Áp lực bủa vây học sinh: Làm sao giải tỏa?

23/05/2022 - 06:19

PNO - Áp lực từ nhà trường, gia đình và cả bản thân khiến nhiều em bị trầm cảm. Thực tế này cần có giải pháp kịp thời để tâm lý các em được giải tỏa.

Theo các chuyên gia, quá trình học trực tuyến kéo dài do dịch COVID-19 tác động rất lớn đến tâm - sinh lý học sinh. Cụ thể, khi quay lại học trực tiếp, nhiều em thấy chán nản, “hụt hơi” trong học tập vì quen sống khép kín, vì lịch học dày đặc. Nhiều cha mẹ đã tự đặt câu hỏi liệu mình có đang gây áp lực cho con quá? Liệu mình có thực sự hiểu con không? Câu trả lời khiến không ít phụ huynh và giáo viên giật mình khi nhiều em thừa nhận, đã hơn một lần nghĩ đến cái chết vì áp lực, vì buồn phiền và cảm giác cha mẹ, thầy cô không hiểu mình. 

Cô không hiểu trò 

Kể về áp lực đến từ một lần bị điểm 2 môn lịch sử vì không ghi chép bài đầy đủ, Đ.X.T., học sinh lớp 7 Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), nói: “Lỗi là của em, vì em không chép bài, không làm bài tập. Thế nhưng, dù em có giải thích rằng phần bài đó em không chép đủ vì thấy mình đã hiểu, cô giáo dạy sử vẫn nói “anh về đi, không cần học, tôi bảo lãnh cho anh đi thi”.

Học sinh mạnh dạn chia sẻ những áp lực tâm lý của mình tại diễn đàn “Điều em muốn nói” tại Trường THCS Giảng Võ (Q.Ba Đình, TP.Hà Nội)
Học sinh mạnh dạn chia sẻ những áp lực tâm lý của mình tại diễn đàn “Điều em muốn nói” tại Trường THCS Giảng Võ (Q.Ba Đình, TP.Hà Nội)

Lời nói của cô khiến em rất tổn thương. Điểm 2 hôm đó là nỗi ám ảnh với T. vì cảm giác cô giáo không chịu hiểu mình. Em không còn muốn đến trường nữa. Sau buổi học, có thời điểm, em chỉ nằm trên giường khóc và từng có ý nghĩ muốn biến khỏi thế giới này. Rất may, bố mẹ biết chuyện, dẫn em đến gặp cô giáo phụ trách phòng tham vấn học đường của nhà trường. “Cô đã dạy em cách yêu bản thân mình, bởi mỗi người là một cá thể riêng, có điểm mạnh, điểm yếu. Nói chuyện, tâm sự với cô giúp em thấy nhẹ nhõm hơn nhiều và có thêm động lực đến trường, cố gắng học nghiêm túc để cô giáo dạy sử hiểu em không phải là học sinh hư”, T. chia sẻ.

V.T.M., học sinh Trường THCS Giảng Võ (Q.Ba Đình, TP.Hà Nội) cho biết, có những lúc em cảm giác bố mẹ không hiểu mình, có nhiều chuyện muốn nói nhưng bố mẹ lại luôn bận rộn và xem đó là chuyện trẻ con nên gạt qua một bên. Em không được tâm sự với bố mẹ, cũng không dám nói với ai, có cảm giác mọi người quay lưng với mình.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.Hà Nội, học trò mỗi cấp đều có những áp lực riêng, vấn đề là người lớn nhìn nhận, phát hiện, giải quyết áp lực cùng các con như thế nào để các con không rơi vào trạng thái trầm cảm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Tiến sĩ Sơn cho hay: “Nếu ta không nói thì không ai có thể hiểu được. Vì thế, để gỡ rối vấn đề tâm lý tuổi học đường phải tạo được thói quen đối thoại giữa người lớn và học sinh. Muốn gần gũi với trẻ cũng như hiểu các em, bản thân người lớn phải “trẻ hóa”, chứ không thể bắt các em suy nghĩ và hành động chín chắn theo mình”.Ví như trong câu chuyện của em học sinh trên, bản thân giáo viên phải hiểu ý của học sinh, hoặc bình tĩnh hơn thay vì nói những câu “giận lẫy” gây tổn thương không đáng có cho học trò của mình.

Bố mẹ nói một đằng, con làm một nẻo

Khi còn là Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (TP.Hà Nội), tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn đã dành rất nhiều thời gian cho công tác tham vấn tâm lý học đường. Ở đó, học sinh có thể chọn những giáo viên mà các em thực sự tin tưởng để tâm sự, để bày tỏ nỗi niềm.

Ông nhớ mãi có một nam sinh rất khôi ngô, em và gia đình không có tiếng nói chung nên cứ bố mẹ yêu cầu gì thì em ấy đều làm ngược lại. Sau đó, giáo viên của trường phát hiện em làm thế vì muốn chứng minh vị trí trong gia đình.

“Tôi phải giúp em ấy hiểu được rằng, khẳng định mình là tốt nhưng khẳng định không có nghĩa là ngông nghênh, khác người. Với những học sinh như thế, giáo viên phải nhìn thấy đây là nét đặc biệt trong tâm lý trẻ. Những em càng giỏi càng cá tính thì người lớn càng phải biết cách hướng cá tính của trẻ vào điều tốt. Chứng minh cho các em thấy, làm điều tốt thì vị thế của em cũng sẽ tốt lên như thế nào trong mắt người khác. Có thể giao cho các em công việc mà tập thể đang cần để các em có cơ hội chứng minh khả năng theo chiều hướng tích cực và hòa đồng hơn với các bạn”, tiến sĩ Sơn phân tích.

Chuyên gia này cũng nhắn nhủ rằng, các em học sinh hãy mạnh dạn, hãy tin tưởng mở lòng với bố mẹ, với thầy cô. Tất nhiên, điều đó không dễ nhưng khi chia sẻ câu chuyện của mình các em sẽ dễ chịu hơn là im lặng, giấu trong lòng.

Còn phụ huynh, giáo viên, bằng sự quan tâm và tình yêu thương chân thành hãy coi trẻ là bạn để đồng hành cùng các con trong nhiều hoạt động của cuộc sống, tạo cơ hội để những đứa con mở lòng với mình, thay vì dùng quyền của người lớn để buộc trẻ phải tuân theo ý mình. 

Đại Minh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI