Áp lực kết hôn và sự phản kháng của giới trẻ châu Á

27/07/2022 - 06:19

PNO - Viễn cảnh kết hôn ở tuổi đôi mươi là một vấn đề mà nhiều người trẻ ở châu Á phải đối mặt, đặc biệt là phụ nữ. Áp lực này chủ yếu đến từ gia đình, xã hội và có thể dẫn đến gánh nặng tâm lý, thậm chí là bệnh tâm thần đối với người trẻ.

Áp lực phải kết hôn

Đầu năm 2022, Trung Quốc đăng một video nhắc nhở những thanh niên sinh năm 2000 rằng họ đã đủ điều kiện kết hôn. Theo luật của nước này, nam giới từ 22 tuổi và nữ giới từ 20 tuổi có thể kết hôn. Video nhanh chóng xuất hiện trong danh sách các chủ đề nóng được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo.

Nhiều người trẻ tuổi bày tỏ sự bất bình trước lời “nhắc nhở” mà vốn dĩ họ đã nghe quá nhiều từ gia đình và bạn bè. Một người đặt câu hỏi: “Ai dám kết hôn khi còn bận kiếm tiền sống qua ngày cơ chứ”. Một người khác tha thiết: “Xin đừng tạo thêm áp lực cho tôi”.

Ở Trung Quốc, kỳ vọng kết hôn thường tạo ra sự chia rẽ giữa thế hệ trẻ và cha mẹ. Theo quan niệm cũ, phụ nữ phải kiếm một tấm chồng khi họ còn trẻ. Sự độc lập và có tham vọng của những phụ nữ trẻ hiện đại thường bị chỉ trích hơn là ca ngợi. 

Một phụ nữ trẻ kiểm tra thẻ thông tin của các ứng viên tiềm năng tại một sự kiện mai mối ở Trung Quốc - ẢNH: AFP
Một phụ nữ trẻ kiểm tra thẻ thông tin của các ứng viên tiềm năng tại một sự kiện mai mối ở Trung Quốc - ẢNH: AFP

Gần đây, một phụ nữ 27 tuổi ở Trung Quốc được chẩn đoán mắc chứng lo âu trầm trọng do áp lực không ngừng từ cha mẹ trong việc tìm một người đàn ông và kết hôn. Câu chuyện đã nhận được 260 triệu lượt xem trên Weibo.

Người phụ nữ đến từ tỉnh Sơn Đông đã đến khám tại một bệnh viện địa phương sau khi trải qua cơn hoảng loạn với triệu chứng khó thở, tê người và chân tay co giật. Cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu và tình trạng khó thở gây ra bởi nồng độ carbon dioxide trong máu thấp do thở gấp. Bác sĩ cho biết, các triệu chứng của cô bắt đầu sau một cuộc tranh cãi nảy lửa với cha mẹ về việc kết hôn. Nhiều người trên mạng đồng cảm với hoàn cảnh của người phụ nữ và thừa nhận áp lực từ các bậc cha mẹ trong việc kết hôn là không thể chịu nổi. 

Việc kết hôn muộn đang trở nên phổ biến hơn tại châu Á. Ở Trung Quốc, số lượng các cuộc hôn nhân đang giảm dần trong gần một thập kỷ kể từ khi đạt đỉnh 13,5 triệu vào năm 2013. Việc kết hôn ở những người có độ tuổi từ 25-29 đã trở nên phổ biến, thay vì độ tuổi từ 20-24 như trước kia.  

Bất đồng về quan điểm thế hệ

Ngày càng nhiều thanh niên châu Á trì hoãn việc kết hôn khi khu vực trở nên thịnh vượng hơn. Wang Feng - giáo sư xã hội học tại Đại học California, Irvine (Mỹ) - cho biết sự thay đổi này diễn ra rất nhanh chóng ở các đô thị của Trung Quốc. Dữ liệu điều tra dân số giai đoạn 2000-2010 cho thấy thanh niên Trung Quốc có trình độ đại học, trong độ tuổi từ 25-29 có nhiều khả năng là người độc thân. Đặc biệt, phụ nữ ở các thành phố phát triển có ít mong muốn kết hôn hơn so với vùng nông thôn. 

Yang Yang đã ngoài 20 tuổi, sống ở Thượng Hải, nhưng bố mẹ cô liên tục gây áp lực buộc cô phải về quê ở Chiết Giang để kết hôn và lập nghiệp. “Phụ nữ không nên làm việc quá sức”, cha của Yang Yang khẳng định. Mẹ cô than phiền: “Thật là mệt mỏi khi có một cô con gái”. Yang Yang cho biết, cô cảm thấy mắc nợ cha mẹ, nhưng muốn họ nhìn nhận cô như một người trưởng thành, có thể tự quyết định hạnh phúc cá nhân. Ye Liu - du học sinh tại Đại học King's College London (Anh) - cho hay: “Phụ nữ Trung Quốc hiện đại có trình độ học vấn cao hơn các thế hệ trước. Họ thường ưu tiên sự nghiệp hơn là kết hôn sau khi học đại học”. Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc lên mạng xã hội để khoe rằng họ đã qua tuổi thanh xuân, chưa kết hôn và vẫn có cuộc sống tuyệt vời. 

Mặt khác, việc tìm được một người đàn ông hợp ý, môn đăng hộ đối khi phụ nữ ngày càng tự chủ về tài chính dường như là một nhiệm vụ khó. Lan Pei Chia - giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) - chia sẻ: “Một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ Đài Loan có trình độ học vấn cao vẫn chưa kết hôn. Không phải họ không lãng mạn hoặc không khao khát kết hôn, họ chỉ đơn giản là không tìm được người bạn đời lý tưởng - một người sẽ làm công việc nhà một cách bình đẳng, tôn trọng phụ nữ và có vị trí kinh tế ngang hàng”. 

Giáo sư Yamada Masahiro - Đại học Chuo (Nhật Bản) - tiết lộ phụ nữ Nhật Bản thích kết hôn với người đàn ông có địa vị xã hội, thu nhập hoặc trình độ học vấn cao hơn họ. Theo ông Masahiro, ngày nay tại Nhật Bản và các nước châu Á khác, mọi người tin vào tình yêu giữa cha mẹ và con cái hơn là giữa các cặp đôi. Do đó nhìn chung, kết hôn sớm được coi như một phần quan trọng trong việc hoàn thành nghĩa vụ của người con đối với cha mẹ thay vì khía cạnh hạnh phúc lứa đôi. Kết quả là áp lực kết hôn của con cái thường là nguyên nhân chính gây tranh cãi trong các gia đình Á Đông. 

Linh La (theo SCMP, Insider, Nippon, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI