Áp lực lớn đang đè nặng lên các bác sĩ trẻ

29/08/2023 - 06:16

PNO - Kể từ đại dịch COVID-19, áp lực ngày càng tăng trong ngành y tế khiến nhiều y, bác sĩ cảm thấy kiệt sức, ám ảnh tâm lý, mắc các bệnh về tâm thần và thậm chí là tự tử.

Ám ảnh và kiệt sức

Takashima Shingo (26 tuổi) là bác sĩ nội trú tại một bệnh viện ở TP Kobe (Nhật). Trước khi tự sát vào tháng 5/2022, Takashima làm việc ngoài giờ hơn 207 tiếng trong vòng 1 tháng trước khi qua đời và không nghỉ bất kỳ ngày nào trong suốt 3 tháng. Mẹ của Takashima - bà Junko Takashima - nói: “Con tôi sẽ không thể trở thành một bác sĩ tốt, cũng sẽ không thể cứu bệnh nhân và đóng góp thêm cho xã hội. Tuy nhiên, tôi chân thành mong rằng môi trường làm việc của các bác sĩ sẽ được cải thiện, để điều tương tự không xảy ra nữa trong tương lai”.

Bà Junko Takashima - mẹ của bác sĩ Shingo Takashima - khóc bên di ảnh của con trai tại cuộc họp báo ngày 18/8/2023 ở Osaka, Nhật Bản - Nguồn ảnh: AP
Bà Junko Takashima - mẹ của bác sĩ Shingo Takashima - khóc bên di ảnh của con trai tại cuộc họp báo ngày 18/8/2023 ở Osaka, Nhật Bản - Nguồn ảnh: AP

Trên thế giới, các bác sĩ có nguy cơ tự tử cao gấp 2-5 lần so với dân số nói chung, trong đó các bác sĩ nữ và bác sĩ trẻ có nguy cơ đặc biệt cao. Các yếu tố góp phần vào tỉ lệ tự tử cao trong cộng đồng y tế bao gồm khối lượng công việc khổng lồ, áp lực cao, nạn bắt nạt và quấy rối tại nơi làm việc, thiếu ngủ, sự hỗ trợ kém và nguồn lực hạn chế cho nhân viên. Bác sĩ Ashar - vừa hoàn thành khóa thực tập tại Trường cao đẳng Y tế Bắc Bengal, Ấn Độ - cho biết: “Chúng tôi rất thiếu nhân lực, đặc biệt là những người làm việc tại bệnh viện công”. Ashar cho rằng, việc làm việc quá sức khiến họ hoạt động gần như robot và thiếu sự đồng cảm. 

Cuộc vật lộn với áp lực của các y tá, bác sĩ bắt đầu ngay từ trường đại học. Theo một công bố trên Tạp chí Y khoa JAMA, tỉ lệ trầm cảm và ý tưởng tự tử ở sinh viên y khoa cao hơn so với dân số nói chung. Số liệu gần đây của Ủy ban Y tế Quốc gia Ấn Độ (NMC) cho thấy, có 64 sinh viên nhóm ngành y - dược và 55 bác sĩ sau đại học đã chết do tự tử trong 5 năm qua.

Tiền lương không phải mối quan tâm duy nhất

Những ngày gần đây, các bác sĩ trẻ đang làm việc tại Anh lại tiếp tục đình công. Đây là cuộc đình công thứ năm do Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) tổ chức, yêu cầu tăng lương 35% để bù đắp cho mức lương thực tế mà họ mất đi sau 15 năm lạm phát. Omolara Akinnawonu - một bác sĩ trẻ - chia sẻ: “Thật khó để bạn nghĩ đến việc đình công khi mới bắt đầu sự nghiệp chưa đầy 1 tháng”. Tuy nhiên, những lo lắng về tài chính đã đè nặng lên quyết định của họ. Nhiều bác sĩ trẻ mới nhận việc sẽ không thể lãnh lương cho đến cuối tháng Tám. “Khoản tiền lương đầu tiên chỉ để trang trải nợ nần mà tôi gánh chịu trong vài tháng qua, phần còn lại hoàn toàn không đủ sống” - Akinnawonu nói. Một bác sĩ năm thứ nhất khác cho biết, cô đang nợ hơn 100.000 bảng Anh tiền học phí và dự kiến nhận được mức lương cơ bản 14,09 bảng Anh mỗi giờ. Để tiết kiệm, cô tự cắt tóc và mua quần áo từ các cửa hàng từ thiện. 

Lý do chính của những cuộc đình công thường là về tiền lương, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến nhiều bác sĩ trẻ quyết định xuống đường bày tỏ sự bất mãn. Tại Anh, sau 4-7 năm học y khoa, các bác sĩ sẽ trải qua 2 năm đào tạo cơ bản, sau đó tiếp tục đào tạo về chuyên ngành đã chọn dưới sự giám sát của bác sĩ tư vấn trong 3-8 năm. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng khi dân số tăng và già đi, cùng sự thiếu hụt nhân viên y tế nói chung khiến các khoa cấp cứu của bệnh viện quá tải. Những áp lực này tạo ra khối lượng công việc nặng nề, mệt mỏi và liên tục cho nhân viên y tế. Nhiều bác sĩ trẻ hy vọng những cuộc đình công có thể mang lại cải thiện cần thiết về điều kiện làm việc, cũng như khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cho bệnh nhân. 

Linh La

(theo CNN, The Conversation, Guardian, The Hindu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI