó đã làm thay đổi sâu sắc nhân sinh quan của Sam: “Trước khi đến Bắc cực, tôi không biết mình muốn gì, có thể làm được gì. Khi trở về nhà, tôi ngẩng cao đầu vì tôi đã làm được điều mà 90% những người tôi quen biết chưa làm được”. Đấu tranh và tuyên truyền việc bảo vệ trái đất chống lại khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính trở thành một mục tiêu lớn đời anh.

Sam khởi nghiệp bằng con đường truyền hình. Năm 2009, anh thành lập Công ty Current Sponge chuyên sản xuất phim tài liệu. Sam coi đây là một tuyên ngôn về việc anh hoàn toàn muốn tách khỏi tập đoàn Virgin. Thành lập công ty, anh không vay vốn của cha hay ngân hàng mà vay những người thân trong gia đình và trả nợ sòng phẳng. Sam muốn thành công hay thất bại đều do nỗ lực của bản thân, không dựa dẫm vào ai, kể cả người cha giàu có và giỏi giang trong kinh doanh. “Tôi muốn làm phim tài liệu nói về môi trường một cách trẻ trung, thẳng thắn và không lên gân để người xem tự liên hệ và suy gẫm”.

Ap luc xuat than - Bai 3: Dam nghi dam lam

Sam Branson (ảnh: Internet)

Năm 2012, Công ty Current Sponge đổi tên thành Sundog Pictures nhưng không thay đổi tiêu chí làm phim tài liệu. Sam làm chủ tịch, giám đốc thương mại là Johnny Webb, nguyên trưởng bộ phận truyền thông và truyền hình của Virgin. Sản phẩm của Sundog Pictures đa dạng hơn và trung thành với những vấn đề thời sự nóng của xã hội.

Ngày 28/7/2013, Sundog Pictures ra mắt sản phẩm mới nhất là phim tài liệu Breaking the Taboo tại thị trấn St Paul, bang Minnoseta, Mỹ. Bộ phim nói về tệ nạn ma túy và giải thích tại sao sau 50 năm cấm đoán, ma túy vẫn trở thành ngành công nghiệp đứng hàng thứ ba thế giới sau công nghiệp thực phẩm và công nghiệp dầu hỏa. Bộ phim gây tiếng vang khi nêu ra những lỗ hổng pháp lý và sự cần thiết phải thay đổi các bộ luật liên quan đến ma túy. Hẳn nhà tỷ phú Richard Branson rất tự hào về cậu con trai… khác người này.

 TRỌNG NGHĨA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI