Áp lực học hành: Cha mẹ là cha mẹ, cha mẹ không thể là bạn

13/04/2018 - 09:23

PNO - Thầy cô, trường học, ngay cả cha mẹ, cũng chỉ là một trong những nhân tố giúp cho mình có định hướng trong cuộc sống thôi, nếu bản thân không tự nhận thức được thì khó mà vượt qua hết được những thử thách trong cuộc sống.

Suốt cả tuần cứ nghe bàn luận, trách cứ về việc cậu học sinh không chịu được áp lực phải tự tử, dường như dư luận đang cố để xoa dịu nỗi đau bằng việc tìm ra ai đó để đổ lỗi.

Ap luc hoc hanh: Cha me la cha me, cha me khong the la ban

Hồi xưa, tôi cũng biết cái trường đó mỗi khi qua lại đưa thằng cậu con nuôi ông đi vào đó học. Nó là bằng tuổi tôi nhưng là dạng học sinh cá biệt khi từ bé đã được ông cưng chiều nên hoang đàng không chịu học, mặc cho mẹ có khổ bao nhiêu với việc cho nó hoàn thành bậc trung học phổ thông. Bản thân tôi nghĩ nó vốn là đứa thông minh hơn tôi, nhưng tiếc thay tới lúc nào đó, mẹ cũng không đủ kiên nhẫn để "bắt" nó học tiếp đại học. Nó tự do từ đó.

Tôi vẫn nhớ như in bao nhiêu lần ngồi khóc giữa đêm trên xe hay trong phòng ngủ mỗi lần đi học về ở nơi xứ người. Lúc đó lớn không lớn, nhỏ cũng không phải là nhỏ, xa cha xa mẹ, nhiều khi nghĩ trường có gửi giấy mời phụ huynh hay sổ liên lạc về ba mẹ cũng đọc không hiểu. Vậy là tự hỏi, mình học giỏi để làm gì ?

Ba mẹ thì bận làm ăn, chưa kể nhà còn phải lo cho đứa em gái, những gì mình đạt được có ý nghĩa gì chăng khi không ai biết? Lúc xưa trong cuộc trò chuyện với bà, bà kể về ba, bà nói ba khi lớn đi lên tỉnh, lên thành phố học giỏi là để ông bà được vui lòng. Nhưng tôi thì nghĩ, với số tiền ba mẹ đầu tư cho mình, nếu mình không cố tận dụng góp nhặt những kiến thức, những trải nghiệm ở đây thì mình là một kênh đầu tư thất bại.

Để nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà, tôi cho mình một thời khoá biểu kín với tất cả thời gian mình có. Ngoài việc học ở trường, tôi tham gia tất cả những hoạt động ngoại khóa mà mình thích, phủ kín giờ ăn giờ nghỉ trưa bằng những buổi tập hát, tập đàn, sinh hoạt nhóm hát nhà thờ, tập võ trong và ngoài trường, tập gym kết hợp múa sau giờ học.

Thật may mắn là khi tham gia các hoạt động ngoại khoá cũng là cơ hội tôi kết nối và tạo cảm tình với các bạn lớn nhỏ trong và ngoài trường, cũng là cách khiến bản thân cởi mở hơn, dạn dĩ hơn.

Đến khi lên đại học, với một môi trường giáo dục mở, tự lập nhưng hạn hẹp về tuyển sinh vì số lượng sinh viên theo học quá nhiều thì sự cạnh tranh khốc liệt trở thành một áp lực kinh khủng.

Hoặc tập trung học thật tốt với và ra trường với tấm bằng mơ ước, hoặc ra khỏi trường trắng tay khi không đủ chứng chỉ theo yêu cầu của trường. Cái tòa nhà chuyên ngành kiến trúc của trường thiết kế môi trường đó sáng đèn suốt đêm, ai đã bước vào như bước vào cuộc chiến của chính mình.

Đó là những tháng ngày miệt mài đèn sách chỉ có 2-3 tiếng ngủ cho mỗi đêm trong suốt nhiều tháng trời. Cứ mỗi sáng bước vào studio là bọn nó vật vờ ngậm bàn chải như một bóng ma. Đa số là không thể làm thêm vì không đảm bảo được thời gian, nhưng đã phải cơm áo gạo tiền vì mưu sinh thì cũng quá sức siêu.

Thầy cô tuy không la nhưng nếu làm không tốt hay không có tiến triển thì mấy ông thầy bà cô cũng hiện về trong giấc mơ của mình. Giáo viên càng trẻ thì càng khó, mà càng khó thì việc bảo vệ lập luận hay bị bế tắc cũng ít nhiều bị mỉa mai trước cả giảng đường. Có đứa bạn gái hỏi mình "Mày đã khóc chưa? Nếu chưa, trong học kì này trước sau gì mày cũng sẽ khóc". Khóc không vì nhớ nhà, khóc vì cái áp lực của sự học nó quá kinh khủng cho mấy đứa con gái kéo theo cả nhan sắc tuổi thanh xuân trông thua xa cả mấy mẹ bỉm sữa.

Vượt qua nhiều khó khăn để đến hôm nay, tất cả những gì trải qua chả thấm thía gì với sự rèn luyện từ môi trường giáo dục mà tôi từng trải qua. Khách hàng có kí hợp đồng rồi thanh lí hợp đồng, có bắt sửa đi sửa lại ý tưởng 100 lần hay bị cái bọn ranh nó lừa mất tiền đi chăng nữa cũng không thấm gì.

Xưa ở Úc tôi vác balo 9 kg, mang đôi giày tứa máu thấm qua vớ đi bộ hơn tiếng đồng hồ mỗi ngày đi học ngày này qua ngày kia. Hay những hôm bệnh đói vã ra vẫn phải lết dậy tự nấu, tự uống thuốc rồi chiến đấu tiếp với bọn bạn đầu gấu trong trường suốt nhiều năm liền, vẫn thấy rằng cuộc sống hiện tại thật ra là quá sung sướng.

Thầy cô, trường học, ngay cả cha mẹ, cũng chỉ là một trong những nhân tố giúp cho mình có định hướng trong cuộc sống thôi, nếu bản thân không tự nhận thức được thì khó mà vượt qua hết được những thử thách trong cuộc sống. Ai đã làm cha làm mẹ thì không thoát ra được tu tưởng kỳ vọng và áp lực lên con. Cha mẹ là cha mẹ, cha mẹ không thể là bạn.

Trong trường hợp đau lòng kia, báo chí cũng nên bớt khai thác lại, nỗi đau để lại cho gia đình họ đã quá lớn, bản thân cha mẹ mất đi con cũng đã quá sức. Chúng ta chẳng thể nào có thế phán xét họ để cuộc sống họ trở nên thêm bi kịch. Nhà trường cũng không thể nào kiểm soát được hết tâm tư tình cảm của tất cả học sinh.

Ta chỉ có thể cầu nguyện cho em ở nơi nào đó, em sớm được siêu thoát, khép lại nỗi đau cho những người ở thân ở lại.

Duyên Hải

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một kiến trúc sư có thời gian du học tại Australia và Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI