Áp lực lớn khi làm phim về giới nhà giàu xưa

25/11/2024 - 07:24

PNO - Phim Việt kể câu chuyện về những người giàu xưa thường có sức hút vì sự tò mò của khán giả về cuộc sống của họ. Trong bối cảnh doanh thu phòng vé thua nhiều hơn thắng, các đoàn phim chịu nhiều áp lực khi chi phí đầu tư rất cao.

Cuộc chơi lắm công phu

Vừa xong Cô dâu hào môn, màn ảnh Việt lại có thêm bộ phim Linh miêu - Quỷ nhập tràng, cũng kể về một gia đình giàu có. Ngày 6/12 tới, giới nhà giàu miền Nam ở thế kỷ XX sẽ lên phim trong Công tử Bạc Liêu. Trong khi Cô dâu hào môn đi theo định hướng phim hài - gia đình hiện đại, “nhẹ” về chi phí thiết kế sản xuất thì 2 phim về giới nhà giàu xưa còn lại phải đầu tư cao.

Phim Công tử Bạc Liêu đầu tư tốn kém cho phần bối cảnh và phục trang để mô tả cuộc sống người giàu Nam Kỳ thập niên 1930 - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Phim Công tử Bạc Liêu đầu tư tốn kém cho phần bối cảnh và phục trang để mô tả cuộc sống người giàu Nam Kỳ thập niên 1930 - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Linh miêu - Quỷ nhập tràng, để có bối cảnh biệt phủ của gia tộc Dương Phúc, nhà sản xuất Hồ Xuân Phú cho biết, đoàn phim đã khảo sát tầm 40 căn biệt thự, nhà rường, nhà vườn ở Huế trước khi quyết định phục dựng biệt thự cổ 150 năm tuổi ở số 51 Hàm Nghi (Huế).

“Lý do chọn căn biệt thự cổ vì gia đình Dương Phúc thuộc giới thượng lưu xưa nên phải kiếm một ngôi nhà cũ, bề thế, có bề dày lịch sử, thể hiện được truyền thống. Công đoạn tìm bối cảnh phù hợp khá gian nan. Vì đây là phim kinh dị, khá khó thuyết phục các gia đình khác hợp tác cho quay nên ê kíp quyết định đầu tư phục dựng căn nhà này. Như vậy sẽ thuận lợi khi quay những cảnh hù ma, cảnh đám tang, qua đó cũng đóng góp công sức bảo tồn 1 căn nhà có giá trị lịch sử văn hóa. Khó khăn khi phục dựng là phần gỗ trong nhà đã hư hỏng nghiêm trọng, không sử dụng lại được, phải tháo toàn bộ mặt sàn ra gia cố lại. Gỗ dùng là gỗ thông biến tính, chở từ TPHCM ra Huế. Chi phí phục dựng và thiết kế cảnh quay chiếm khoảng 22 - 25% kinh phí sản xuất phim”.

Đoàn phim Công tử Bạc Liêu cũng dùng vật liệu “xịn” khi dựng bối cảnh. Nhà sản xuất Giang Hồ tiết lộ: “Chúng tôi chọn lát mấy trăm mét sàn bằng gỗ tự nhiên giá 1 triệu đồng/m2 thay vì lát gỗ công nghiệp hoặc dán decal. Phần thiết kế tốn hơn chục tỉ đồng. Phim lăng-xê mốt thời trang Sài Gòn/Nam Bộ từ những năm 1930 nên phục trang cũng tốn kém. Vải may áo vest phải nhập thứ đắt tiền từ Anh. Áo bà ba của những nhân vật nhà giàu trong phim được may bằng lụa và dùng kỹ thuật may đặc biệt để có phom dáng đẹp, không nhăn, tạo ra sự sang trọng. Tổng cộng phục trang may mới khoảng 100 bộ vest, hơn 100 áo dài và hơn 50 áo bà ba”.

Trước các phim này, khán giả cũng từng trầm trồ khi chứng kiến cuộc sống xa hoa lộng lẫy của người giàu trong Gái già lắm chiêu phần 3 và 5, Tiệc trăng máu, Chị chị em em 2. Ở những phim này, nhà sản xuất mạnh tay chi 2-3 tỉ đồng chỉ để xây một khu vườn hay tạo ra căn penthouse sang chảnh, nội thất được “may đo” riêng. Nhân vật mặc những bộ trang phục sang trọng, phụ kiện đeo trị giá tiền tỉ do các thương hiệu nữ trang tài trợ. Tất cả tạo nên sự mãn nhãn về mặt thị giác. Đó cũng là một phần lý do các phim trên đạt doanh thu cao.

Cân bằng tính chân thực và giải trí

Những bộ phim làm về giới thượng lưu ngày xưa luôn có sức hấp dẫn nhất định với người xem. Các bối cảnh gây choáng ngợp về độ sang chảnh hay những trang phục kèm phụ kiện đắt tiền làm phong phú trải nghiệm giải trí cho người xem. Dù vậy, nhà sản xuất Will Vũ (phim Chị chị em em 2, Cô dâu hào môn) cho biết: “Phim Việt khai thác về giới nhà giàu xưa có nhiều hạn chế, đa số là làm giàu không tới. Chi phí có hạn nên phải tính toán phân bổ sao cho hài hòa. Bối cảnh có thể “ăn gian” bằng cách quay nhiều nơi rồi dùng kỹ thuật dựng phim để khán giả tưởng là một chỗ”.

1.Đoàn phim Linh miêu- quỷ nhập tràng phục dựng 1 biệt thự cổ 150 tuổi để khắc họa cuộc sống giàu sang gia tộc Dương Phúc (ảnh: ĐPCC)
1.Đoàn phim Linh miêu- quỷ nhập tràng phục dựng 1 biệt thự cổ 150 tuổi để khắc họa cuộc sống giàu sang gia tộc Dương Phúc (ảnh: ĐPCC)

Nhà sản xuất Hồ Xuân Phú cho biết: “Ngoài áp lực chi phí còn có áp lực từ khán giả, phải làm sao cho người xem tin câu chuyện này thực sự là của một gia đình giàu có. Đứng giữa để cân bằng giữa tính chân thực và tính giải trí là điều khó nhất đối với nhà sản xuất khi làm phim về nhà giàu. Làm quá sẽ bị nói là phô trương, màu mè, làm không tới khán giả lại không tin. Phải phân tích điểm nào là quan trọng của bộ phim, từ đó phân bổ ngân sách, sử dụng thiết kế cho hợp lý”. Nhà sản xuất Giang Hồ đồng tình: “Phải suy nghĩ từng góc máy, bối cảnh cần nhấn để đầu tư sao cho lên hình trông thật nhất. Chẳng hạn trong Công tử Bạc Liêu, chỉ tấm rèm sân khấu thôi nhưng chúng tôi dùng vải nhung, hàng nhập thay vì vải satin để lên hình nhìn sang, lung linh”.

Phim về giới nhà giàu xưa luôn yêu cầu phải xây dựng bối cảnh tương xứng, chi phí tốn kém nhưng sẽ tạo được hiệu quả chân thực, giúp diễn viên nhâp vai tốt hơn. Những phim thực hiện tốt điều này thường có kết quả bán vé tốt. Trường hợp thất bại thường rơi vào những phim chưa đầu tư xứng đáng khâu thiết kế lẫn kịch bản.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI