Phục vụ kém là tự đá mình văng khỏi thị trường
Vừa bước trờ tới cửa một cửa hàng điện máy T. (đã được nước ngoài đầu tư), tôi định đẩy cửa bước vào thì bên trong đã có một nhân viên lịch sự trong bộ đồng phục đứng sẵn làm công việc này.
Vừa bước vào bên trong, tôi vừa kịp cảm nhận sự dễ chịu của hơi máy lạnh phả vào thì tiếp tục được hai nhân viên đặt chéo tay trên ngực, khom xuống cúi chào. Một bạn nhanh nhảu hỏi tôi cần gì. Khi biết khách đang tìm mua một chiếc ốp lưng cho điện thoại, một bạn liền dẫn đến ngay quầy phụ kiện, hướng dẫn cho tôi giúp công việc tìm kiếm trở nên đơn giản hơn.
Những vị khách bên cạnh hoặc gần chỗ tôi đứng cũng được các nhân viên hướng dẫn rất nhiệt tình. Bên cạnh tôi là một vị khách đang tìm mua một chiếc điện thoại. Anh xem và ưng ý một chiếc điện thoại hiệu Samsung, hỏi đợt này có chương trình giảm giá, khuyến mãi gì không, liền được một nhân viên kiểm tra và trả lời ngay lập tức.
Sau khi tôi trả tiền, cả nhân viên tính tiền và người hỗ trợ tôi tìm kiếm sản phẩm đều nói “cảm ơn”. Tôi ra đến cửa, nhân viên đứng sẵn đấy cũng cúi chào. Không chỉ riêng cửa hàng T. mà gần đây, các dịch vụ mua sắm đều chu đáo hơn với khách hàng.
|
Người tiêu dùng được hưởng dịch vụ ngày càng tốt hơn khi các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh. |
Trước khi có sự bùng nổ của các nhà đầu tư nước ngoài với cung cách phục vụ theo chuẩn thống nhất của thương hiệu, hầu hết người bán chỉ chú trọng chủ yếu là chất lượng món hàng. Bây giờ, ngoài chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp còn quan tâm đến giá rẻ, bao bì đẹp và phục vụ chu đáo.
Chị Hồng Linh, ngụ tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kể: “Mới đây, nồi cơm điện hư, thấy trang web L. (chuyên bán hàng qua mạng) đang chạy nhiều chương trình khuyến mãi, tôi mua nồi cơm 199.000 đồng. Hàng được giao tận nhà, lại còn được gói kỹ càng trong một chiếc thùng giấy, bên trong có mút để nồi cơm không bị hư hỏng. Tôi cứ nghĩ bụng, sản phẩm được giao miễn phí, giá cả lại quá rẻ, gói ghém bao bì chu đáo vậy thì họ lấy đâu nữa mà lời”.
179 tỷ USD là con số đầu tư cho thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2020. Tốc độ tăng trưởng thương mại của ngành dự kiến đạt khoảng 11,9%/năm
(Dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Công thương) |
Còn chị Quyên Bảo, ngụ tại Q.3, TP.HCM, mua hai chai sữa tắm trên một website hào hứng chia sẻ: “Hàng trị giá chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng sản phẩm được gói cẩn thận và đặt trong chiếc hộp màu trắng, bên ngoài có tên dịch vụ trông giống như một hộp quà vậy”.
Khi thị trường nổi lên các doanh nghiệp phục vụ khách hàng theo chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp khác cũng phải học theo nếu không muốn bị đẩy bật ra khỏi thương trường.
Doanh nghiệp Việt “cuống cuồng” chăm lo khách hàng
“Bây giờ, người tiêu dùng trung thành với một công ty, một thương hiệu chỉ khi họ có những điểm mạnh để níu chân khách hàng. Nếu không, trong một thị trường đầy cạnh tranh, người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa một “bến đỗ” mới với nhiều ưu điểm hơn. Do đó, các doanh nghiệp phải chú trọng đến việc chăm sóc khách hàng để “thu phục” và chiếm lòng tin của khách hàng. Tạo được một dịch vụ khách hàng tốt, ổn định là điều rất có giá trị đối với một doanh nghiệp. Là doanh nghiệp Việt Nam, lại là doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi rất khó để giảm chi phí nên tập trung vào cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn. Và tôi đã làm theo cách này để tăng doanh thu” - ông Vũ Cao Đạt, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sơn Hải, bộc bạch.
“Hoạt động mua bán, sáp nhập là một kênh tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả. Việc thâu tóm và sáp nhập không hẳn là những cuộc cọ xát, thôn tính thương hiệu như nhiều người lo ngại mà còn là cách để hỗ trợ nhau trong nền kinh tế hội nhập.
Với các doanh nghiệp trong nước, để hoạt động hiệu quả trong môi trường đầy áp lực như hiện nay, cần tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng và việc mua bán, sáp nhập chính là con đường hiệu quả nhất để đáp ứng các yêu cầu đó”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải
|
Tuy vấp phải sự cạnh tranh của các tập đoàn bán lẻ quốc tế hay các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn thấy rõ sự tiếp nhận nguồn vốn mới có thể giúp công ty Việt Nam lớn lên. Bà Nguyễn Hồng Trang, thành viên Hội đồng quản trị Công ty thời trang Sơn Kim (SKF) cho biết, Sơn Kim đã kết hợp với một nhà bán lẻ Hàn Quốc là GS25 để lập ra công ty con, điều hành một hệ thống cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam nhằm chủ động trong việc phân phối sản phẩm.
Trước đó, dự đoán sự lớn mạnh của các cửa hàng bán lẻ nước ngoài có thể “làm khó” cho doanh nghiệp Việt, Công ty Minh Long I đã xây dựng hệ thống cửa hàng phân phối riêng và có một Minh Sáng Plaza rộng hơn 3.000m2 tọa lạc tại tỉnh Bình Dương, không chỉ để bán sản phẩm mà còn là nơi để người mua hiểu được văn hóa doanh nghiệp.
Năm 2018, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực. Các chuyên gia kinh tế nhận định, làn sóng các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội để lớn nhanh.
Chỉ trong vòng một năm nay, lĩnh vực bán lẻ đã trở thành “tâm điểm” của hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) thành công, với sự đổ bộ của nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán lẻ nước ngoài. Hai quỹ đầu tư lớn Warburg Pincus (Mỹ) và Credit Suisse (Thụy Sỹ) đầu tư tổng cộng 299 triệu USD, hiện nắm giữ 20,2% cổ phần của Vincom Retail - công ty thành viên quản lý hệ thống trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup.
Bên cạnh đó, quỹ đầu tư đến từ Thái Lan là The Ton Poh Fund đã nhận chuyển quyền sở hữu thành công 1,5 triệu cổ phiếu MWG từ hai quỹ ngoại khác, rót thêm 10 triệu USD vào Thế Giới Di Động. Tập đoàn Mapletree và Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) bắt tay với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).
Trước đó, tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% của Citimart; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam; Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan cũng đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Metro (Đức) tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam.
Ngoài ra, BJC cũng mua lại Family Mart và đặt mục tiêu mở rộng lên đến 300 cửa hàng vào năm 2018; Central Group mua lại 49% cổ phần của Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim.
|
“Các cửa hàng tiện dụng có yếu tố nước ngoài phát triển vô cùng sôi động trong năm qua. Điều này ảnh hưởng nhiều tới hành vi tiêu dùng. Đa phần các cửa hàng tiện ích này phục vụ nhiều thứ, đặc biệt là phục vụ luôn thức ăn nhanh và tiện lợi trong việc mua sắm, ăn uống. Các hàng quán truyền thống ít nhiều đã bị ảnh hưởng: thúc đẩy mạnh các dịch vụ kèm theo như giao hàng tận nhà, hiểu hơn về sở thích và thói quan của khách hàng”.
Ông Ngô Đình Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp quản trị Tổng thể ISM |
Bảo Uyên