Áp lực xã hội khiến người Nhật Bản mất dần sự nhẫn nhịn và thanh lịch

15/06/2019 - 10:00

PNO - Hình ảnh nước Nhật yên bình bỗng thay đổi sau một số vụ việc đáng tiếc xảy ra gần đây. Theo các chuyên gia, áp lực từ xã hội già nua và công việc vất vả có thể là nguyên nhân khiến người dân thay đổi.

Cuộc cãi vã liên quan đến hai người đàn ông trên chuyến tàu buổi tối leo thang nhanh chóng khi họ bước lên sân ga ở Chigasaki, phía tây nam Tokyo. Người lớn tuổi hơn tức giận với âm thanh từ tai nghe của hành khách trẻ tuổi, vì vậy anh ta đẩy nạn nhân ngã xuống đường ray xe lửa.

Không dừng lại ở đó, người đàn ông tiếp tục tung một loạt cú đá vào đầu người hành khách trẻ khi anh này cố gắng trèo lên. Người đàn ông lớn tuổi, chưa được nêu tên, bị bắt vào ngày 8/6.

Cùng ngày, cảnh sát cũng bắt giữ Yutaka Arai, một cư dân 71 tuổi ở quận Adachi, Tokyo, sau khi ông này để lại tin nhắn trong hộp thư của hàng xóm nói rằng con cái họ quá ồn ào khi đợi xe buýt trường học.

Theo cảnh sát, một trong những tin nhắn ghi: “Hãy ngăn cản con bạn lên tiếng. Nếu bạn không thể làm điều đó thì đừng phàn nàn dù bất cứ chuyện gì xảy ra”.

Arai phủ nhận việc tin nhắn là lời đe dọa, nhưng chính quyền chắc chắn không nhượng bộ sau khi một hikikomori (kẻ xa lánh xã hội), tấn công nhóm trẻ em và phụ huynh tại trạm chờ xe buýt ở thành phố Kawasaki, giết chết một cô gái và một người cha trước khi tự sát vào đầu tháng 6/2019.

Đối với một quốc gia nổi tiếng khoan dung và người dân thích chọn cách bỏ qua hơn là can thiệp vào tình huống mà họ cho là không thoải mái hoặc không phải là việc của mình, các tiêu đề tin tức gần đây cho thấy nhiều người Nhật Bản đang trở nên nóng nảy, thù ghét xã hội.

Ap luc xa hoi khien nguoi Nhat Ban mat dan su nhan nhin va thanh lich
Một người đàn ông cầu nguyện tại nơi xảy ra vụ đâm người hàng loạt ở Kawasaki, gần Tokyo.

Issei Izawa, một sinh viên 20 tuổi cho biết anh có ấn tượng rằng nhân viên văn phòng, cả nam và nữ, thực sự mệt mỏi và căng thẳng đến mức đủ để châm ngòi cho một cuộc đối đầu mà trước đây họ sẽ chọn bỏ đi.

Theo Masakatsu Yamamoto, nhân viên văn phòng tuổi trung niên tại Tokyo, sự không khoan dung đối với người khác không chỉ là vấn đề của Nhật Bản, nhưng bất kỳ sự cố nào như vậy đều trở nên đáng chú ý vì chúng trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của xứ sở mặt trời mọc, như một xã hội mà phần lớn chọn hòa bình và tôn trọng người khác.

Anh Yamamoto cũng cảm nhận được sự xa cách của xã hội Nhật Bản, đối với cộng đồng hay thậm chí là gia đình. Khi còn nhỏ, anh đến công viên để gặp gỡ bạn bè và khi về già, anh sẽ giao lưu và gặp gỡ những người mới trong các quán rượu hay nhà hàng.

Thế nhưng, mọi người dần tiếp xúc với nhau ít đi và cách thức tạp lập các mối quan hệ cũng thay đổi. Anh Yamamoto nói: “Việc gặp gỡ có thể thực hiện qua màn hình điện tử và đó là cách mọi người muốn thực hiện”.

Ken Kato, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Tokyo, cho biết các thế hệ trẻ Nhật Bản ngày càng lo lắng về thu nhập, đặc biệt là những người có hợp đồng bán thời gian, trong khi quốc gia bị che phủ bởi số lượng người già ngày càng tăng và nỗi lo rằng một ngày nào đó sẽ không có đủ lao động trẻ để hỗ trợ họ.

Mối lo ngại của cộng đồng về dân số bị thu hẹp càng trầm trọng hơn khi hôm thứ Ba 11/6, chính phủ rút lại một báo cáo cho thấy hệ thống lương hưu công cộng sẽ sớm “vỡ” nếu số lượng người già ngày càng tăng.

Bộ trưởng tài chính Taro Aso cho biết báo cáo ban hành đầu tháng 6 đã gây ra sự lo lắng và hiểu lầm, đi ngược lại chính sách hiện tại của chính phủ.

Ap luc xa hoi khien nguoi Nhat Ban mat dan su nhan nhin va thanh lich
Áp lực công việc, nỗi lo về tương lai, bất ổn trong việc duy trì quỹ lương hưu phần nào khiến người dân Nhật Bản đánh mất chính mình.

Mieko Nakabayashi, một cựu chính trị gia hiện là giáo sư của trường khoa học xã hội tại Đại học Tokyo, Waseda, cho biết bà cảm thấy rằng dù xã hội Nhật Bản vẫn rất khoan dung, mọi thứ đang thay đổi: “Tôi nghĩ rằng xã hội đang trở nên cạnh tranh hơn, gây ra căng thẳng, xích mích, và nền kinh tế của chúng ta không tốt như trong quá khứ”.

Quan điểm của G.S Mieko tương đồng với kết quả từ Khảo sát quốc tế về cuộc sống và hy vọng năm 2015, so sánh triển vọng của người dân ở Nhật Bản, Anh và Mỹ. Khi được hỏi liệu họ có phải là người rất hạnh phúc hay không, 23,8% người Anh trả lời theo hướng tích cực, con số này ở Mỹ là 33,2%, nhưng tại Nhật Bản, chỉ có 18,5% số người tham gia lạc quan về cuộc sống.

Với câu hỏi về hy vọng cho tương lai, 86,7% người Anh và 93% người Mỹ đồng ý rằng họ rất tin tưởng, trong khi ở Nhật Bản, con số này chỉ là 54,5%. Mặt khác, chỉ có 7% người Mỹ nói rằng họ không có hy vọng cho tương lai; nhưng có đến 45,5% người Nhật bi quan về phương diện này.

G.S Mieko kết luận: “Nhiều người không thể nhìn thấy tương lai tươi sáng như trước đây, và họ có thể ngày càng thất vọng”.

Tấn Vĩ (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI