Áp lực của kỳ thi lớp Mười TPHCM ngày càng tăng

21/06/2024 - 06:33

PNO - Ngày 19/6, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố điểm thi tuyển sinh lớp Mười. Trong khi sở nhận định phổ điểm môn toán vẫn ổn định như năm trước, nhiều ý kiến vẫn cho rằng kỳ thi đang gây ra nhiều áp lực và không thực sự phân loại được học sinh.

Điểm toán dưới trung bình chiếm hơn 50%

Vừa xem xong điểm thi, Quốc Bảo - học sinh một trường THCS tại quận 5 - vẫn không khỏi ấm ức khi điểm thi không như kỳ vọng. Điểm môn toán khá thấp nên em chỉ đạt tổng điểm là 15,5. Suốt năm học lớp Chín, ngoài những giờ học trên trường, Bảo còn vùi mình vào các lớp phụ đạo và những giờ học tự do tại nhà. Bảo nói: “Trước kỳ thi, những ngày thức khuya dậy sớm trở thành thói quen hằng ngày của em. Kỳ thi căng thẳng về mặt tinh thần là hiển nhiên nhưng em thật sự thất vọng và sốc khi đề toán quá khó. Em vẫn cố gắng làm hết sức mình, không bỏ câu nào trong đề nhưng kết quả lại không như mong muốn”.

Thí sinh TPHCM dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm 2024 tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10) - ẢNH:  TRANG THƯ
Thí sinh TPHCM dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm 2024 tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10) - Ảnh: Trang Thư

Từ khi xem được điểm thi, Ngọc Trâm - học sinh một trường THCS tại quận Phú Nhuận - càng lo lắng hơn. Dù biết đề khó hoàn thành, rất nhiều người không đạt điểm cao nhưng Trâm vẫn rất thất vọng vì môn toán chỉ được 4 điểm. Những câu hỏi như: “Mình sẽ học lớp Mười ở đâu khi trượt 3 nguyện vọng?”, “Cha mẹ sẽ nghĩ sao khi mình không làm được những điều từng hứa?”… vẫn hiện lên trong đầu Trâm mỗi ngày.

Đồng ý việc đề thi tuyển sinh nên có tính phân hóa nhưng chị Ngọc Nhung - ngụ quận 3, TPHCM - vẫn thấy kỳ thi vừa qua quá khắc nghiệt. “Con tôi học trường điểm nhưng với đề toán, con phải bỏ trắng câu 6, câu 7 và câu 8 chỉ làm được một chút. Cuối cùng, con được 5,5 điểm. Phổ điểm thấp toàn thành thì liệu có học sinh, phụ huynh nào vui nổi. Chưa kể thi xong, nhiều ý kiến còn chê “học sinh học vẹt mới khóc” càng làm tụi nhỏ tủi thân. Một kỳ thi với những đề thi như vậy là quá nặng nề với đứa trẻ 15 tuổi”.

Đón nhận nhiều phản hồi từ học sinh sau kỳ thi, ông Trần Tấn Tài - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong (quận 5) - bày tỏ, học sinh đã rất cố gắng, chăm chỉ học tập và sẵn sàng tâm lý cho việc kỳ thi tuyển sinh sẽ khó hơn những bài thi trên lớp. Tuy nhiên, đề thi toán quá khó, điểm không cao đã làm cho đa số học sinh thấy thất vọng và áp lực. Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Tân Bình cũng nhận định, kỳ thi lớp Mười luôn gây ra áp lực cho cả phụ huynh và học sinh dù là khó hay dễ. Trước kỳ thi, học sinh áp lực vì học tập nhiều, vì thấy tỉ lệ rớt tương đối cao. Thi xong thì lại áp lực hơn nữa vì không làm được bài, điểm thấp. Thậm chí, việc đáp án công bố quá đơn giản so với đề thi quá phức tạp cũng làm thí sinh mất tự tin và nghi ngờ năng lực bản thân.

Mặc dù phổ điểm toán được Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá là không có nhiều biến động so với năm ngoái nhưng thực tế cho thấy, có đến 55.264/98.464 thí sinh dưới 5 điểm, tương đương hơn 56% thí sinh. Trong khi ở năm trước, con số này chỉ khoảng 46% thí sinh. Trước đó, sở đã lý giải rằng kỳ thi lớp Mười là kỳ thi tuyển sinh nên đề thi phải có tính phân hóa, có dễ, có khó để chọn đúng học sinh vào học tại các trường THPT công lập. Học sinh giỏi sẽ vào trường tốp đầu, học sinh khá sẽ vào trường tốp sau. Đề thi khó chung cho toàn thành phố nên không ảnh hưởng đến việc chọn nguyện vọng.

Áp lực không đáng có

Nhiều năm nghiên cứu đề thi toán của kỳ thi lớp Mười, ông Phạm Hồng Danh - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn (quận Tân Phú) - nhận định, đề toán năm nay có quá nhiều câu ứng dụng thực tế. Cách dùng từ trong các câu này lại quá dài dòng, luộm thuộm khiến người đọc lúng túng. Thí sinh phải mất rất nhiều năng lượng để phân tích, hiểu được chính xác câu hỏi, làm đề bài từ dễ trở thành khó. Đặc biệt, đề thi đã vi phạm một khuyết điểm trong việc phân hóa. Cụ thể, 3 câu 5, 6, 7 trong đề không có tác dụng phân hóa học sinh mà làm cho học sinh trung bình, học sinh khá đều “bí” như nhau.

Thí sinh TPHCM dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm 2024 tại Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận) - ẢNH: TRANG THƯ
Thí sinh TPHCM dự thi kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm 2024 tại Trường THCS Ngô Tất Tố (quận Phú Nhuận) - Ảnh: Trang Thư

Ông phân tích thêm: “Đề thi không cần có điểm 10, không nhất thiết phải để học sinh làm hết nhưng cần nhẹ nhàng hơn. Như đề thi của Hà Nội chỉ dùng một câu thực tế mà vẫn có tính ứng dụng cao, phân hóa rất tốt vì đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu vấn đề. Về bản chất khó hơn đề của TPHCM nhưng học sinh không kêu ca. Đề thi của TPHCM quá lạm dụng các bài toán thực tế nhưng cách diễn đạt chưa tốt, thừa thãi làm học sinh mệt mỏi, người chấm bài cũng mệt mỏi”.

Tương tự, ông Trần Tấn Tài phản đối những quan điểm cho rằng học sinh học vẹt, học tủ nên mới không làm được bài. Theo ông, thầy cô và học sinh đều đã thay đổi cách dạy, cách học theo chương trình phổ thông mới từ lâu. Vấn đề nằm ở chỗ đề thi có quá nhiều câu thực tế, cần được thay đổi ở những kỳ thi sau để không gây căng thẳng cho học sinh. Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Tân Bình thì cho rằng, thầy cô đã dạy học sinh theo hướng ứng dụng kiến thức vào thực tế từ nhiều năm nay. Nhưng có thể học sinh chưa nắm được cách hiểu đề nên không giải quyết được một đề toán lạ. Điều này cho thấy kỹ năng đọc của học sinh hiện nay còn yếu, phải tập trung phát triển hơn.

Ông Ngô Xuân Điệp - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TPHCM - đặt vấn đề: Trong một kỳ thi, nếu chỉ một vài học sinh kêu đề khó thì lỗi của học sinh. Nhưng nếu đề khó đến mức rất nhiều học sinh kêu ca, khóc lóc thì lỗi sai của người ra đề. Tại sao ra đề khó, ra đề khó để làm gì? Việc phải đối diện với một đề thi quá khó có thể làm học sinh khủng hoảng tâm lý trong một thời gian.

“Kỳ thi lớp Mười đang tạo nên một sự khủng hoảng. Tại sao đi học lại trở thành nỗi sợ của học sinh? Tại sao phải bóp chặt con đường đến trường, phải phân luồng để học sinh không được vào học tại các trường công lập? Trong khi được đi học, được đến trường công là nhu cầu và quyền lợi của tất cả các em. Học là phải đủ điều kiện, phải yêu thích và vừa tầm, vừa sức. Con người ngoài học tập còn phải được vui chơi, được thoải mái. Nếu gánh chịu quá nhiều áp lực học tập thì dễ mất đi khả năng phát triển phẩm chất. Học là một điều hạnh phúc chứ không phải nỗi sợ hãi” - ông nhấn mạnh.

Ngày 10/7, công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp Mười

Sáng 19/6, Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố phổ điểm 3 môn thi tuyển sinh lớp Mười. Với môn toán, có 49 thí sinh đạt điểm tuyệt đối; điểm thấp nhất là 0,25 điểm (123 thí sinh). Với môn ngữ văn, điểm thi cao nhất là 9,5 điểm với 1 thí sinh; mức điểm thấp nhất là 0,25 điểm với 3 thí sinh. Có tổng cộng 73 thí sinh đạt mức điểm từ 1 trở xuống. Môn ngoại ngữ là môn có phổ điểm cao nhất trong 3 môn thi, 1.707 thí sinh đạt mức điểm tối đa 10 điểm. Điểm thấp nhất là 0,25 điểm (2 thí sinh).

Năm học 2024-2025, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp Mười ở TPHCM là 77.355 học sinh nhưng có hơn 98.000 em dự thi. Như vậy, có khoảng 78,3% thí sinh sẽ đậu vào lớp Mười công lập.
Từ ngày 21 đến 24/6, thí sinh có thể nộp đơn xin phúc khảo bài thi. Chậm nhất 16 giờ ngày 24/6, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ công bố điểm chuẩn tuyển sinh THPT chuyên, tích hợp và kết quả tuyển thẳng. Ngày 30/6: Hoàn thành chấm phúc khảo và công bố kết quả. Ngày 10/7: Công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp Mười và danh sách thí sinh trúng tuyển vào lớp Mười năm học 2024-2025.

Nguyệt Cát

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
  • Anh nguyen 22-06-2024 12:33:45

    Tôi thấy áp lực đối với học sinh quá nhiều,nếu như là áp lực vậy, tôi nghĩ bộ giáo dục nên coi lại cách dạy, cách ra đề lại,mấy ông cứ so sánh cách học cua Việt Nam và nước ngoài, nhưng tai sao các ông chỉ biết áp dụng 1 cách ngu xuẩn và ko có logic trong học tập dối với học sinh nước nhà, sáng kiến đâu tôi ko thấy, chỉ thấy tối kiến, nếu như thật sự kinh tế mọi người Việt Nam có thu nhập tốt và ổn thì tôi thấy ráng đầu tư cho con cái mình ra nước ngoài học còn hay hơn.

  • Nhung 22-06-2024 12:20:49

    Là một cựu học sinh khối Tự nhiên, bây giờ trở thành giáo viên Tiếng Anh, đã qua 20 năm rồi, tôi giải đề này (bao gồm cả vẽ hình và giải câu 8c) chỉ mất chưa đến 30 phút. Tôi cũng thắc mắc tại sao lại cho rằng đề thi khó. Nếu ngay cả đọc hiểu vấn đề bằng Tiếng Việt và đưa ra cách giải quyết trong 120 phút là không đủ và quá khó, thì đến khi nào mới giải được đề Toán thực tế bằng Tiếng Anh. Giáo viên nên xem lại cách dạy, học sinh không nên tìm lối tắt trong cách học. Đi học nên là niềm vui, đi thi không nên có tâm lí đấu đá.

  • Nhantrong 22-06-2024 10:49:03

    Nếu như đủ trường công để học thì không có gì để bàn luận cả.

  • Kieu tan doang 22-06-2024 08:47:34

    Học bạ toàn là hs K, thi điểm từ 4÷5đ (mức TB), vậy đánh giá trong trường và cách dạy kg đồng bộ với Ban QLCL dạy và học.

  • Kieu tan doang 22-06-2024 08:45:36

    Học bạ toàn là hs K, thi điểm từ 4÷5đ (mức TB), vậy đánh giá trong trường và cách dạy kg đồng bộ với Ban QLCL dạy và học.

  • Nguyễn Thị Hoàng Loan 22-06-2024 06:59:00

    Cảm ơn ông Ngô Xuân Hiệp đã nói lên nỗi lòng của phần lớn phụ huynh và các em học sinh ạ

  • Ha Nguyen 22-06-2024 06:54:57

    Mình nghĩ đề toán ở TP HCM chỉ hơi dài và số câu thực tế hơi nhiều (khoảng 3 câu thực tế thì đẹp) chứ không quá khó, không có câu mang tính hàn lâm như ở 1 số tỉnh thành khác. Thực ra đề thi và phổ điểm như vậy cũng phù hợp, những em nào được điểm 9, 10 là xứng đáng. Đề dễ quá, nhiều điểm 9, 10 quá thì không phân loại được học sinh. Trong thực tế, kể cả ở những lớp dưới, có những học sinh giỏi nhưng khi gặp những bài toán hơi khác 1 chút (không phải khó) là đã bí, kĩ năng phân tích đề không có, phải chờ hướng dẫn mới làm được. Vì vậy, qua kì thi giáo viên, học sinh và cả phụ huynh cũng nên nhìn nhận lại việc xếp loại học sinh cho chính xác, tránh việc cho điểm ảo, không thực chất để quá nhiều học sinh giỏi (chưa xứng đáng) làm học sinh và phụ huynh ngộ nhận về khả năng của con em mình.

  • Trường 22-06-2024 06:48:23

    một mùa hè nặng nề với các em sau khi thi xong còn cha mẹ phải bỏ công ăn việc làm để chạy đi kiếm trường dân lập cho con nếu lỡ con mình thi không như nguyện vọng đối với người lớn không đậu công lập không phải là hết nhưng đối với tuổi 15 như các em sẽ có một tâm lý nặng nề sau kỳ thi

  • Hannah 21-06-2024 22:17:04

    Đồng ý quá ạ. Tại sao phải chọi nhau như thế mới được đi học. Các con là những đứa trẻ mới 14 tuổi, gây căng thẳng như thế cho cả trăm ngàn em là đáng sao. Hãy cùng nhau nghĩ ra cách gì tạo điều kiện cho các con đều được học, chứ không phải nghĩ làm sao để đánh đố các con, tìm ra người đạt điểm tối đa...

  • Phong.T 21-06-2024 16:19:17

    Mình là phụ huynh có con thi lớp 10. Bé nhà mình điểm cũng ổn nhưng có vài bạn trong lớp sức học tốt hơn, học thêm chăm lắm mà kết quả rất thấp không đủ NV3 luôn. Cũng do tâm lý, không ăn không ngủ nổi trước thi, áp lực căng thẳng. Giờ mấy bé đó rất tội, chỉ biết giam mình hoặc chìm trong điện thoại để quên. Thương lắm mà không biết làm sao.

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc