Áp lực đè nặng lên vai cha mẹ có con mắc bệnh tự kỷ

18/08/2023 - 06:40

PNO - Cha mẹ, người thân đang chăm sóc trẻ tự kỷ phải đối mặt với căng thẳng liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và tài chính. Họ rất cần sự trợ giúp của xã hội để san sẻ gánh nặng này.

Khủng hoảng tâm lý

Ngày 15/8, một người đàn ông ở Singapore bị tòa kết án 14 năm tù vì tội sát hại 2 đứa con trai sinh đôi bị tự kỷ vào tháng 1/2022. Xavier Yap Jung Houn (50 tuổi) khai rằng anh muốn giết các con rồi tự sát vì cảm thấy vợ mình đã từ bỏ 2 đứa nhỏ và đánh đập chúng thường xuyên hơn.

Vợ chồng anh Jason Cutler đang cố gắng chăm sóc tốt nhất có thể cho bé Mia - Nguồn ảnh: Cornwall Live
Vợ chồng anh Jason Cutler đang cố gắng chăm sóc tốt nhất có thể cho bé Mia - Nguồn ảnh: Cornwall Live

Anh cho rằng việc giết chúng sẽ trút bỏ được gánh nặng cho vợ, để cô và con gái riêng có thể tiếp tục cuộc sống bình thường. Người cha tuyệt vọng cũng sợ các con mình sẽ bị người khác bắt nạt và không có ai chăm sóc sau khi vợ chồng anh qua đời. Vì vậy, Xavier quyết định “giải thoát” chúng khỏi sự căng thẳng và đau khổ lâu dài. Ban đầu anh bị buộc tội giết người nhưng sau đó tội danh đã được hạ xuống thành ngộ sát, sau khi cơ quan điều tra xác nhận anh mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng vào thời điểm xảy ra vụ án. 

Vào tháng Bảy, Jason Cutler - 44 tuổi, ở Cornwall, Anh - đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho cha mẹ của những đứa trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt và khuyết tật. Anh cho biết mình đã dành gần 2 năm để cố gắng đưa con gái Mia (6 tuổi) vào một trường học phù hợp, sau khi nhà trẻ địa phương từ chối nhận. Vợ của anh - Ella (40 tuổi) - trở thành người chăm sóc toàn thời gian cho Mia, trong khi Jason chỉ có thể đi làm 3 ngày mỗi tuần để có thời gian hỗ trợ người vợ.

Mia mắc chứng tự kỷ nặng, chậm phát triển, tăng động cùng một số khuyết tật khác. Bản thân Jason cũng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu và từng phải nhập viện vì căng thẳng do hoàn cảnh gia đình. Đôi vợ chồng đang cố gắng làm những điều tốt nhất có thể cho Mia nhưng gần như mọi tình huống trong cuộc sống đều có thể khiến cô bé mất kiểm soát.

Anh Jason chia sẻ: “Chúng tôi không thể ngồi xuống và ăn một bữa ăn gia đình bình thường vì Mia có thể không thích món ăn, mùi hoặc những thứ khác. Chẳng hạn nếu chúng tôi phi hành, con bé sẽ phản ứng bằng cách tự làm hại mình, giật tóc và đập đầu vào đồ vật”. 

Phụ huynh cần quan hệ chặt chẽ với nhà trường 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu, cứ 100 trẻ em thì có khoảng 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. Vào năm 2015, Trung tâm Dịch vụ trẻ em đặc biệt Xingguang được thành lập tại TP Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.

Tổ chức phi lợi nhuận này cung cấp dịch vụ can thiệp và đào tạo phục hồi chức năng sớm cho trẻ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ và rối loạn ngôn ngữ. Hiện trung tâm đang phục vụ 132 trẻ và có 38 giáo viên.

Cô Chen Zhifang - Giám đốc và là giáo viên tại trung tâm - cho biết: “Điều trẻ tự kỷ cần nhất không phải là sự cảm thông hay lòng trắc ẩn, mà là giáo dục”. Mẹ của An An - một học sinh tại trung tâm - cho biết: cô nhận thấy con mình khác lạ từ khi đứa trẻ lên 4, do cậu bé khó đi, không phản ứng khi gọi tên, chậm nói và kém chú ý. Sau 3 tháng học tập tại trung tâm, cuối cùng đứa trẻ cũng đã biết gọi “Mẹ”.

Cách đây vài ngày, nghiên cứu của nhóm tác giả từ Đại học Nam Úc được công bố cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường là trọng tâm cho việc học tập, phát triển và hạnh phúc của trẻ tự kỷ. Tiến sĩ Kobie Boshoff - Trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết: “Mối quan hệ hiệu quả giữa phụ huynh và giáo viên rất quan trọng đối với trẻ mắc tự kỷ. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc thiết lập liên lạc tích cực với trường học”.

Bà Boshoff giải thích thêm: “Một phần của vấn đề là do trường học không có đủ thời gian hoặc nguồn lực để hỗ trợ phù hợp cho các gia đình có trẻ tự kỷ. Một phần khác là sự hiểu biết hạn chế chung về tự kỷ trong thực tế và trẻ mắc tự kỷ cần hỗ trợ những gì. Các vấn đề khác còn lại liên quan đến khả năng giao tiếp kém giữa phụ huynh và nhà trường”. Do đó, các chuyên gia trị liệu có thể giúp thay đổi điều này bằng cách đóng vai trò cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường. 
 

Linh La (theo CNA, Medical Express, Xinhua)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI