Áp lực của yêu thương

04/05/2022 - 06:50

PNO - Như cỏ cây phải chịu áp lực nắng, gió, chân người giày xéo, để mà lớn lên...

Trong một lần không kiềm được cơn tức giận, tôi đã đánh con, và câu nói của đứa trẻ 13 tuổi khiến tôi lập tức dừng tay lại: “Thêm lần này nữa là mẹ đã đánh con tổng cộng bảy lần. Con đã quen chịu đựng đòn roi rồi, chịu thêm nữa cũng không sao”.

Ảnh mangtính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mangtính minh họa - SHUTTERSTOCK

Tôi dừng tay không phải vì con số khiến tôi giật mình mà vì tôi không ngờ con nhớ tất cả những tổn thương mà mẹ đã mang lại cho nó, trong khi chính tôi đã quên sạch. 

Sau lần đó, chọn lúc mẹ con đang vui vẻ bên nhau, tôi hỏi: “Con nhớ tất cả những lần mẹ làm con đau à? Vì sao?”. Con bé kể vanh vách về mỗi trận đòn, thời gian, địa điểm, nguyên nhân, hậu quả… kể cả trận đòn từ ngày con còn bé tí. Tuy con không nói vì sao con nhớ mọi chi tiết về chúng, nhưng tôi cũng tìm được câu trả lời khi soi chiếu vào câu chuyện của chính mình.

Điều đó cũng tương tự như việc tôi không bao giờ quên lần ba tôi trừng phạt tội nghịch nước bằng cách nhốt tôi trong nhà tắm cùng chuột, gián, bóng tối và nỗi cô đơn năm tôi bốn tuổi. Nhưng khi tôi kể lại câu chuyện này, ông hoàn toàn không nhớ một chút gì. Thậm chí, ông còn ngơ ngác hỏi: “Làm sao ngày xưa ba có thể đối xử với con như vậy được?”.

Chúng ta không thể nhớ hết những lỗi lầm đã phạm phải trong quá trình làm cha, làm mẹ của mình bởi chúng ta bị hàng trăm thứ phải lo toan che lấp, nhưng con cái của chúng ta thì có. Chúng sẽ không bao giờ quên được, bởi tổn thương đó là rất lớn với sự tiếp nhận từ trí óc còn non nớt của chúng.

Câu chuyện này khiến tôi nhận ra, trong hành trình đi bên nhau, cùng nhau trưởng thành và khôn lớn, tất cả chúng ta đều đáng thương như nhau. Khi còn là một đứa trẻ, tôi thấy trẻ con thật đáng thương vì không được cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu. Nhưng khi đã làm mẹ, tôi lại thấy cha mẹ cũng đáng thương gấp nhiều lần, bởi cha mẹ vẫn thực sự không biết phải thấu hiểu con mình bằng cách nào giữa một thế giới có quá nhiều thông tin.

Phải lắng nghe con từ đâu giữa muôn trùng khó khăn của khoảng cách thế hệ? Cha mẹ không thể biết con đang nghĩ gì, thích gì, ghét gì, khi mình còn chưa biết sử dụng TikTok, Instagram. Trong đầu cha mẹ chỉ luôn thường trực một câu hỏi: “Làm sao để con đầy đủ, không thua kém bạn bè?”. Những cuộc bươn chải mưu sinh, những nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng chỉ để con có một cuộc sống vật chất tốt hơn chính mình ngày xưa. 

Điều đó càng khiến cha mẹ trở nên tội nghiệp, bởi tất cả những nỗ lực đó dường như không mang lại thứ hạnh phúc mà con mưu cầu. Cuộc sống tinh thần trong một xã hội quá nhiều lựa chọn - mà đúng sai chỉ cách nhau một tấc gang - mới là điều con cần hơn cả. Nó quan trọng hơn gấp nhiều lần cuộc sống vật chất kia. Đó là điều không ai được phép xem thường, nhất là khi hệ lụy của việc không hiểu nhau, không có tiếng nói chung giữa cha mẹ và con cái đã và đang xảy ra.

Khi con chọn kết thúc cuộc đời mình, tức là con đang giáng một đòn trừng phạt vào nỗ lực yêu thương nhưng sai cách của cha mẹ. (Trong khi làm sao để yêu thương con đúng cách thì không phải cha mẹ nào cũng biết). Cái sai đó đáng được tha thứ và cảm thông, thay vì bị trừng phạt, bởi không ai được học hành bài bản để trở thành cha mẹ bao giờ. Chúng ta đều bối rối và hoang mang như nhau. Và những sai lầm của cha mẹ rất cần được con cái trao cho cơ hội để sửa chữa, từng ngày, từng giờ, từng chút một…

Trước xu hướng cái xấu “được” lan truyền một cách nhanh chóng trên mạng xã hội, “sức đề kháng” tốt nhất dành cho trẻ trước thực trạng này chỉ có thể là tình yêu thương đủ lớn giữa cha mẹ và con cái. Đủ lớn để cảm thông cho nhau. Đủ lớn để chấp nhận mình và chấp nhận nhau.

Đủ lớn để tiếp tục hành trình này, cùng nhau. Đủ lớn để kiên nhẫn với nhau nhiều hơn. Đủ lớn để luôn phải cần đến nhau, nương tựa nhau, không bao giờ buông tay, bất chấp ngoài kia bão giông thế nào. Và cuối cùng là, đủ lớn để có thể đi qua mọi áp lực, kể cả áp lực của yêu thương.

Như cỏ cây phải chịu áp lực nắng, gió, chân người giày xéo, để mà lớn lên; con tằm muốn hóa bướm, phải trải qua áp lực lột xác nhiều đớn đau. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI