Áp lực COVID-19, thời cơ cho giáo dục đại học chuẩn quốc tế trong nước

16/06/2021 - 12:47

PNO - COVID-19 đem đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, song ngay trong lúc nguy nan, chính là một cơ hội để phát triển giáo dục đại học (ĐH) trong nước, nhất là các chương trình chuẩn quốc tế.

Xin bắt đầu bằng câu chuyện tại Úc. Nhà phân tích chính sách Andrew Norton của ĐH Quốc gia Úc cho biết, nhiều lãnh đạo của các trường ĐH tại Úc đã phải chẳng đặng đừng cắt giảm nhân sự, kể cả thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất. Còn Leo Goedegebuure, Viện LH Martin của ĐH Melbourne, cho biết, trong suốt 30 năm nghiên cứu giáo dục ĐH, ông chưa từng thấy sự khó khăn nghiêm trọng về tài chính mà các trường phải đối mặt như hiện nay… Thực trạng này bắt nguồn từ việc du học sinh quốc tế đến Úc giảm mạnh và không nằm trong bất cứ kịch bản nào từng được đặt ra. 

Du học sinh Việt Nam tại Úc
Du học sinh Việt Nam tại Úc

Luồng du học sinh di chuyển đến các quốc gia có nền giáo dục ĐH phát triển hầu như bị chặn đứng; hàng chục ngàn du học sinh chọn cách quay trở về nước vì sự an toàn. Trong đó, khi về nước, một số du học sinh chọn học trực tuyến với trường cũ, số còn lại chuyển sang học tại các trường trong nước. Chính vì thế, trong cơn khủng hoảng này, số ít trường “sống tốt” nhất tại Úc thời điểm này chính là những trường chú trọng nguồn sinh viên nội địa, họ có khả năng cân đối tài chính tốt hơn.

Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến giữa năm 2020 - khi dịch bệnh mới xảy ra - Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Con số này thể hiện tiềm năng của phân khúc dịch vụ giáo dục chất lượng cao với mức chi phí tương ứng đối với giáo dục trong nước.

Thực tế cho thấy, một vài trường có sở hữu nước ngoài với mức học phí vài trăm triệu đồng mỗi năm vẫn tuyển sinh tốt. Vấn đề đặt ra ở đây là: nền giáo dục ĐH nội sinh phải thực sự tạo ra chất lượng đào tạo tương xứng thì người học mới chấp nhận “quay về”. 

5 năm trở lại đây, nhiều trường ĐH Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi. Trong đó, không thiếu các chương trình đạt chuẩn quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay cho các tập đoàn toàn cầu, trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh, thu nhập cao…

Còn một xu hướng khác là phát triển các chương trình liên kết quốc tế 2+2, 4+0, hay các trường ĐH nước ngoài liên kết với một tổ chức kinh tế, giáo dục ở Việt Nam để đặt văn phòng và phụ trách đào tạo cho sinh viên Việt Nam để lấy bằng quốc tế.

Thạc sĩ Trần Nam
Thạc sĩ Trần Nam

Trong khi đó, mức thu nhập của người Việt đang thay đổi nhanh chóng, tầng lớp trung lưu đang nhiều hơn, môi trường làm việc đặt ra những yêu cầu cao hơn ở người lao động kèm mức thu nhập xứng đáng, truyền thống hiếu học khiến việc đầu tư vào học tập của con cái được ưu tiên. Đây là những chỉ báo khẳng định nhu cầu về một nền giáo dục chất lượng cao với học phí tương ứng đang rất rõ ràng. 

Nhìn vào nước láng giềng Trung Quốc có thể thấy rõ đặc điểm này đã diễn ra từ hơn 15 năm nay. Hay quay trở lại câu chuyện nước Úc, chúng ta thấy bí quyết các trường ĐH “sống tốt” chính là: quan tâm tuyển sinh trong nước, phát triển mạnh chương trình đào tạo trực tuyến, và dĩ nhiên là tổ chức hệ thống quản trị hiệu quả, tinh gọn.

Từ thực tế và xu hướng nêu trên, cơ hội chưa từng có để các trường ĐH Việt Nam phát triển đào tạo chất lượng quốc tế đang chín muồi. 

Thạc sĩ Trần Nam, Trường ĐH Khoa học 
Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI