Áp lực chăm sóc người già khiến nhiều người Nhật Bản giết người thân

20/12/2023 - 15:52

PNO - Là một trong những quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi nhiều nhất thế giới, Nhật Bản đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề về chăm sóc người già.

Theo một nghiên cứu được công bố trong tháng này, cứ 8 ngày thì sẽ có có một người cao tuổi ở Nhật Bản bị chính thành viên trong gia đình giết chết hoặc một người tự sát sau khi giết chết người thân mà họ đang chăm sóc.

Một học giả cho rằng, số liệu thống kê đáng báo động về hiện tượng được gọi là “sự mệt mỏi của người chăm sóc” có thể trở nên tồi tệ hơn trong những năm tiếp theo.

Etsuko Yuhara, giáo sư phúc lợi xã hội tại Nihon Fukushi, và là tác giả của nghiên cứu cho biết đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi nghiên cứu chỉ ghi nhận những trường hợp tử vong do căng thẳng khi chăm sóc người thân ốm yếu. Thực tế, còn nhiều sự cố khác chưa được ghi chép như là tổn hại, bạo hành đến người già chẳng hạn.

Sự mệt mỏi của người chăm sóc' có thể trở nên tồi tệ hơn ở Nhật Bản khi sự cô lập của Covid làm tăng thêm sự tuyệt vọng của những thành viên gia đình chưa được đào tạo đang cố gắng chăm sóc tại nh
"Sự mệt mỏi của người chăm sóc" trở nên tồi tệ hơn ở Nhật Bản khiến cho các vụ giết người thân ngày càng nhiều 

Giáo sư Yuhara đã sử dụng các nguồn thống kê để xác định 443 trường hợp tử vong (trong 437 vụ giết người hoặc tự tử) ở những người từ 60 tuổi trở lên cần được chăm sóc trong 10 năm qua. Theo đó, vợ chồng chiếm 214 trường hợp và con cái thực hiện 206 vụ, 13 trường hợp liên quan đến anh chị em ruột, 7 trường hợp cháu giết ông bà, và những trường hợp tử vong còn lại liên quan đến các thành viên khác trong gia đình.

“Có 2 lý do chính dẫn đến những vụ giết người và tự sát là gánh nặng chăm sóc một thành viên trong gia đình và thứ hai là mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình" - Yuhara nói.

Theo bà Yuhara, những con số này không làm bà ngạc nhiên vì nghiên cứu cho thấy người chăm sóc chính cho chồng hoặc vợ ngày càng trở nên đau khổ khi những áp lực về kinh tế, thể chất và cảm xúc khiến họ muốn "được giải thoát càng sớm càng tốt".

"Không còn hy vọng rằng tương lai sẽ có điều gì tốt đẹp hơn, những người này đã quyết định giết những người thân yêu của mình trước khi tự kết liễu đời mình. Tôi không quá sốc trước kết quả nghiên cứu và theo tôi, điều này sẽ không thay đổi trong thời gian tới” - bà Yuhara nói.

Bà Yuhara dẫn chứng, cuối tuần qua, cảnh sát ở Tokyo đã bắt giữ một người đàn ông 86 tuổi tại nhà sau khi ông gọi điện cho cảnh sát để thông báo rằng ông đã bóp cổ người vợ 81 tuổi của mình. Ông Haruo Yoshida khai với cảnh sát rằng ông đã dùng tay bóp cổ bà Kyoko chỉ vì ông quá mệt mỏi, muốn thoát khỏi việc chăm sóc bà.

Theo cảnh sát, nạn nhân bị thương ở chân và không thể đi lại khoảng một năm.

Đầu tháng 12, một người đàn ông khác và vợ (cả hai đều 83 tuổi), được phát hiện đã chết ở thành phố Suita, tỉnh Osaka. Người đàn ông đã gửi cho con gái một tin nhắn ngay trước nửa đêm để nói rằng ông sắp tự tử. Khi cô về đến nhà bố mẹ thì người mẹ đã chết còn bố cô thì mất tích. Thi thể của người đàn ông được tìm thấy nằm trên mặt đất bên ngoài khu nhà.

Thậm chí còn có những trường hợp khác được thực hiện theo một tập tục cổ xưa mà trong đó người già bị đưa lên núi và bỏ rơi cho cho đến chết. Vào ngày 1/12, cảnh sát tỉnh Miyagi đã bắt giữ Ichiaki Matsuda sau khi người ta tìm thấy mẹ anh bị bỏ rơi trên ghế đá công viên. Matsuda, một người thất nghiệp 57 tuổi, khai với cảnh sát rằng anh bị căng thẳng vì phải chăm sóc mẹ và thừa nhận đã để bà một mình. Bà Toki Matsuda, 86 tuổi, sau đó được xác định đã chết do tiếp xúc với cái lạnh kéo dài.

Yoko Tsukamoto, giáo sư tại Đại học Khoa học Y tế Hokkaido, cho biết: “Vấn đề giết người thân mà mình chăm sóc đã xuất hiện ở Nhật Bản một thời gian, nhưng tôi cảm thấy rằng nó trở nên tồi tệ hơn trong thời gian phong tỏa vì COVID-19”.

Tsukamoto cho biết, đại dịch coronavirus đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia căng thẳng không có đủ sự trợ giúp cho những người được chăm sóc tại nhà. Tôi đã nghe nói về những người con phải bỏ việc để sống với cha mẹ già nhưng lại gặp khó khăn, đặc biệt là khi người đó mắc chứng mất trí nhớ chẳng hạn".

Yuhara cho rằng chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia vào lĩnh vực chăm sóc bằng lương cáo, có trình độ. Nếu điều đó không thu hút được đủ lao động thì Nhật Bản sẽ phải nới rộng quy định cho lao động nước ngoài tham gia vào lực lượng chăm sóc này.

Trọng Trí (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI